Ảnh: Lê Nguyễn
Với người lớn, virus này ít gây bệnh chân tay miệng nhưng khiến người đó trở thành người lành mang virus. Khi trở về nhà sẽ thải phân có virus ra môi trường và lây sang trẻ em – đối tượng dễ nhiễm virus gây bệnh.
Triệu chứng của bệnh
Như Tiền phong đã thông tin, EV 71 tại Trung Quốc khiến 20 trẻ em thiệt mạng chính là một chủng virus đã gây bệnh chân tay miệng (CTM) ở trẻ em Việt Nam.
Theo bác sĩ Hồng Hà – Phó giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia thì tính chất nguy hiểm của căn bệnh này ở Việt Nam chưa bằng Trung Quốc là do bệnh xuất hiện rải rác ở các địa phương, chứ chưa thành dịch như ở Trung Quốc.
Bác sĩ Nhuận cho hay, thời gian qua bệnh viện Nhi T.Ư đã tiếp nhận một số bệnh nhi bị hội chứng CTM nhưng đều ở thể nhẹ, chưa có ca bệnh nào bị tử vong. Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng vừa qua số bệnh nhi mắc CTM đã tăng đột biến 10-20 bệnh nhân/ngày, nhưng chưa rõ nguyên nhân do chủng virus nào.
Hầu hết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhẹ, ban đỏ, nốt đỏ xuất hiện trong miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, sau vài ngày có nhân đục bên trong rồi loét ra. Thường bệnh khởi phát từ họng.
Virus này chủ yếu gây bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi, với các thể như thể sốt đơn thuần, thể sốt phát ban, thể viêm màng não, thể viêm não hoặc thể bại liệt. Giai đoạn đầu khi trẻ mắc bệnh này, triệu chứng thường là sốt cao từ một đến ba ngày.
Sau đó, trẻ sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát với những ban đỏ xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng. Trẻ bị mắc EV71 ở thể viêm màng não hoặc viêm não, sau giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ chuyển sang viêm não, viêm màng não và dẫn tới tử vong rất nhanh.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hà, không phải tất cả số trẻ bị bệnh CTM đều có nguy cơ chuyển sang viêm màng não, viêm não mà chỉ những trẻ mắc thể viêm não và màng não mới có nguy cơ cao dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, hai thể nguy hiểm này chỉ chiếm dưới 5% số trẻ mắc bệnh. Về mặt lâm sàng, bác sĩ Hà khẳng định, không thể biết được trẻ mắc phải bệnh chân tay miệng ở thể nào để ngăn chặn nguy cơ tử vong.
Phòng chống ra sao?
Theo bác sĩ Bùi Vũ Huy– Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư), thời điểm này đang chuyển sang mùa hè nên bệnh nhi mắc hội chứng CTM tại miền Bắc chưa nhiều.
Tuy nhiên, trong mùa hè năm nay được dự báo là nắng nóng kỷ lục sẽ thuận lợi cho các loại virus phát triển, trong đó có EV71 gây bệnh CTM. Hiện nay Bệnh viện Nhi T.Ư chưa ghi nhận bệnh nhân tử vong do hội chứng CTM nhưng biến chứng của hội chứng CTM lại rất nguy hiểm. Đó là bệnh viêm não, dễ gây tử vong.
Vì vậy, khi thấy trẻ có biểu hiện như sốt, quấy khóc, đi ngoài phân nát, chán ăn nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn và điều trị đúng cách. Bác sĩ Nhuận cho biết, với những trẻ bị bệnh ở thể nhẹ, bác sĩ chỉ cần hướng dẫn cách chăm sóc trẻ tại nhà cho phụ huynh.
TS Nguyễn Trần Hiển – Việc trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết hiện nay, trên thế giới chưa sản xuất được vắc xin phòng bệnh này, do vậy, để phòng tránh cho trẻ, chỉ có mỗi cách giữ gìn vệ sinh đường tiêu hóa cho trẻ. EV71 tồn tại trong phân của người mắc bệnh và tốc độ lây lan rất nhanh.
Các bác sĩ cảnh báo, nếu các nhà trẻ nào đã có trẻ bị bệnh chân tay miệng thì các bậc phụ huynh cần cẩn thận, nên cho trẻ ở nhà để tránh lây lan. Ngoài ra, trẻ cần được giữ vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn. Ở nhà trẻ, môi trường lớp học cần phải được giữ vệ sinh, đặc biệt là sàn nhà, vì trẻ em hay bò lê và hay cho tay vào miệng nên dễ làm phát tán căn bệnh này.
TS Hiển cho biết thêm vài ngày nữa Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư sẽ họp bàn về virus gây hội chứng CTM tại Việt Nam.
Thái Hà
TP Hồ Chí Minh: Bệnh chân tay miệng gia tăng
Hôm qua, 5/5, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: Hiện tại khoa Nhiễm có 37 trẻ mắc chân tay miệng(CTM) điều trị, trong đó có gần 10 trẻ bị biến chứng thần kinh nặng do (EV71) gây nên.
Tại bệnh viện Nhi đồng 2, hiện vẫn có 40 trẻ bị CTM nhập viện điều trị, trong đó có 5 trẻ bị biến chứng thần kinh nặng. Thống kê của bệnh viện này, từ đầu năm đến nay đã có gần 800 trẻ CTM nhập viện điều trị, với 4 ca tử vong. Hiện nay, mỗi ngày khoa Nhiễm có từ 20 - 30 bệnh nhân điều trị nội trú vì bệnh CTM, nâng tổng số ca từ đầu năm đến nay lên hơn 800 ca.
Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân gia tăng bệnh là do tình hình dịch tễ nói chung. Năm 2006, Khoa Nhiễm của bệnh viện Nhi đồng 2 chỉ mới nhận được 500 bệnh nhân, đến năm 2007 con số này đã tăng theo cấp số nhân, 3000 ca.
Dự báo trong năm 2008, con số này có thể lên đến 8.000 - 9.000. Bác sĩ Trần Thị Việt - Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, ghi nhận từ nhiều năm qua của bệnh viện cho thấy, xu thế chính của bệnh CTM chủ yếu do EV 71 gây ra. Những trẻ có biến chứng thần kinh và tim mạch cần cấp cứu và theo dõi chiếm khoảng 10%.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, bệnh CTM vào mùa thường bắt đầu từ tháng 2-4 và 9-12 hằng năm. Tuy nhiên, hiện không vào mùa nhưng tỷ lệ bệnh nhi đến khám và điều trị tại 2 bệnh viện Nhi của TP trong tuần qua đã tăng 21% so với trước đó.
Lê Nguyễn
Orginal Source Dịch EV71 gây tử vong ở TQ có thể lan sang Việt Nam