Khác biệt giữa tartar và plaque?
Đánh răng thế nào là đúng cách?
Ở các nước tân tiến hiện nay, những từ ngữ "tartar" và "plaque" hầu như nhan nhản nơi đâu cũng có. Nhưng nhiều lúc chúng ta cũng tự hỏi... tartar là gì? plaque là gì?... hai thứ này khác nhau ra sao ?
Plaque là chất bợn màu kem bám vào răng. Tiếng Việt gọi là "ke". Một buổi sáng sớm trước khi đánh răng, bạn đưa tay lên cao dọc theo một chiếc răng, sẽ thấy chất này đóng trên móng tay bạn. Nếu đem một chút ke này bỏ lên kính hiển vi, bạn sẽ thấy hơi rợn người. Chất ke quen thuộc này - dưới kính hiển vi đã hiện nguyên hình ra là một ổ vi khuẩn, những vi khuẩn còn sống chen lẫn với xác của những vi khuẩn đã chết...
Nếu chất ke hay plaque này không được lấy ra khỏi răng (qua việc đánh răng mỗi sáng chẳng hạn), sau 12 ngày chúng sẽ trở nên cứng như đá, chất cứng này các bác sĩ Tây âu gọi là tartar. Tiếng Việt không có từ để chỉ chất tartar này, chỉ thường gọi là răng bị ố, hay răng bị vàng...
Thật ra chất plaque không cần phải chờ đến 12 ngày mới trở nên thật cứng. Sau 2 ngày chúng đã cứng bằng phân nửa độ cứng của tartar rồi. Lúc này plaque đã trở nên rất khó cho người thường có thể lấy ra khỏi răng, và một khi dã trở thành tartar, chỉ có nha sĩ mới cạo ra được.
Răng vàng, răng ố thì đã sao?... Một số người nghĩ như vậy Chuyện này thực sự không đơn giản. Ngoài việc làm răng bạn mất vẻ trắng đẹp tự nhiên, tartar và plaque còn làm miệng bạn trở nên hôi hơn. Nếu để lớp tartar và plaque đóng quá lâu, bạn có thể bị những bệnh sâu răng và sưng nứu răng.
Bạn không thể lấy tartar ra khỏi răng, nhưng có thể ngăn ngừa tartar bằng cách tấn công palque trong lúc chất này chưa cứng lại thành tartar bằng những phương pháp sau:
Đánh răng
Chuyện này tầm thường?... Bạn có đang nghĩ như vậy không?... Chưa chắc đâu. Đánh răng một cách hữu hiệu để lấy chất plaque ra không phải là chuyện đơn giản. Hầu hết mọi người đều không có một phương pháp đánh răng đúng cách.
Bạn đánh răng từ trái qua phải rồi từ phải qua trái theo hàng ngang?... Sai ?
Bạn đánh răng từ trên xuống dưới rồi từ dưới lên trên
theo hàng thẳng đứng?... Cũng sai nốt!
Muốn đánh răng một cách hữu hiệu để lấy plaque ra khỏi răng, bạn phải đặt mặt bàn chải vào chỗ tiếp xúc giữa răng và nứu, góc độ hơi nghiêng để bàn chải vừa tiếp xúc với răng vừa tiếp xúc với nứu cùng một lúc. Ở vị trí này, mặt bàn chải sẽ hơi nghiêng so với mặt răng một góc chừng 30 đến 45 độ. Sau khi đặt bàn chải đúng cách, bạn bắt đầu đánh răng. Không phải đánh ngang, cũng không phải đánh dọc, mà đánh theo những vòng tròn nhỏ. Mỗi lần chỉ đánh một vài chiếc răng, từ từ di chuyển từ phải qua trái hoặc từ trái qua phải cho đến hết một hàm trên hay hàm dưới. Tiếp tục sau dó với hàm còn lại.
Ngoài ra, bạn nên có 2 bàn chải, một dùng vào buổi sáng và một dùng vào buổi tối. Sau khi đánh răng nhớ vung hoặc gõ bàn chải vào cạnh bồn rửa mặt để làm văng hết nước còn bám trên bàn chải ra. Một môi trường ẩm rất có lợi cho sự sinh sản của vi khuẩn, vì thế cần giữ cho bàn chải đánh răng khô ráo thường xuyên.
Bàn chải răng máy có tốt hơn không? Có. Nên dùng loại có các sợi nylon tự xoay tròn trong lúc bàn chải đứng yên như của các hiệu Super-brush, Interplak, Bota-dent... Loại bàn chải này có hiệu quả loại trừ chất plaque gần gấp đôi việc đánh bằng tay. Theo kết quả của mót số thí nghiệm thì bàn chải máy lấy ra đuợc khoảng 95 phần trăm tổng số plaque bám trên răng, trong khi đánh tay chỉ lấy được trên dưới 50 phần trăm.
Dùng chỉ “floss” giữa những kẽ răng
Xưa tại Việt-nam chúng ta dùng tăm để lấy vụn thức ăn bị kẹt lại giữa những kẽ răng. Hành động này tuy đúng, nhưng thường lấy không hết vụn và những vụn này dễ sinh sâu răng. Đôi lúc đầu cây tăm to quá hay nhọn quá, hoặc cạnh cây tăm tre sắc quá đều có thể làm nứu bị chảy máu, một cơ hội tốt cho các vi khuẩn xâm nhập vào tạo sự nhiễm trùng.
Ở Anh - Mỹ và các nước phương Tây ngày nay người ta thường dùng một sợi chỉ đưa vào giữa kẽ răng để lấy thức ăn còn dính lại. Sợi chỉ này cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc trừ khử chất plaque trong những kẽ răng mà bàn chải không đánh tới. Nhìn chung, floss quan trọng không kém gì đánh răng. Loại chỉ floss răng có bán tại tất cả những tiệm thuốn tây. Nếu bạn không quen căng chỉ bằng tay có thể mua loại được làm sẵn có cán nhỏ bằng plastic. Nhớ floss mỗi ngày và floss tất cả kẽ răng. Bạn không chỉ lấy thức ăn dư thôi, còn phải lấy hết plaque ra trước thời gian chúng
cứng lại thành tartar nữa.
Dùng kem đánh răng loại tốt
Một ống kem đánh răng loại tốt không đắt hơn loại rẻ tiền bao nhiêu, và một ống thường dùng được rất lâu. Hãy mua những hiệu có tiếng. Những kem rẻ tiền, theo kinh nghiệm của nhiều nha sĩ, thường không có đủ chất flouride (flo) cần thiết cho răng.
Súc miệng sau khi ăn
Nếu bạn nghĩ rằng lời khuyên đánh răng sau mỗi bữa ăn của các nha sĩ là quá đáng... hãy làm một việc tối thiểu để bảo vệ hàm răng sau khi ăn... súc miệng thật mạnh bằng nước ấm. Hành động này có thể đẩy văng những vụn thức ăn ra khỏi kẽ răng...
Đồng thời, có lẽ bạn đã từng biết qua cái cảm giác mắc cỡ chết người khi về đến nhà, soi gương và khám phá ra một vụn hành, một vụn ớt nằm ngạo nghễ trên một chiếc răng cửa của mình... và bạn đã lỡ cười duyên với biết bao người trong buổi chiều hôm đó!
Một miếng kẹo cao su (chewing gum) cũng tạm thay thế được việc đánh răng sau khi ăn. Nên mua loại không có đường (sugarfree).
Súc miệng đằng thuốc. Những loại thuốc súc miệng bán trên thị trường như Antiseptic, Listerine có thể làm giảm lượng plaque bám trên răng và các bệnh về răng. Những thí nghiệm tại Anh – Mỹ và châu Âu cho thấy dùng thuốc súc miệng Listerine có thể làm giảm số plaque trên 20 phần trăm, giảm bệnh sưng nứu răng khoảng gần 30 phần trăm.
Ngoài ra, với những loại thuốc súc miệng bán trên thị trường không có nhãn hiệu (loại generic - thường do các hiệu bào chế theo công thức của những hãng thuốc lớn) bạn nên tìm những loại với nhãn hiệu "Compare to... (Listerine, Plak, hoặc Scope...)". Đồng thời nên xem thành phần cấu tạo trên nhãn thuốc. Thường các thuốc có chất cetylpridinium và domiphen promide có công hiệu làm giảm chất plaque.
Cạo lưỡi
Việc cạo lưỡi cũng giúp ích rất nhiều cho việc loại trừ vi khuẩn làm hại răng. Lớp bợn đóng trên lưỡi thường làm mất vị giác, ăn không ngon. Chất bợn này không khác chất plaque bao nhiêu, nó chứa toàn vi khuẩn và những đồ dơ không tốt cho răng và nứu. Khi cạo lưỡi có thể dùng cây cạo lưỡi bán ở chợ, có thể dùng một cái muỗng, hay bàn chải đánh răng của mình cũng được. Cào nhẹ 10 lần từ trong ra ngoài cho đến khi sạch chất bợn đóng trên lưỡi.
Làm sao để biết nơi nào bị plaque bám?
Khi đánh răng hàng ngày, mỗi người đều dễ có thói quen bỏ sót một nơi nào đó trên hàm răng, và tại nơi này plaque tha hồ hoạt động. Kết quả là sự xuất hiện của tartar, răng bị hư, bệnh về nứu... hoặc bạn có thể bị mất những chiếc răng tại nơi này.
Làm sao để biết chỗ nào của hàm răng đã bị bạn quên lãng? Dễ thôi, đến tiệm thuốc tây mua một loại thuốc gọi là "plaque disclosing tablet"... Nhai nhỏ loại thuốc này trước khi đánh răng, các plaque còn bám vào răng sẽ bị thuốc này nhuộm màu. Bạn soi gương thấy chỗ nào màu càng đậm, chỗ đó càng có plaque nhiều. Ghi nhớ vị trí của chúng và đánh kỹ những chỗ này hàng ngày.
Tăng cường chất vôi (calcium) cho cơ thể
Răøng của bạn dính liền vào xương hàm như những cây đinh đóng trên một miếng gỗ. Nếu miếng gỗ này bị mục nát, thì những cây đinh cũng sẽ rớt ra. Hãy giữ cho xương hàm cứng cáp bằng cách bồi bổ nhiều chất vôi cho cơ thể. Bạn có thể uống thuốc calcium mỗi ngày, hoặc uống nhiều sữa, ăn nhiều phô mai, cá thu, hạnh nhân, và các loại rau cải có màu xanh đậm.
Lợi ích của bột nổi (baking soda)
Bạn đã từng thấy có nhiều loại kem đánh răng và thuốc súc miệng có trộn baking soda. Chất này có công dụng làm răng trắng bóng hơn. Ngoài ra còn có thể trung hòa được chất acid làm mòn răng tiết ra từ plaque và các vi khuẩn khác trong miệng.
Nếu bạn không có sẵn kem đánh răng và thuốc súc miệng có baking soda, có thể dùng loại bột nổi có trong bếp. Nhúng nước ướt bàn chải đánh răng, kế dó rắc chừng nửa muỗng cà phê bột nổi lên bàn chải, đánh răng như thường. Khi súc miệng, hãy súc mạnh chừng nửa phút với ngụm nước đầu tiên để giúp số bột nổi còn sót lại trong lúc đánh răng có dịp làm sạch mọi nơi trong miệng.
Khi nào nên đi gặp nha sĩ
Nếu con người có được hàm răng của loài cá sấu thì có lẽ đa số nha sĩ trên thế giới sẽ bị thất nghiệp, vì loài vật này thay răng ngay sau khi răng cũ bị rụng mất đi (trung bình một đời sống, con cá sấu có thể mọc 2000 chiếc răng!)
Chỉ tiếc rằng bạn không phải thuộc loại này. Bạn chỉ có 2 đợt răng, và đợt răng sữa đã rụng hết khi bạn còn rất nhỏ. Vì thế bạn phải bảo vệ những chiếc răng hiện có một cách tuyệt đối. Ngoài những lúc bị nhức răng hoặc cần trám răng, bạn nên đến nha sĩ 6 tháng một lần nhờ họ cạo hết chất tartar trên răng đi (cạo vôi). Đồng thời, nên đến nha sĩ khi thấy có những triệu chứng sau:
· Hôi miệng kéo dài nhiều ngày.
· Nøứu răng ngắn lại làm những chiếc răng có vẻ dài ra.
· Nứu bị sưng.
· Răng bị lung lay.
MẸO VẶT
Nếu không có đồ cạo lưỡi sẵn ở nhà, có thể rắc chút muối ăn hoặc bột nổi vào bàn chải đánh răng và đánh nhẹ trên lưỡi. Bợn dơ sẽ dễ tróc ra hơn, đồng thời còn có thể giết những vi khuẩn đóng trên lưỡi một cách mau chóng. Khi xong nhớ súc miệng kỹ và nhổ hết muối còn dư ra.
Để tránh tốn kém, bạn có thể chế thuốc súc miệng tại nhà bằng cách pha một nửa thuốc sát trùng loại hydrogen peroxide 3% (có bán tại các nhà thuốc tây với giá rất rẻ) với một nửa nước. Thuốc này cũng có công dụng sát trùng và làm giảm plaque.
Bị hôi miệng... và sắp có cuộn hẹn với người yêu?!? ... Đừng lo, hãy đánh răng, súc miệng, và cạo lưỡi kỹ với baking soda (bột nổi). Ngoài công dụng sát trùng và làm trắng răng, bột nổi còn có công dụng tẩy mùi hôi rất thần kỳ nữa.
Ăn vặt bằng phô mai loại cheddar là tốt cho răng nhất vì phô mai này có công dụng làm plaque ngưng tiết ra chất acid làm hại răng trong một thời gian.