Các nhà sản xuất vaccine hiện đang phải chạy đua với thời gian để sớm đưa ra thị trường vaccine cúm A/H1N1 trước mùa đông năm nay. Tiến sĩ Sharon Frey - Giám đốc dự án được Chính phủ Liên bang Mỹ tài trợ về thử vaccine cúm A/H1N1 của Đại học Saint Louis - nói rằng các nhà khoa học đã làm việc đến tận khuya mỗi ngày để nghiên cứu và tuyển những người tình nguyện tiêm thử vaccine cúm A/H1N1.
Trong cuộc thử nghiệm vaccine cúm A/H1N1 lần này có 2.800 người tình nguyện tham gia toàn bộ chương trình nghiên cứu trong dự án do chính phủ Mỹ tài trợ.
Tuy nhiên, chỉ có 200 người lớn và 200 trẻ em được tiêm vào người vaccine cúm A/H1N1 đang trong quá trình nghiên cứu.
Những người còn lại sẽ tham gia các chương trình nghiêm cứu khác về virus cúm theo một hợp đồng với Chính phủ Mỹ.
Tiến sĩ Frey cho biết, thông thường để thử một loại vaccine mới cần thời gian ít nhất là một năm. Lần này các nhà khoa học nghiên cứu sản xuất vaccine cúm A/H1N1 phải làm việc gấp rút chạy đua với thời gian.
Các quan chức y tế Hoa Kỳ cho biết, đến khoảng mùa thu năm nay họ có thể sản xuất được 160 triệu liều vaccine cúm A/H1N1. Lô sản phẩm vaccine đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào khoảng tháng Chín năm nay.
Các nghiên cứu song song với việc tiêm thử vaccine cúm A/H1N1 sẽ được tiến hành nhằm xác định độ an toàn và hiệu quả của vaccine do hai Cty dược phẩm Sanofi Pasteur và CSL Limited sản xuất. Ngoài ra các nhà khoa học còn thử nghiệm các vaccine dùng cho cúm từng mùa khác nhau.
Tiến sĩ Frey cho biết, mọi số liệu thu được từ đợt tiêm thử nghiệm vaccine cúm A/H1N1 lần này sẽ được đánh giá nhanh chóng rồi chuyển cho Tổng cục Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ xem xét.
Tiến sĩ Anne Schuchat phụ trách Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh dịch cho biết có thể Chính phủ Mỹ sẽ tổ chức một chiến dịch tiêm vaccine rộng khắp cho công chúng Mỹ trước khi mọi nghiên cứu từ việc tiêm vaccine A/H1N1 thử nghiệm tiêm lần này được hoàn tất.
Các quan chức y tế Hoa Kỳ bị ám ảnh nặng nề bởi chiến dịch tiêm thử vaccine cúm lợn tổ chức hồi năm 1976. Khi đó việc tiêm thử nghiệm phải ngừng đột ngột vì quá nhiều người sau khi được tiêm thử vaccine đã bị bại liệt mà các nhà chuyên môn gọi là hội chứng Guillain-Barre.
Trong khi chưa tìm được nguyên nhân nào gây ra bại liệt ở những người được tiêm thử nghiệm vaccine cúm lợn ngày đó, Chính phủ Mỹ muốn theo dõi một cách thận trọng những người tình nguyện tiêm thử vaccine cúm A/H1N1 lần này.
Các nhà khoa học muốn biết vì sao những người trẻ tuổi bị bệnh cúm A/H1N1 nặng hơn người già nên lần này có thử nghiệm tiêm vaccine vào cả những thanh niên. Anh Nicholas Sarakas, 25 tuổi ở thành phố Saint Peter là một trong những người tình nguyện tiêm thử vaccine cúm A/H1N1 lần này.
Sarakas cho rằng cuối cùng thì thế nào cũng cần phải thử nghiệm trên người trước khi một loại vaccine được sản xuất hàng loạt. Vậy nên anh đã tình nguyện tiêm thử vaccine cúm A/H1N1.
Tại Mỹ, ngoài Đại học Saint Louis, vaccine cúm A/H1N1 đang được nghiên cứu thử nghiệm tại các trường Cao đẳng Dược Baylor ở bang Texas, Đại học Iowa, Đại học Y khoa Maryland, và Đại học Vanderbilt.
Đ.P
Theo AP