Sữa là siêu dinh dưỡng?
Sự phát triển của những năm đầu đời có ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe sau này của trẻ. Ví dụ như trẻ bị suy dinh dưỡng thì sau này sẽ có chiều cao thấp; trẻ bị béo phì thì sau này dễ bị tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch; trẻ thiếu máu do thiếu sắt thì sẽ ảnh hưởng tới trí thông minh và không sửa chữa được dù đã được điều trị; trẻ thiếu kẽm thì có chiều cao thấp, giảm khả năng miễn dịch, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, biếng ăn;
Trẻ thiếu Vitamin D sẽ bị còi xương, thiếu Vitamine A sẽ bị khô mắt và giảm miễn dịch; trẻ ăn thiếu chất béo ( DHA, ARA, Cholin) thì sẽ ảnh hưởng tới sự hoàn thiện hệ thống thần kinh, thị lực...
Tuy nhiên, do tâm lý thích con cao to và tròn trĩnh nên khi có điều kiện chúng ta luôn muốn cải thiện tình trạng này thật nhanh và dẫn đến những ngộ nhận trong việc lựa chọn nguồn dinh dưỡng bổ sung, đặc biệt là nguồn dinh dưỡng từ sữa.
Sai lầm thường thấy nhất là các bậc cha mẹ chỉ quan tâm tới nguồn dinh dưỡng giúp phát triển về thể chất (chiều cao, cân nặng) mà không chú ý tới thức ăn khác vì sự tăng chiều cao và tăng cân phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như di truyền, nội tiết tố, luyện tập và các vi chất dinh dưỡng khác nhau như kẽm, canxi, Vitamine D... có trong nhiều thực phẩm khác nhau chứ không phải chỉ có trong sữa.
Nên nếu chỉ quan tâm bổ sung nhiều sữa, có thể trẻ sẽ béo phì mà vẫn thiếu chiều cao và những chất dinh dưỡng khác.
Đâu là giá trị thực của dinh dưỡng từ sữa
Lựa chọn sữa để nuôi dưỡng trẻ trong những năm đầu đời phải được quan tâm đặc biệt.
Cần phải chọn loại sữa nào có đủ những chất dinh dưỡng đáp ứng được nhu cầu phát triển thể chất, khả năng miễn dịch và phát triển hệ thần kinh của trẻ trong thời điểm hiện tại cũng như tạo nền tảng cho sự phát triển trí tuệ cũng như một sức khỏe tốt sau này. Và điều quan trọng là không nên dựa vào những quảng cáo tràn lan.
Loại sữa đáp ứng đủ những yêu cầu trên, sẵn có trong tự nhiên và rất rẻ chính là sữa mẹ. Khi nuôi bằng sữa mẹ đôi khi cân nặng, chiều cao không được như nuôi bằng sữa bình nhưng trẻ ít bị bệnh, ít rối loạn tiêu hóa, ít bị bệnh mãn tính, phát triển trí thông minh tốt...Trường hợp trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ như con nuôi, mẹ bị bệnh nặng, con bị bệnh nặng thì nên chọn những loại sữa có bổ sung những chất dinh dưỡng giống như trong sữa mẹ.Đó là loại sữa có đủ năng lượng, đủ chất dinh dưỡng như canxi, sắt, kẽm, DHA, ARA, Cholin v.v, và phải theo dõi sát về những dấu hiệu trưởng thành về trí tuệ như phát triển ngôn ngữ, vận động, cũng như sự phát triển cân nặng và chiều cao.
Tránh việc chỉ mong con to và cao mà bỏ qua những dấu hiệu như chậm nói, chậm mọc răng, chậm biết đứng, đi, ít quan tâm tới môi trường xung quanh, da xanh, nhút nhát không giao tiếp với người lạ, hay bị bệnh vặt, những biểu hiện của sự thiếu một số chất dinh dưỡng quan trọng ảnh hưởng tới hệ miễn dịch và trí thông minh của trẻ.
Quan điểm về cách chọn sữa nào cũng rất quan trọng phụ thuộc vào thời điểm phát triển của trẻ vì mỗi giai đoạn trẻ có những yêu cầu và nguồn cung cấp chất dinh dưỡng khác nhau. Tạm chia thành ba giai đoạn cơ bản.
Giai đoạn từ mới sinh tới sáu tháng tuổi thì nguồn cung cấp dinh dưỡng duy nhất là sữa thì sữa mẹ là tốt nhất và sau đó là sữa công thức bổ sung chất dinh dưỡng giống sữa mẹ.
Giai đoạn từ sáu tháng tới ba tuổi là giai đoạn trẻ có thể ăn thêm những thực phẩm khác nhưng vẫn là giai đoạn cần nhiều vi chất dinh dưỡng để phát triển hệ thần kinh, miễn dịch nên cũng nên chọn sữa giống sữa mẹ nhưng tiêu chuẩn bớt chặt chẽ hơn.
Giai đoạn lớn hơn ba tuổi thì trẻ đã ăn được đa dạng các loại thực phẩm thì sữa có thể chỉ đóng vai trò cung cấp thêm năng lượng và canxi mà thôi.
Lưu ý khác khi lựa chọn nguồn dinh dưỡng từ sữa là phải lựa chọn những sản phẩm uy tín, có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng với các thành phần và dưỡng chất bổ sung đầy đủ và hợp lý, đảm bảo cho sự phát triển về lâu về dài của trẻ. Tránh lựa chọn những sản phẩm mang tính chất hỗ trợ cho sự phát triển tức thời.
BSCKII Nguyễn Thị Hoa
Trưởng khoa Dinh dưỡng- BV Nhi đồng 1 TPHCM