Bác sĩ da liễu Thái Lan Chitralada Wibhagool cho rằng ước muốn về một làn da trắng trẻo thật ra không xa lạ đối với phụ nữ châu Á, nhưng ước muốn này đã được thôi thúc bởi các chiến dịch truyền thông đánh vào đối tượng trung lưu và phụ nữ thu nhập tăng.
Bà nói: "Theo suy nghĩ truyền thống, người có làn da sậm màu là người phải suốt ngày phơi mình ngoài nắng. Làn da sáng cho thấy người đó có địa vị xã hội cao và nhiều tiền. Mặt khác, ngày nay người ta có nhiều tiền để mua mỹ phẩm hơn trước".
Quí cô, quí bà đều muốn trắng
Một cuộc khảo sát của Công ty nghiên cứu Synovate cho thấy sản phẩm làm trắng da đang được 58% phụ nữ Thái Lan trong độ tuổi 18 đến... 64 có thu nhập tối thiểu 665 USD/tháng dùng tới. Họ chi mỗi tháng 65 USD, xấp xỉ 10% thu nhập cho chúng.
Nếu năm 2002, ở châu Á có khoảng 50 loại mỹ phẩm làm sáng da thì vào năm 2006, con số này là 226 loại.
Nam cũng muốn trắng da
Không chỉ nữ giới mà nam giới cũng bị "sốt trắng da". Trong siêu thị và các nhà thuốc tây có hàng đống sản phẩm dành cho nam có ghi chữ "làm trắng": kem dùng sau khi cạo râu, kem dưỡng da, sữa tắm, kem giữ ẩm và có cả khăn ướt làm trắng thiết kế dành riêng cho nam!
Sau khi phát hiện nam giới Ấn Độ "xài ké” sản phẩm làm trắng da của phụ nữ, Hãng Beiersdorf đã đưa ra thị trường dòng mỹ phẩm làm trắng mang nhãn "Nivea dành cho đàn ông". Hãng Unilever của Hà Lan thì giới thiệu ba dòng mỹ phẩm cho nam có chất làm trắng...
Synovate cũng phát hiện phân nửa phụ nữ Philippines, 45% phụ nữ Hong Kong và 41% phụ nữ Malaysia đang sử dụng một sản phẩm làm trắng da. Ấn Độ cũng là một thị trường đang nổi khác.
Unilever cho biết khu vực sản phẩm làm sáng da của công ty tăng đều 12% mỗi năm trong ba năm vừa qua ở châu Á.
"Theo nghiên cứu của chúng tôi, 87% phụ nữ Thái muốn có làn da trắng. Ở châu Á, da sáng màu đồng nghĩa với sắc đẹp và sự giàu có”, người phát ngôn Aranya Luepradid của Công ty Unilever biện giải.
Tại Bangkok, những đường phố lớn đều có trương biển quảng cáo đăng ảnh một người mẫu lai Âu Á có làn da nhợt nhạt đang giới thiệu một sản phẩm làm trắng da của Neutrogena.
Ở Trung Quốc, Nivea khuyến dụ người tiêu dùng mua kem làm... trắng da xung quanh mắt bằng những dòng quảng cáo "Khiến bạn bắt mắt hơn". Có cả một loại kem... thoa nhũ hoa hứa giúp "da mềm mại, núm màu hồng". Thậm chí, các chất khử mùi như chai lăn nách cũng "giúp da bạn trắng lên".
Mỗi sáng, một nữ giám đốc điều hành cao cấp 35 tuổi, biệt danh là Noi, sử dụng sáu loại mỹ phẩm để làn da của mình đạt tới độ gần như hoàn hảo. Trong số đó, ba loại có chứa chất làm trắng. Noi nói chị "không thể dừng lại" dù biết rõ sử dụng lâu ngày một số chất làm trắng có thể khiến da bị đổi màu, nám, thâm.
Chanala Chongsathit, một nhà tạo mẫu 45 tuổi, thừa nhận: "Nếu tôi tin một sản phẩm nào đó có thể giúp tôi trông khá hơn, tôi sẽ không ngần ngại bỏ tiền ra mua".
Nỗi khổ của Chongsathit là da chị bị nám do thường xuyên chơi golf và quần vợt. Mỗi năm, chị chi khoảng 3.300 USD để mua mỹ phẩm, trong đó có một loại mặt nạ làm trắng da cao cấp có giá tới 80 USD. Chongsathit hay dùng sản phẩm của Shiseido, bởi vì như chị nói "người Nhật hiểu làn da châu Á nhất. Và dĩ nhiên da họ cũng trắng nhất".
Đối mặt nguy cơ
Tuy nhiên, không phải ai cũng có tiền để mua những loại mỹ phẩm làm sáng da cao cấp đã được kiểm định về độ an toàn nhằm giảm thiểu tác hại đối với da.
Năm 2005, một phụ nữ người Indonesia tên Sumarni sau khi đi nghỉ phép ở quê nhà trở lên Jakarta đã trình diện một bộ mặt phồng giộp nhiều chỗ. Chị cho hay da mình bị phỏng vì một loại bột làm trắng do người hàng xóm chế biến.
Vài tháng sau, Sumarni trộm của chủ một hũ kem chống lão hóa rất đắt tiền vì tưởng nó có thể giúp da mình sáng lên. Sumarni đã không bị chủ của mình, một nhà tâm lý học người Mỹ gốc Pháp tên Nicole Lediard, sa thải.
"Chị ta đang quá tuyệt vọng! Việc này cho thấy những phụ nữ chạy theo tiêu chuẩn "trắng da" phải đối mặt với nhiều nguy cơ như thế nào", nhà tâm lý học nhún vai.
Theo Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm (FADA) của Thái Lan, hiện có gần 100 sản phẩm làm trắng da bất hợp pháp đang được bán ra trên khắp nước này. Tại Indonesia, giới chức trách phát hiện hơn 50 loại mỹ phẩm bị cấm vẫn được lưu hành.
Bà Wattana Akraethalin, giám đốc bộ phận kiểm soát chất gây hại trong thành phần mỹ phẩm của FADA Thái Lan, cho biết trong những hũ kem sản xuất lậu có chứa những chất bị cấm như hydroquinone, retinoic acid và thủy ngân là những chất làm trắng da rẻ tiền.
Tất cả mỹ phẩm có chứa những chất này đều bị tịch thu và tiêu hủy nhưng "các nhà sản xuất chỉ cần đối phó bằng cách đổi nhãn và đóng gói".
Theo Thủy Tùng
Tuổi Trẻ