Các nhà nghiên cứu theo dõi gần 18.000 người Đài Loan trong khoảng thời gian hơn ba năm.
Người đứng đầu nghiên cứu này, ông Hsien-Ho Lin, cộng sự của bệnh viện Brigham và Bệnh viện Phụ nữ Boston, Mỹ, nói: “Chúng tôi thấy rằng, những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh lao gấp hai lần so với những người không hút thuốc lá”.
Trên thế giới, cứ ba người thì có một người bị nhiễm khuẩn lao nhưng tới 90% trong số đó là tiềm ẩn không triệu chứng, 10% còn lại sẽ tiến triển thành bệnh lao có triệu chứng, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Khuẩn lao sẽ làm cho hệ miễn dịch trong cơ thể bị yếu đi. Rất nhiều người mắc bệnh HIV/AISD đã chết vì bệnh lao.
Trong số 17.699 người tham gia nghiên cứu, 3.893 người đang hút thuốc lá, 522 người đã bỏ hút thuốc lá và 13.254 người chưa từng hút thuốc lá. Đã có thêm 57 trường hợp khuẩn lao phát triển thành bệnh khi nghiên cứu kết thúc.
Sau khi phân tích những yếu tố liên quan như giới tính, tuổi tác, môi trường sống, tình trạng hôn nhân, việc sử dụng đồ uống có cồn, tình trạng công việc..., những nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, việc hút thuốc vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng khuẩn lao phát triển thành bệnh.
Các chuyên gia viết: “Dựa vào kết quả phân tích, 17% những người bị bệnh lao do hút thuốc lá. Những người thường xuyên hút thuốc lá sẽ làm giảm khả năng chống lại vi rút và vi khuẩn xâm nhập vào phổi, như khuẩn lao”.
Ông Lin nói: “Dựa vào nghiên cứu của chúng tôi và những nghiên cứu khác, những nhà hoạch định chính sách và những người hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên xem xét việc quản lí thuốc lá như một biện pháp để kiểm soát bệnh lao”.
Khuẩn lao vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng tử vong trên thế giới. Tổ chức y tế thế giới (WHO) dự tính, tới năm 2050, sẽ giảm tỉ lệ mắc bệnh lao còn một trường hợp mắc bệnh trên một triệu người.
Lê Anh
Theo Sina