Bạn bị ốm
Nguyên tắc chung: Dĩ nhiên, tốt nhất là không nên dùng thuốc trong thời gian mang thai. Vì vậy, khi có vấn đề về sức khoẻ trong giai đoạn này, người ta thường bắt đầu bằng các giải pháp ngoài dược học, có nghĩa là với trường hợp buồn nôn: chia nhỏ bữa ăn, lựa chọn các thực phẩm như cơm, bánh mì, tránh các loại có mùi mạnh...
Bạn bị sốt, cảm cúm: Các loại thuốc để chống lại các triệu chứng này được sử dụng rộng rãi... nhưng lại cần cân nhắc khi mang thai. Trên thực tế, asperin và các loại thuốc chống nhiễm khuẩn không chứa steroid được cấm chỉ định trong 4 tháng đầu thai kỳ, cũng vậy với các loại gel giảm đau có chứa chất chống nhiễm khuẩn không steroid. Đọc kỹ hướng dẫn và thành phần của thuốc... ngay cả khi tên thuốc có vẻ lạ lẫm với bạn.
Lời khuyên: Paracetamon, trong trường hợp cảm cúm, hỉ mũi thường xuyên và sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi.
Bạn ho: Triệu chứng này đặc biệt gây phiền phức nhất là trong những tuần cuối thai kỳ. Các loại thuốc chống ho có thể được dùng nếu không vượt quá liều lượng ghi trên thuốc. Ngược lại, chúng bị cấm sử dụng một vài ngày trước ngày trở dạ vì lý do có thể gây tác động không tốt tới trẻ. Các loại thuốc ho đó có thể dùng khi trong những trường hợp cần thiết thực sự (ho khan, mệt mỏi...) cần tránh sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc.
Bạn bị táo bón: Nên bắt đầu bằng những nguyên tắc tiêu hóa đơn giản (uống đủ nước, ưu tiên các thực phẩm chứa chất xơ...) và tránh việc lười vận động. Một số loại thuốc chống táo bón có thành phần từ thảo dược cũng có thể dùng (theo ý kiến bác sĩ).
Một số lời khuyên hữu ích: Tránh dùng kết hợp nhiều loại thuốc một lúc. Nếu bạn phải dùng một loại thuốc mà chưa có đơn thuốc, hãy xin lời khuyên của dược sĩ hay một bác sĩ. Đọc cẩn thận hướng dẫn sử dụng thuốc.
Bạn bị bệnh mãn tính
Nên biết: Nếu bạn bị động kinh, tiểu đường, hen suyễn, một căn bệnh về tuyến giáp... buộc phải dùng thuốc thường xuyên thì ngay từ lúc phát hiện mang thai hãy nhanh chóng thông báo cho bác sĩ và tiếp tục uống thuốc. Ngừng uống thuốc đột ngột có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho bạn hay cho thai nhi.
Nếu việc mang thai đã nằm trong kế hoạch, hãy nói trước với bác sĩ điều trị để có một đơn thuốc phù hợp. Nên thực hiện điều này nhiều tháng trước khi thụ thai.
Bạn bị hen suyễn: Cứ 3 trường hợp thì có 1 trường hợp căn bệnh này được cải thiện trong thời gian mang thai; trong một phần ba trường hợp khác, nó trầm trọng hơn, và với một phần ba còn lại, nó ổn định. Nếu bệnh không ổn định, với các cơn hen suyễn lặp đi lặp lại, có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và con (nguy cơ sảy thai, thiếu oxi cho bào thai...).
Rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh hen suyễn có thể dùng cho phụ nữ mang thai: các loại thuốc xịt, và thậm chí cả thuốc tiêm. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ điều trị bệnh sẽ tham khảo ý kiến của bác sĩ sản.
Bạn bị tiểu đường: Tỷ lệ đường trong máu quá cao buộc phải điều trị thường xuyên. Dù bạn bị tiểu đường tuýp 1 hay 2 đều phải uống thuốc viên hoặc tiêm insulin, điều quan trọng là tiếp tục điều trị để tránh hậu quả xấu, như nguy cơ dị dạng hay xảy thai... Tuy nhiên, việc điều trị cần phải phù hợp và thay đổi tùy tình hình. Bác sĩ điều trị của bạn sẽ thống nhất với bác sĩ sản về đơn thuốc của bạn trong thời gian này.
Bạn bị rối loạn tuyến giáp: Cường tuyến giáp hay thiểu năng tuyến giáp là những chứng bệnh thường thấy. Nó xảy ra khi có sự bất thường trong hoạt động của tuyến giáp (ở cổ) có thể được phát hiện khi xét nghiệm máu trong thai kỳ. Bác sĩ chuyên khoa sẽ có những giải pháp điều trị không vượt qua màng nhau để bảo vệ em bé. Dĩ nhiên việc kiểm soát thường xuyên thông qua các xét nghiệm máu suốt trong kỳ mang thai là không thể thiếu.
Sao Bắc
Theo Santé