Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục y tế Dự phòng và Môi trường - Bộ Y tế - cho biết như vậy chiều qua, 19/5.
Theo thống kê trên cả nước, 628 ca mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, 56 trường hợp mắc phẩy khuẩn tả. Trong số này, một trường hợp tử vong là bệnh nhân nam, 50 tuổi, ở Ninh Bình. Ngoài ra, Nghệ An và Yên Bái đang có bệnh nhân nghi mắc phẩy khuẩn tả.
Mắc dịch ở vùng không có dịch
Tiến sĩ Khu Thị Khánh Dung - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận tám bệnh nhi bị tiêu chảy cấp nguy hiểm. Những bệnh nhân này đều không cư trú tại vùng có dịch, trong đó, nhỏ nhất là trẻ ba tuổi và lớn nhất là trẻ chín tuổi.
Theo Tiến sĩ Dung, trẻ bị tiêu chảy cấp nhập viện không có tình trạng nôn thốc, nôn tháo và tiêu chảy nhiều như người lớn. Đây là nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh chủ quan, cho rằng trẻ chỉ bị tiêu chảy bình thường. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của cả tám bệnh nhi đều cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả.
Tiến sĩ Dung khuyến cáo khi trẻ có biểu hiện nôn, tiêu chảy, người lớn cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế, không nên tự mua thuốc điều trị tại nhà. Nếu để tình trạng tiêu chảy kéo dài, trẻ sẽ mất nước nhiều, gây khó khăn cho công tác điều trị, thậm chí, trẻ có thể bị tử vong do sức đề kháng yếu.
Nghiên cứu hồi cứu mới nhất của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho thấy, tại thời điểm Hà Nội xuất hiện bệnh nhân mắc phẩy khuẩn tả, ở nhiều địa phương khác cũng ghi nhận ca bệnh dương tính với phẩy khuẩn tả. Do đó, các chuyên gia dịch tễ nhận định, thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, dễ gây ngập lụt tạo điều kiện cho vi khuẩn tả phát triển trên diện rộng.
Độc lực mạnh
Đáng chú ý, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ hôm qua, Bộ Y tế cho biết, một số địa phương phát hiện phẩy khuẩn tả trong nước bề mặt, trong rau, một số thực phẩm chế biến không đảm bảo vệ sinh.
Tiến sĩ Nga khẳng định, thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận thêm một số tỉnh có trường hợp mắc tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả. Bộ Y tế cũng lo ngại, nếu để phẩy khuẩn tả lây lan vào nguồn nước sinh hoạt, nguy cơ bùng phát dịch lớn rất có thể xảy ra.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga cảnh báo, type khuẩn tả năm nay có độc lực mạnh, khả năng lây lan nhanh, độc tố cao, dễ gây tử vong hơn. Do đó, ngành y tế khuyến cáo dân cần cảnh giác, thực hiện theo đúng khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế là ăn chín, uống sôi, rửa tay xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, không ăn thực phẩm không có nguồn gốc...
Một người Mỹ gốc Việt nhiễm cúm A/H1N1
Về tình hình dịch cúm A/H1N1, trong ba ngày qua tại 16 cửa khẩu đường không, đường bộ, đường thủy trong cả nước đã giám sát 40.485 hành khách nhập cảnh, trong đó, cách ly 16 trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga cho biết, tại Việt Nam, đến nay, chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân cúm A/H1N1 nhưng nguy cơ dịch xâm nhập rất lớn, nhất là khi tại châu Á đã có nhiều quốc gia có hiện tượng lây truyền từ người sang người.
Chiều 19/5, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga cho biết, một người Mỹ gốc Việt đã bị cách ly tại Hàn Quốc do nhiễm cúm A/H1N1.
Bệnh nhân là chị Lê Thị Bích (sinh năm 1986), đang được điều trị tại bệnh viện ở Seoul (Hàn Quốc). Được biết bệnh nhân này di chuyển từ Seatle (Mỹ) về Việt Nam, quá cảnh tại sân bay quốc tế Incheon (Seoul, Hàn Quốc).
Bà Nguyễn Thị Thu Yến - Trưởng khoa Dịch tễ - Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư - cho hay, hiện có bốn điểm lấy mẫu bệnh phẩm bệnh nhân cúm để xét nghiệm hàng ngày.
Cụ thể: Bệnh viện Nhi T.Ư, Trung tâm Y tế Dự phòng Thanh Xuân (Hà Nội), Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) và Nha Trang (Khánh Hòa).
Theo đó, mỗi ngày lấy năm mẫu bệnh phẩm đưa về các Viện Pasteur xét nghiệm, nhằm phát hiện cúm A/H5N1 và hiện nay là cúm A/H1N1 kịp thời.
Bốn điểm lấy mẫu bệnh phẩm trên nằm trong mạng lưới giám sát cúm toàn quốc gồm 15 điểm do CDC (Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ) hỗ trợ Việt Nam thực hiện từ năm 2006.
Thái Hà
Orginal Source Phẩy khuẩn tả lan nhanh, độc lực mạnh