Phòng mạch , bệnh viện đều chật kín
Trẻ mắc bệnh hô hấp nằm ngồi chen chúc ở khoa Hô hấp 2 Bệnh viện Nhi đồng 2Sáng 22/12 , tại Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận gần 200 bệnh nhi đến thăm khám vì các bệnh liên quan đến hô hấp .
Chị Nguyễn Ngọc Thoa ngụ ở quận Tân Phú phải chăm sóc cậu con trai 10 tháng tuổi do bị viêm phế quản ở hành lang khoa Hô hấp 2 của bệnh viện vì trong phòng bệnh người nhà và bệnh nhi chen chúc nhau .
Tại hành lang khoa này , nhiều phụ huynh cũng phải chăm con trong tình cảnh tương tự , trong khi các bác sĩ và y tá lại bận rộn để liên tục chụp ống trợ thở , xông mũi cho các trẻ .
Theo bác Nguyễn Anh Tuấn- Khoa hô hấp bệnh viện , gần một tháng nay thời tiết bắt đầu chuyển lạnh cũng là lúc khoa hô hấp luôn đông nghẹt bệnh nhi đến thăm khám và nhập viện điều trị , trong đó nhiều trẻ đã phải cho thở trợ máy vì diễn tiến hen suyễn , viêm tiểu phế quản nặng .
Bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên- Phó khoa Hô hấp 2 Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết : ; “Trong một tuần trở lại đây , mỗi ngày bệnh viện khám cho hơn 200 trẻ liên quan đến các bệnh hô hấp , trong đó có tới 30 trẻ phải nhập viện để điều trị nội trú . Trong số này có hơn 70% trẻ ở TPHCM . Hiện khoa Hô hấp 2 có 70 giường nhưng số trẻ nội trú đã lên tới 120 cháu .
Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng trong tình cảnh tương tự . Thời tiết chuyển mùa từ nắng sang mưa kèm theo lạnh trong hơn 1 tuần qua đã khiến cho khoa này luôn đông nghẹt bệnh nhân điều trị .
Trong một tuần qua , mỗi ngày khoa Hô hấp tiếp nhận điều trị trung bình từ 120 – 130 ca , tăng gần gấp đôi so với tháng trước , đặc biệt có khá nhiều bệnh nhi bệnh diễn tiến nặng phải cần đến hỗ trợ thở bằng oxy .
Theo các bác sĩ hơn 80% trẻ nhập viện điều trị bị viêm phế quản , chủ yếu là trẻ dưới 2 tuổi , còn lại là các trẻ bị triệu chứng của bệnh viêm phổi , viêm phổi biến chứng như áp xe phổi , viêm mủ màng phổi và suyễn .
Tại khoa Tai Mũi Họng và Hô hấp của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM , từ đầu tháng 12 đến nay mỗi ngày cũng tiếp nhận khoảng 300 lượt bệnh nhân đến khám , trong đó hơn 60% số ca mắc các chứng bệnh về hô hấp do thời tiết chuyển mùa . Các bác sĩ ở Khoa Nhiễm D bệnh viện bệnh nhiệt đới cũng tiếp nhận khoảng 50 ca nhập viện mỗi ngày do bệnh hô hấp .
Tại các phòng mạch nhi tư nhân chuyên về tai mũi họng , hô hấp , tình trạng đưa trẻ đi khám các bệnh liên quan đến hô hấp cũng tăng đột biến . Các bác sĩ ở phòng mạch tư cho biết : trẻ bị hen suyễn , viêm tiểu phế quản đến khám đông nhất .
Đây là thời điểm chuyển mùa , gần lễ Giáng sinh , trời lạnh đột ngột khiến các virus gây bệnh hô hấp có điều kiện phát triển , trong khi trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi có sức đề kháng yếu nên dễ bị bệnh hơn .
Không nên coi thường!
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết , đã có không ít phụ huynh khi thấy trẻ có dấu hiệu ho liên tục đã tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ mà không nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám .
Tại khoa Hô hấp 2 của bệnh viện Nhi đồng 2 nhiều trường hợp trẻ nhập viện trễ dẫn đến nguy cơ suy hô hấp rất cao . Theo bác sĩ Tuấn khi thấy trẻ thở nhanh , thở có tiếng kêu , trẻ ngủ li bì , không uống được nước , bỏ bú và người tím , khi thở co lồng ngực thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế . Không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ khi thấy trẻ ho , đồng thời không nên cho nhiều người tiếp xúc với trẻ và phải giữ trẻ ấm .
Trong khi đó , bác sĩ Huyên cho biết số trẻ nhập viện bị hen suyễn và viêm tiểu phế quản rơi vào nhóm trẻ từ 2- 7 tháng tuổi chiếm tỷ lệ rất cao nhất , đặc biệt bệnh càng nặng hơn khi trẻ đang bị suy dinh dưỡng , có bệnh tim bẩm sinh .
“Khác với mọi năm , năm nay lo ngại nhất là tỷ lệ trẻ phải cấp cứu tăng cao , chiếm 11% trong tổng số ca , đồng thời diễn tiến bệnh chuyển nặng rất nhanh và phải sử dụng đến các biện pháp hỗ trợ như thở oxy , thở máy . Một số trẻ nếu không được cấp cứu kịp thời thì nguy cơ suy hô hấp , dẹp phổi , nhiễm trùng phổi rất cao” - Bác sĩ Huyên cảnh báo .
Theo bác sĩ Huyên , trong dịp lễ Giáng sinh trời lạnh nên phụ huynh cần quan tâm hơn đến việc giữ ấm cho trẻ . Nếu thấy trẻ thở nhanh hơn bình thường thì phải đưa ngay đưa đến bệnh viện để được thăm khám . ;
Lê Nguyễn
Orginal Source ; ;