Dịch tả lại đến từ hàng rong

TP - Chưa đầy một tuần, TPHCM ghi nhận 3 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Ngành y tế lo ngại thời tiết nắng nóng sẽ tạo cơ hội cho phẩy khuẩn tả lây lan nhanh.Bán hàng rong, sinh viên mắc tả lo ngại thời tiết nắng nóng sẽ tạo cơ hội cho phẩy khuẩn tả lây lan nhanh.Bán hàng rong, sinh viên mắc tả Quán hàng rong quanh cổng các trường học. Ảnh: L.N
Sau 2 ngày nhập viện với triệu chứng đi tiêu lỏng nhiều lần, chiều 5-4, nữ bệnh nhân 25 tuổi, ở quận 8, TPHCM được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM xác định dương tính với phẩy khuẩn tả. Mặc dù sau đó, khu vực nơi bệnh nhân sinh sống được khử khuẩn ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng, nhưng hai ngày sau con của bệnh nhân này cũng dính.

Bác sĩ Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết “Có thể nguồn lây bệnh của 2 bệnh nhân này là từ một phụ nữ bán hàng rong trước cổng trường THCS Hồng Bàng, quận 5. Người phụ nữ này bị tiêu chảy cách đây 5 ngày và đã tiếp xúc với 2 bệnh nhân”. Ngay sau đó, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã đến trường THCS Hồng Bàng để điều tra dịch tễ và vệ sinh môi trường. Đến nay, chưa có học sinh nào có triệu chứng tiêu chảy.

Chiều 9-4, bác sĩ Nguyễn Trần Chính - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM xác nhận, nơi này đang điều trị cho bệnh nhân Hoàng M. T. 21 tuổi, đang là sinh viên ở đường Trần Hưng Đạo, quận 5 vì mắc tả. Theo lời kể của T., trước khi bị tiêu chảy, anh ăn uống nhiều món ở một quán ăn ở Bình Thạnh và một số nơi khác nên không xác định chính xác mình đau bụng vì loại thức ăn gì.

Đến cuối chiều 10-4, Sở Y tế TPHCM xác nhận thêm 1 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Đó là nam bệnh nhân 28 tuổi, sống tại TPHCM. Hiện nơi cư ngụ của các bệnh nhân mắc tả đã được Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM khoanh vùng khử khuẩn, điều tra dịch tễ nhằm hạn chế nguồn lây lan bệnh ra cộng đồng.

Lo ngại ngay từ cổng bệnh viện - trường học

TS-BS Lê Mạnh Hùng - Trưởng khoa Nhiễm A - BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, qua điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân T. cùng các bạn đi ăn ở một quán hàng rong. Sau khi ăn thì có biểu hiện đau bụng, sang ngày hôm sau bị tiêu chảy không kiểm soát được. Vì vậy, đồ ăn từ các hàng quán rong mất vệ sinh chính là thủ phạm gây nên căn bệnh này.

Bác sĩ Lê Trường Giang nhận định: Thức ăn, đồ uống dễ ôi thiu, nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm đang là những nguồn phát sinh vi khuẩn tả. “Thức ăn từ hàng rong, vỉa hè không đảm bảo vệ sinh do thiếu nước rửa, hứng nắng bụi được xem là thủ phạm gây ngộ độc và không loại trừ những người buôn bán không nấu chín thức ăn khiến khuẩn tả vẫn sinh sôi, lây truyền” - bác sĩ Giang lo ngại.

Trong khi đó, tại các cổng trường, bệnh viện... hàng quán rong không đảm bảo vệ sinh mọc lên nhan nhản. Vì vậy nguy cơ bùng phát bệnh rất dễ xảy ra nếu như ý thức phòng ngừa của người dân kém.

Theo TS-BS Mạnh Hùng, biểu hiện lâm sàng nặng của dịch tả là tiêu chảy ồ ạt, nôn ói, bệnh nhân bị mất nước nhanh chóng dẫn đến sốc giảm thể tích, suy thận. Nếu không kịp thời điều trị, người bệnh có thể tử vong trong vài giờ. Dịch bệnh tả thường bùng phát vào mùa hè và vi khuẩn tả phát tán nhanh trong môi trường nước. Cơ chế lây lan của vi khuẩn tả theo đường ăn uống.

Lê Nguyễn

Orginal Source Dịch tả lại đến từ hàng rong

Bài liên quan