Chương VI. Thiếu máu

1. Nguyên nhân gì gây ra việc thiếu máu ở trẻ sơ sinh?

Đa số trẻ sơ sinh đều có hiện tượng hồng cầu và huyết cầu bị giảm. Người ta gọi đó là hiện tượng thiếu máu sinh lý ở trẻ sơ sinh. Lượng hồng cầu giảm mạnh vào khoảng tuần thứ 10-12 sau khi sinh. Trong trường hợp này, việc giảm số lượng hồng cầu không bao giờ gây ra việc thiếu máu nhiều. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác làm xuất hiện thiếu máu ở trẻ sơ sinh đó là: -Sự không phù hợp giữa mẹ và con về nhóm máu, thành phần máu và các tiêu chí khác. Trong trường hợp này, "mâu thuẫn" bắt đầu ngay từ trong thời kỳ mang thai và biểu hiện rõ nét sau khi đứa trẻ ra đời với sự phá hủy hồng cầu, gây thiếu máu.

-Có các khuyết tật trong cấu tạo của huyết cầu hoặc sự rối loạn ở vỏ ngoài của hồng cầu. Thường các khuyết tật này mang tính di truyền. Đứa trẻ có bố mẹ hoặc họ hàng gần bị bệnh thiếu máu do tan huyết cầu sẽ có mức độ nguy hiểm cao hơn.

Những đứa trẻ bị thiếu máu thường là trẻ đẻ thiếu nhiều tháng hoặc mắc các bệnh khác nhau, như nhiễm trùng máu chẳng hạn.

2. Bệnh thiếu máu có nguy hiểm đối với trẻ không? Làm thế nào để tránh được bệnh thiếu máu?

Bệnh thiếu máu làm cho trẻ chậm lớn. Dạng thiếu máu hay gặp ở trẻ sơ sinh là thiếu sắt trong máu. Những trẻ bị bệnh này thường xanh xao, yếu ớt, hay mệt mỏi, biếng ăn, hay bị táo bón. Trọng lượng cơ thể có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức quy định. Các biểu hiện nói trên là do không đủ ôxy cho các tế bào trong cơ thể. Các tế bào cần ôxy để bảo đảm hoạt động bình thường, chất sắt đóng vai trò chính trong việc vận chuyển ôxy qua máu tới các tế bào.

Bệnh thiếu máu có thể xuất hiện ở những trẻ đẻ thiếu tháng, trẻ sinh đôi, trẻ không được ăn uống đầy đủ. Lượng sắt dự trữ trong cơ thể của những đứa trẻ này không lớn và bị tiêu hao rất nhanh. Sự thiếu sắt sẽ phá vỡ quá trình hình thành huyết cầu và gây thiếu máu. Những đứa trẻ trên cần được khám nghiệm lượng huyết cầu 3 tháng 1 lần để ngăn ngừa bệnh thiếu máu.

Ăn uống đầy đủ là điều kiện quan trọng để ngăn ngừa bệnh thiếu máu ở trẻ sơ sinh. Đối với trẻ ở nhóm có nguy cơ cao, cần cho ăn thêm các loại thực phẩm giàu chất sắt. Theo chỉ dẫn của bác sĩ, có thể cho trẻ uống thêm các viên chứa chất sắt nhằm đề phòng bệnh thiếu máu.

3. Đứa con sơ sinh của tôi rất xanh xao. Đó là hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh hay cháu bị bệnh thiếu máu?

Bệnh thiếu máu ở trẻ sơ sinh thường rất ít gặp; nếu có, các bác sĩ đã phát hiện ra bằng cách cho trẻ thử máu. Muốn xác định trẻ có bị thiếu máu hay không, cần xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Ở những trẻ phát triển bình thường ở độ tuổi 6-12 tháng cũng có thể có hiện tượng thiếu máu. Nếu trẻ đẻ thiếu tháng, có thể bị bệnh thiếu máu sớm hơn và ở dạng nặng hơn. Đối với những trẻ này, cần cho ăn các chất chứa sắt sớm hơn.

4. Làm thế nào để biết được con tôi có bị bệnh thiếu máu hay không?

Các triệu chứng của bệnh thiếu máu là xanh xao, chóng mệt mỏi, hay quấy, táo bón, biếng ăn. Trẻ có biểu hiện bị thiếu máu cần phải được đi khám và thử máu để xác định chính xác.

5. Thời gian gần đây con tôi rất xanh xao và chóng mệt mỏi. Nguyên nhân là gì?

Xanh xao và mệt mỏi có thể là những biểu hiện đầu tiên của bệnh thiếu máu do giảm hồng cầu. Hồng cầu vận chuyển ôxy cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Máu đủ ôxy có màu đỏ tươi và làm cho da của trẻ hồng hào. Khi lượng ôxy trong máu thấp, trẻ chóng mệt mỏi, xanh xao. Việc thiếu vitamin, sắt và các sắc tố cần thiết khác làm cho quá trình hình thành hồng cầu bị phá vỡ. Hồng cầu cũng có thể bị hủy diệt do các bệnh viêm nhiễm. Trẻ cần được đi khám và có phương pháp điều trị kịp thời.

6. Đứa con 2 tuổi của tôi uống viên sắt phòng bệnh thiếu máu. Liệu sức đề kháng cơ thể của cháu đối với viêm nhiễm có bị yếu đi không?

Con bạn uống viên sắt để chữa bệnh thiếu máu và các chỉ số trong máu sẽ được bình thường hóa, điều đó sẽ nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Chỉ không nên cho trẻ uống viên sắt trong trường hợp có bệnh viêm nhiễm nặng.

7. Trẻ có cần uống thuốc gì để bệnh thiếu máu không tái phát không?

Sau khi điều trị xong bệnh thiếu máu, nếu các chỉ số trong máu đã trở lại bình thường và bác sĩ điều trị không đề nghị cho uống thêm thuốc khác thì cũng không nên uống nữa. Chỉ cần lưu ý tới chế độ ăn uống của trẻ cho có đủ sắt và vitamin.

Bài liên quan

Chương V. Nuôi bột
Chương IV. Cho trẻ bú
Chương II. Trẻ bú mẹ
©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper