Những người làm việc thường xuyên với máy tính cần khám kiểm tra định kỳ về mắt - Ảnh: Châu Anh
Nhiều người nghĩ rằng chỉ khi khóc hay bị dị vật thì nước mắt mới tiết ra, trên thực tế nước mắt không ngừng được tiết ra, được đưa vào kết mạc, tỏa ra trên nhãn cầu, bảo đảm cho mắt luôn luôn nhuận ướt.
Nếu không có nước mắt, giác mạc sẽ khô, mất tính trong suốt và nhanh chóng bị loạn dưỡng và mù lòa.
Nước mắt khống chế vi khuẩn, giảm đau
Nước mắt có tác dụng rửa trôi bụi, giúp bề mặt nhãn cầu sạch sẽ, bớt gồ ghề (loạn thị), ngoài ra trong nước mắt có một loại men hòa tan vi khuẩn giúp khống chế vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Mắt không có hoặc không được cung cấp đầy đủ nước mắt thật sự là một thảm họa!
Các thành phần của nước mắt kết hợp thành một màng mỏng phủ trên bề mặt giác mạc gọi là màng phim nước mắt gồm 3 lớp.
Sự xuất tiết nước mắt được phân chia thành 3 dạng khác nhau, dựa vào nguồn gốc của chúng: loại cơ bản được tiết ra liên tục để duy trì tình trạng bôi trơn cho mắt và giữ ẩm chứ không chảy ra ngoài; loại phản xạ được tiết ra nhằm đối phó với các yếu tố kích ứng, chẳng hạn như khi thái hành hoặc bị va đập vào mắt; và cuối cùng là loại tinh thần, được khởi phát từ các cảm xúc.
Hai loại sau tùy mức độ kích thích mà có thể tạo thành vài giọt "nước mưa" hoặc "cả cơn mưa"... Những giọt nước mắt làm "nghiêng nước nghiêng thành, tanh bành đại sự" thuộc về nhóm sau cùng.
Giữa những giọt nước mắt tiết bởi cảm xúc và những giọt nước mắt tiết bởi các chất kích thích có nồng độ protein khác nhau. Những giọt nước mắt do cảm xúc chứa các hormone đóng vai trò như chất giảm đau và được tiết ra khi chủ nhân bị stress.
Khô mắt phải làm sao?
Chúng ta hay trêu một người bạn nào đó "mau nước mắt" nhưng nếu trở thành nạn nhân của hội chứng khô mắt, chúng ta mới thật sự thấu hiểu nước mắt quý giá nhường nào.
Chứng khô mắt rất đa dạng, phức tạp và được chia thành 3 nhóm sau:
1. Nhóm làm tăng bốc hơi nước (những người bị khô mắt văn phòng thuộc nhóm này). Khô mắt do không khí khô, nhiều gió, ánh sáng mạnh, dùng máy quạt, máy điều hòa, đông người qua lại... Phải làm việc bằng mắt kéo dài hoặc tập trung cao độ, xem màn hình quá nhiều... khiến mắt không được chớp thường xuyên.
Thói quen sử dụng máy tính trong công việc, chơi game... đã làm xuất hiện tình trạng rối loạn mắt bao gồm các triệu chứng khô mắt, nhìn mờ, song thị và chậm nhận biết hình ảnh. Tình trạng này ảnh hưởng đến 78% người sử dụng máy vi tính và không có sự khác biệt về tuổi tác cũng như giới tính.
2. Nhóm làm tiết nước mắt quá mức như những người làm việc trong môi trường có chất kích ứng làm chảy nước mắt liên tục (chế biến gia vị, nhà máy hóa chất, môi trường khói bụi, khói thuốc...). Nhóm làm giảm tiết nước mắt (bệnh lý tại mắt, bệnh toàn thân và dùng thuốc điều trị các bệnh toàn thân...).
3. Một số nguyên nhân khác như dùng kính sát tròng lâu dài, phẫu thuật tật khúc xạ mắt, dùng kéo dài kháng sinh, kháng viêm nhỏ mắt sau phẫu thuật hay điều trị bệnh mắt, tuổi già...
Làm cách nào để nước mắt được trải đều trên bề mặt nhãn cầu? Câu trả lời đơn giản là nhờ chớp mắt. Việc chớp mắt khiến cho nước mắt được giàn đều trên kết mạc và giác mạc phía trước nhãn cầu, bảo đảm cho mắt luôn luôn nhuận ướt. Việc chớp mắt còn có tác dụng giúp cơ mi trên nghỉ ngơi đẩy ghèn và dị vật ra ngoài.