1. Ung thư vú: Mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 8000 bệnh nhân bị ung thư vú (UTV). TS Trần Văn Thuấn – Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân UTV mắc mới. Tuy nhiên bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Tại Bệnh viện K, khoảng 70% bệnh nhân bị UTV đến viện khi ở giai đoạn giữa. Đây là thời điểm vẫn có thể cứu được bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ tử vong nhưng liệu pháp điều trị cũng phức tạp hơn bệnh nhân đến sớm.
Đối với những bệnh nhân UTV phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối thì các bác sĩ bắt buộc phải kết hợp những biện pháp như phẫu thuật, tia xạ, hóa chất, dùng thuốc nội tiết, miễn dịch.
Bác sĩ Thuấn cho hay bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng phương pháp. Một bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh UTV chỉ tốn khoảng 10 triệu đồng cho 5 năm điều trị. Tuy nhiên nếu đến viện muộn, bệnh nặng, chi phí sẽ tăng lên tối thiểu thành 30 triệu đồng/5 năm.
Để phát hiện sớm bệnh cần nhận biết một số dấu hiệu của UTV như: thay đổi cấu trúc vú với u cục cứng không đau, sưng, da dày lên, núm vú lẹm vào, nhăn nhúm, có vẩy, lở loét, đau hoặc chảy nước.
Ngoài ra nếu được chụp Xquang tuyến vú sẽ thấy hình dạng của vú không đều, có nhiều bóng mờ. Bác sĩ khám ngực thì thấy có u cục, hạch nổi lên ở nách, cổ vì ung thư lan ra. Lưu ý, đau ngực không phải là triệu chứng phổ biến của UTV.
Tự khám vú để phát hiện những triệu chứng bất thường.PGS.TS Nguyễn Bá Đức – Giám đốc Bệnh viện K cho biết để phát hiện sớm bệnh UTV, phụ nữ 20-39 tuổi tự khám vú định kỳ mỗi tháng một lần và đến bác sĩ chuyên khoa để khám vú 1 năm/lần. Trên 40 tuổi nên thực hiện cả 2 phương pháp trên và chụp hình quang tuyến vú 1 năm/lần. Thời gian khám tốt nhất là 5 ngày sau mỗi kỳ kinh.Tự khám vú tại nhà bằng cách đứng trước gương, hai tay xuôi theo người nhìn xem ngực có sự thay đổi về hình dạng và kích thước không. Sau đó, một tay chống vào hông tay kia vặn và siết đầu vú xem có dấu hiệu rỉ dịch hay chảy máu không.
Hoặc có thể nằm ngửa, tay trái đưa ra sau gáy, dùng các ngón tay phải ép sát tuyến vú vào thành sườn, đẩy lên xuống để tìm kiếm khối u hoặc mảng dày bất thường (lập lại bước này với vú phải). Sau cùng, dùng phần mềm đầu ngón tay tìm kiếm hạch ở hõm nách.
Bác sĩ Thuấn khẳng định nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh UTV có thể được chữa khỏi 100%, đồng thời đảm bảo khả năng nuôi con bằng sữa mẹ sau này.
Hiện nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây bệnh UTV. Tuy nhiên, kết quả theo dõi trên bệnh nhân cho thấy những phụ nữ có tiền sử trong gia đình có mẹ, chị gái hoặc em gái đã bị UTV sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh này hơn phụ nữ bình thường từ 6-10 lần.
Phụ nữ béo phì cũng đứng trước nguy cơ bị bệnh UTV tấn công. Bác sĩ Thuấn cho biết thêm, cuộc sống hiện nay được cải thiện nhiều hơn về vật chất nên chế độ ăn của phụ nữ cũng giàu chất béo và không hợp lý hơn trước.
Khi bác sĩ đã xác định người bệnh mắc ung thư vú, khả năng chữa khỏi rất cao, nhất là khi phát hiện sớm. Không nên có quan các niệm sai lầm tránh đụng dao kéo, tự chữa trị bằng đắp lá, uống thuốc nam, khi quay trở lại viện khối u đã phát triển lan rộng, vỡ loét, chảy máu, thậm chí di căn.
Điều trị ung thư vú bao gồm: phẫu thuật, tia xạ, hóa chất, nội tiết và các thuốc sinh học. Việc điều trị bằng phối hợp hai hay nhiều phương pháp phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân.
Đây chính là một trong những yếu tố tạo điều kiện cho bệnh UTV phát triển. Bên cạnh đó vai trò kích thích tố nữ estrogen kích thích sự tăng trưởng và phân chia tế bào, nên estrogen càng nhiều thì rủi ro ung thư càng cao.Do đó có kinh nguyệt trước tuổi 12, chưa bao giờ có con hoặc có con sau tuổi 30, mãn kinh sau tuổi 50, dùng kích thích tố thay thế, thuốc viên ngừa thai trong nhiều năm (đặc biệt từ 10 năm trở lên) đều tăng nguy cơ UTV.
Kết quả điều trị ung thư vú tốt hay xấu tùy thuộc vào giai đoạn bệnh lúc được phát hiện. Nếu ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm, giai đoạn chưa di căn thì điều trị mang lại kết quả tốt.
Một số phương pháp điều trị ung thư vú như phẫu thuật, xạ trị bổ sung sau mổ và nội khoa. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư vú, nhưng đối với những giai đoạn muộn mặc dù đã có nhiều tiến bộ (phẫu trị, hóa trị, xạ trị, nội tiết) tỷ lệ tử vong vẫn còn tương đối cao.
Các phương pháp điều trị cụ thể
>> Phẫu thuật nhiều hình thức như: Phẫu thuật bảo tồn; Phẫu thuật cắt tuyến vú; Phẫu thuật tạo hình; Ngoài ra phẫu thuật còn được áp dụng trong sinh thiết khối u, sinh thiết hạch cửa, cắt buồng trứng trong điều trị nội tiết cho một số bệnh nhân còn kinh nguyệt có chỉ định.
>> Tia xạ : Được áp dụng cho tất cả các bệnh nhân sau phẫu thuật bảo tồn, một số bệnh nhân có u kích thước lớn, số lượng hạch nách di căn nhiều, tia xạ cắt buồng trứng hoặc tia xạ chống đau, chống chèn ép, chảy máu trong nhiều trường hợp ung thư giai đoạn muộn.
>> Hóa chất: Áp dụng rộng rãi ở giai đoạn sớm do ung thư vú không phải là bệnh tại chỗ, bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị bệnh phù hợp với từng người bệnh.
>> Nội tiết: Có khoảng trên 70% các khối u vú phát triển phụ thuộc vào nội tiết, bằng xét nghiệm mô bệnh học với phương pháp nhuộm đặc biệt có thể biết được khối u phát triển có phụ thuộc vào nội tiết không.
Nếu kết quả khối u phát triển phụ thuộc vào nội tiết bệnh nhân sẽ được điều trị nội tiết trong vòng 5 năm, các bác sỹ sẽ dựa trên tình trạng kinh nguyệt, một số yếu tố khác và cân nhắc xem bệnh nhân sẽ được điều trị bằng loại thuốc nội tiết nào.
Ngoài ra còn có các loại thuốc điều trị sinh học.
2. Ung thư âm hộ: Về điều trị, chủ yếu là cắt bỏ toàn bộ tổn thương khi còn khu trú (ở môi lớn, âm vật). Khi đã quá nặng thì phải cắt bỏ cả hai môi lớn, hai môi bé, mép dưới âm đạo và nạo vét hạch bẹn cả hai bên. Tiên lượng của bệnh thường xấu vì các bệnh nhân cao tuổi thường có kèm thêm nhiều bệnh.
Dưới tuổi 50, tỷ lệ sống trên 5 năm chiếm 65-70%. Nhìn chung, việc phẫu thuật và nạo hạch triệt để cho tiên lượng tốt hơn hẳn so với các trường hợp phẫu thuật không triệt để. Riêng loại ung thư hắc tố tiên lượng xấu nhất.
Gần 80% các trường hợp người bệnh đến Bệnh viện Ung bướu trong tình trạng bướu đã lớn hơn 2 cm; một số khác bướu to trên 5 cm. Do kích thước của bướu lớn, nên khi được chẩn đoán, phần lớn bướu đã lan ra nhiều vị trí của âm hộ.
Việc chữa trị Ung thư âm hộ chủ yếu là phẫu thuật và xạ trị. Đối với các giai đoạn sớm và bướu còn cách xa lỗ tiểu, thường bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật trước.
Với các bướu gần miệng lỗ tiểu, thường bác sĩ sẽ áp dụng xạ trị trước để thu nhỏ bướu, rồi mới tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật tiêu chuẩn bằng cách cắt âm hộ toàn phần. Trong những trường hợp ung thư lan rộng quá chỉ định phẫu thuật, thì xạ trị là mô thức điều trị được lựa chọn.
Cũng theo các bác sĩ, quan trọng nhất là người bệnh cần được theo dõi sát bệnh để phát hiện tình trạng tái phát sớm, lúc còn có khả năng phẫu thuật.
3. Ung thư nội mạc tử cung: Gồm 4 giai đoạn: U phát triển còn giới hạn ở thân tử cung; U xâm lấn lan rộng đến cổ tử cung nhưng chưa lan ra khỏi tử cung; U lan ra ngoài tử cung nhưng còn khu trú trong khung chậu; Đã có di căn xa.
Điều trị triệt để là cắt tử cung, vòi trứng & buồng trứng. Ngoài ra bạn cũng được cho thuốc progestin để cân bằng lại các hormon trong cơ thể. Ngoài phẫu thuật, BS có thể dùng xạ trị (chiếu tia để phá hủy tế bào ung thư) hoặc hóa trị (dùng các thuốc đặc trị giết tế bào ung thư).
Ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao, đó còn là cơ sở quan trọng giúp cho các bác sĩ lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Phương pháp điều trị bệnh ung thư nội mạc tử cung: Bao gồm phẫu thuật, tia xạ, hóa chất và nội tiết.
Điều trị bằng phẫu thuật là phương pháp quan trọng nhất, được áp dụng cho phần lớn các bệnh nhân ở giai đoạn sớm (hai giai đoạn dầu). Ở giai đoạn muộn hơn, khi khối u đã lan rộng, việc phẫu thuật triệt căn gặp nhiều khó khăn và có nhiều biến chứng, do vậy điều trị chủ yếu ở giai đoạn này là tia xạ và hóa chất.
Điều trị nội tiết được áp dụng cho những trường hợp khối u phát triển phụ thuộc vào nội tiết. Sau khi kết thúc điều trị các bệnh nhân cần được theo dõi sát bằng khám định kỳ bao gồm khám lâm sàng, siêu âm, chụp phổi, ... 3 tháng một lần trong 2 năm đầu, 6 tháng một lần trong các năm tiếp theo để kịp thời phát hiện tái phát hoặc di căn nếu có.
4. U xơ tử cung: Từ trước đến nay, u xơ tử cung chủ yếu được chữa trị bằng phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung hoặc dùng nhiệt để phá huỷ khối u. Cả hai phương pháp này đều khiến cho bệnh nhân phải mất hàng tuần mới hồi phục được. Ngoài ra, người ta còn dùng kỹ thuật cắt nguồn máu tới khối u bằng cách lồng dây vào mạch máu.
Ở Mỹ đang thử nghiệm một phương pháp mới, không cần dùng đến dao kéo: Các bác sĩ dùng phương pháp hình ảnh cộng hưởng từ, chùm sóng siêu âm từ bên ngoài, phá hủy khối u.
5. Ung thư tử cung: Trên thế giới, cứ hai phút lại có một phụ nữ chết do ung thư cổ tử cung (UTCTC), trong đó, khoảng 85% nạn nhân sống ở các nước đang phát triển. PGS.TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết UTCTC là bệnh thường gặp nhất trong các loại ung thư ở nữ giới.
Trung bình, tỷ lệ mắc mới UTCTC theo tuổi là 20 người trên 100.000 phụ nữ/năm, với tỷ lệ tử vong là 11/100.000 phụ nữ. “Thủ phạm” của căn bệnh UTCTC được xác định là virus Papilloma ở người (HPV).
Ung thư ngày càng được nhiều người quan tâm vì tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng và tỷ lệ tử vong còn khá cao.
Bệnh UTCTC liên quan đến những kích thích từ bên ngoài như sinh hoạt tình dục sớm, sinh nở nhiều lần, nạo phá thai nhiều, nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục.
Các nghiên cứu đều cho thấy tỷ lệ mắc bệnh cao ở những phụ nữ tảo hôn và sinh con quá sớm (trước 18 tuổi). Đặc biệt, ở gái mại dâm, phụ nữ tái hôn trên 3 lần và phụ nữ bị viêm loét cổ tử cung, nguy cơ ung thư sẽ cao gấp 7 lần so với người bình thường.
Một nhân tố khác liên quan đến ung thư cổ tử cung là sinh hoạt tình dục sớm khi cổ tử cung chưa hồi phục hoàn toàn (khi hành kinh, đẻ, sảy, nạo hút thai, đặt vòng, tháo vòng).
Triệu chứng sớm của ung thư tử cung thường rất ít. Khi thấy ra máu bất thường ngoài kỳ kinh, rối loạn kinh nguyệt và tiền sử kinh nguyệt ra nhiều, khí hư lẫn máu... cần đi khám bác sĩ để phát hiện sớm bệnh.
GS.TS Nguyễn Bá Đức – Giám đốc BV K cho biết nếu không khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm chẩn đoán sớm thì thường không nhận biết bệnh ở giai đoạn sớm.
TS Đức cho biết, để điều trị UTCTC, người ta đang áp dụng nhiều kỹ thuật điều trị. Theo đó, với mỗi giai đoạn khác nhau của bệnh sẽ có cách điều trị khác nhau. Ở giai đoạn tế bào ung thư chưa xâm lấn, bệnh nhân có thể điều trị bằng đốt điện, đốt lạnh, khoét chóp cổ tử cung bằng dao điện hình vòng.
Khi các tế bào ung thư có sự xâm lấn bác sĩ có thể dùng các biện pháp hóa liệu, xạ trị áp sát hoặc tia xạ đơn thuần. Ngoài ra, phẫu thuật cũng là một biện pháp điều tị căn bệnh này.
Phẫu thuật để loại bỏ mô bất thường ở trong hoặc gần cổ tử cung. Nếu bệnh đã xâm lấn các lớp sâu hơn của cổ tử cung, nhưng không lan tràn quá cổ tử cung, bác sĩ có thể thực hiện một phẫu thuật để loại bỏ khối u nhưng để lại tử cung và buồng trứng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể phải cắt toàn bộ tử cung. Có một số bệnh nhân phải cắt bỏ cả buồng trứng và vòi trứng. Ðiều trị bằng tia xạ là dùng các tia năng lượng cao để phá hủy các tế bào ung thư và ngăn chặn chúng tiếp tục phát triển.
Với phương pháp này tia xạ có thể ảnh hưởng lên các tế bào ung thư chỉ trong vùng được điều trị.
Hà Minh- Đức Linh
GIAO LƯU TRỰC TUYẾN VỚI ĐỘC GIẢ BÁO TIỀN PHONG ONLINE
“UNG THƯ PHỤ NỮ - HI VỌNG TRONG ĐIỀU TRỊ”
Báo Tiền Phong Online kết hợp với Trung tâm Ung thư Parkway - thuộc tập đoàn Y tế Parkway tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: ‘Ung thư Phụ nữ - Hi vọng trong Điều trị’. Các vấn đề về phòng chống và điều trị bệnh ung thư và giải đáp các thắc mắc xung quanh căn bệnh sẽ được các chuyên gia hàng đầu về Ung thư trình bày vào lúc 14h30 thứ Sáu ngày 23 tháng 5 năm 2008.
Xin quý vị gửi trước câu hỏi tại đây.
Orginal Source Hướng điều trị các bệnh ung thư ở phụ nữ