Hàng rong bẩn sẽ bị phạt nặng

Nước rửa bẩn, dùng tay bốc thức ăn, thức ăn không che đậy... là những lỗi mà người bán hàng rong sẽ bị phạt nặng, theo đòi hỏi do Sở Y tế TP HCM nêu ra tại cuộc hội thảo hôm 17/4.

Phát biểu tại hội thảo về thực trạng và giải pháp với hàng rong, Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Trường Giang nhấn mạnh, chế tài là biện pháp cần thiết nếu người bán hàng rong cứ cố tình sai phạm.

"Người bán hàng rong phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, không thể than thở khó khăn không có tiền đóng phạt. Hoặc phải đóng phạt, hoặc chấm dứt kinh doanh", ông Giang khẳng định. Mức phạt sẽ sớm được công bố.

Dùng tay trần bốc thức ăn bán cho khách. Ảnh: Thiên Chương.

Theo báo cáo của Phòng Quản lý Vệ sinh an toàn thực phẩm, thực trạng thức ăn hàng rong kém vệ sinh tại TP HCM là đáng báo động. Trong điều kiện dịch tiêu chảy cấp đang lây lan ở nhiều tỉnh thành, đây có thể là nguồn lây lan nguy cơ cao.

Nhiều xe hủ tiếu, bánh cuốn... vừa bán vừa "chạy" trật tự, nên chỉ dùng một thùng nước nhỏ để rửa chén đĩa đựng thức ăn. Bảo quản thức ăn trong điều kiện đi rong cũng khó khăn. Hàng rong kém vệ sinh thường được lý giải do quá thiếu điều kiện để giữ sạch. Nhưng trên hết vẫn là ý thức kém.

"Dù đã được tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh, nhưng nhiều hộ kinh doanh vẫn cứ vô tư dùng tay trần vừa bốc thức ăn vừa cầm tiền. Hầu hết thức ăn bày bán đều không được che đậy", ông Huỳnh Lê Thái Hòa, trưởng phòng Quản lý Vệ sinh an toàn thực phẩm nói.

Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Trường Giang muốn giám sát hàng rong từ nơi sản xuất chế biến thức ăn, xác định nguồn gốc thực phẩm trước khi chế biến.

Trước mắt, ông Giang đề xuất không nên mang tất cả các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn ra áp dụng, mà chỉ nên tập trung vào các vấn đề thiết yếu: Nghiêm cấm dùng nước bẩn rửa chén đĩa, dùng tay trần bốc thức ăn. Hàng nào có dấu hiệu thức ăn bị nhiễm bẩn phải nhắc nhở hoặc xử phạt ngay.

Vừa bốc bánh cuốn cho khách xong, người bán hàng này lau tay vào quần và tiếp tục rửa chồng đĩa trong thùng nước nhỏ.
Ảnh: Thiên Chương.

Theo Phó viện Vệ sinh y tế công cộng Nguyễn Xuân Mai, xử phạt nặng là cần thiết nhưng chưa đủ và không diệt tận gốc, nếu chính quyền địa phương không thường xuyên nhắc nhở các hộ hàng rong đang sinh sống trên địa bàn mình quản lý. "Chỉ có sự khuyên giải hợp tình hợp lý mới mong người nghèo bán hàng rong thay đổi hành vi", ông Mai nói.

Cũng theo ông Mai, để hàng rong bẩn không tồn tại, người mua hàng cần có ý thức tẩy chay hoặc nhắc nhở người bán khi phát hiện thức ăn hoặc cách chế biến không đảm bảo vệ sinh. "Nếu người mua thấy bẩn mà vẫn mua dùng thì hàng rong kém vệ sinh cứ vô tư tồn tại cũng là điều dễ hiểu", ông Mai nói.

Chủ trương xử phạt có thể gặp một khó khăn là thiếu nhân lực. Các quận huyện đều kêu ca rằng nhân lực tại địa phương không đủ, mỗi quận chỉ có một cán bộ phụ trách vệ sinh an toàn thực phẩm. Cấp phường còn thiếu hơn.

Ông Giang kiên quyết, "khó khăn mấy cũng phải làm, thiếu người thì phải vận động thêm các ban ngành khác tại địa phương như chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, tổ dân phố".

Ngày mai, 18/4 TP HCM sẽ phát động Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ liên tục thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hàng quán chưa có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh và chưa công bố chất lượng sản phẩm.

Orginal Source Hàng rong bẩn sẽ bị phạt nặng

Bài liên quan