> Đái tháo đường trở thành đại dịch tại Việt Nam
> Chung tay kiểm soát bệnh đái tháo đường
Biến chứng thần kinh có phổ biến không?
Các dây thần kinh thực vật làm nhiệm vụ chỉ huy các hoạt động độc lập không theo ý muốn chủ quan của con người như điều hòa huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, tiêu hóa thức ăn, tiết mồ hôi... (tên gọi khác là dây thần kinh tự động).
Biến chứng thần kinh khá phổ biến ở các bệnh nhân đái tháo đường (BN ĐTĐ), nhất là người kiểm soát đường máu không tốt. Khoảng 60-70% bệnh nhân có biến chứng này, chủ yếu là biến chứng thần kinh ngoại biên và biến chứng thần kinh thực vật. Đáng chú ý là ngay tại thời điểm được phát hiện ĐTĐ đã có gần 10% số người có biến chứng thần kinh.
Nhận biết dấu hiệu
Nhiều bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng gì và biến chứng thần kinh chỉ được phát hiện khi thăm khám. Bởi vậy BN ĐTĐ cần được khám định kỳ 1-2 lần mỗi năm bởi các bác sĩ thần kinh sẽ không bỏ sót bất cứ dấu hiệu nào.
Biến chứng thần kinh ngoại biên, ảnh hưởng chủ yếu đến các dây thần kinh ở chi dưới, với các biểu hiện:
- Dấu hiệu ban đầu là giảm cảm giác đều ở cả hai chân, chủ yếu ở bàn chân, cũng có thể lan lên cả cẳng chân nhưng ít khi vượt qua đầu gối.
Tê bì, cảm giác như kiến bò, chủ yếu ở hai bàn, ngón chân.
Đau nóng rát hai bàn chân, nhất là gan bàn chân, đau tăng về đêm khiến mất ngủ.
Đau xuất hiện từng đợt hoặc kéo dài. Các triệu chứng đau này rất khó điều trị và thường không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường.
Mất một phần hoặc toàn bộ cảm giác ở hai chân và tay. Khi chân bị tổn thương bệnh nhân gần như không hoặc ít đau. Chỉ số ít người bị bỏng hoặc có những vết rách lớn ở chân mà không hề hay biết cho tới khi chân bị sưng tấy, nhiễm trùng nặng. Hậu quả là nguy cơ bị loét bàn chân, bị cắt cụt chân tăng lên rất cao. Tại Mỹ, khoảng 60% các trường hợp bị cắt cụt chân do chấn thương xảy ra ở BN ĐTĐ, chủ yếu do biến chứng thần kinh.
Biến chứng thần kinh ở bàn chân có thể gây biến dạng các khớp xương bàn và cổ chân.
Việc ổn định đường huyết được coi là yếu tố quyết định trong việc phòng ngừa các biến chứng xương khớp cũng như các biến chứng ở những cơ quan khác của bệnh ĐTĐ. Điều này chỉ thực hiện được khi BN kết hợp được các biện pháp điều trị (thuốc, chế độ ăn và sinh hoạt) một cách bài bản và có hiệu quả.
Chăm sóc đặc biệt đôi chân
Luôn giữ bàn chân sạch sẽ, khô ráo, đặc biệt là vùng kẽ ngón chân (dùng kem chống ẩm hay phấn talc tùy trường hợp là tùy vị trí).
Thường xuyên quan sát và kiểm tra bàn chân để kịp thời phát hiện những tổn thương hay bất thường dù nhỏ như: nốt chai, trầy xước, sưng, đau...
Không cắt móng chân bằng vật sắc nhọn như dao, kéo, móng cắt ngang, không cắt khóe...
Không đi chân đất dù ở trong nhà.
Mang giày dép vừa vặn, êm ái, mềm mại và phù hợp (vớ, kiểu giày, mục đích sử dụng...). Giày thể thao được khuyên dùng khi chân chưa biến dạng nhiều. Trường hợp chân biến dạng nhiều, cần phải đặt riêng giày với hình dáng và chất liệu phù hợp. Không mang giày dép gót cao, mũi nhọn, làm vệ sinh giày dép ít nhất 2 lần mỗi tuần.
Trong trường hợp BN già yếu hay có vấn đề về mắt, tay... thân nhân cần được huấn luyện để chăm sóc và theo dõi.
Tư vấn bác sĩ chuyên khoa nội tiết hay chuyên khoa khớp ngay khi phát hiện những bất thường.
Nguồn: Hiểu đúng về biến chứng thần kinh do đái tháo đường