Phòng ngừa 'thượng mã phong' trong đêm tân hôn

TP - Cho đến nay, đối với không ít người, nhất là những chàng trai, cô gái sắp lập gia đình, "Thượng mã phong" vẫn là một “huyền thoại” có tác động “hù dọa” vô cùng ghê gớm. Hình minh họa TD> Hình minh họa

Theo nghĩa Hán - Việt, “thượng” = ở trên, “mã” = ngựa; “thượng mã” = nam nữ giao hòa, nam trên nữ dưới; “phong” = trúng phong - một loại bệnh cấp tính, nguy hiểm, dễ gây chết người.

“Thượng mã phong” = trúng phong khi đang giao hòa. Có khi còn phân biệt: Trúng khi “trên ngựa” gọi là "thượng mã phong" hay "mã thượng phong"; Đã “xuống ngựa” bị trúng, gọi là “mã hạ phong” hoặc "hạ mã phong".

“Thượng mã phong” là ngôn ngữ dân gian. Đông y cổ truyền, gọi là chứng “sắc quyết”. “Quyết” là tình trạng chân tay lạnh toát, ngất xỉu, hôn mê; ở nam giới gọi là “thoát dương”, ở nữ giới bị gọi là “thoát âm”.

Y thư cổ còn gọi là “tẩu dương”, khi muốn nhấn mạnh nguyên nhân bệnh: Dương khí bị thất thoát do tinh dịch tiết ra quá nhiều, dẫn tới “hư thoát”- hôn mê, tử vong.

Đông y hiện đại, gọi đó là “phòng sự hôn quyết”; “Phòng sự” chỉ sự việc ở chốn phòng the, “hôn quyết” là choáng váng, ngất xỉu, hôn mê, chân tay lạnh ngắt.

Hiện tại, trong Đông y, “phòng sự hôn quyết” chỉ tình trạng nam nữ giao hòa, bỗng nhiên mặt trắng bệch, chân tay lạnh toát hoặc mồ hôi vã ra đầm đìa, hôn mê, bất tỉnh nhân sự.

Kiểm tra lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng, đều không thấy tổn thương thực thể và cũng không để lại những di chứng như méo mồm, rối loạn ngôn ngữ, liệt nửa người, ...

Số liệu thống kê cho thấy, phần lớn trường hợp “hôn quyết” chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, chỉ để yên vài phút là người bệnh sẽ tự tỉnh lại, không cần làm gì và cũng không để lại di chứng.

Tuy nhiên, có một số ít trường hợp hôn quyết nghiêm trọng (thực chất là “đột quỵ” hoặc “trúng phong” do xuất huyết não), rất khó hồi phục, dễ tử vong; thường xuất hiện ở những người mắc bệnh tim mạch, rối loạn tuần hoàn não, cơ thể đang quá suy kiệt, ...

“Thượng mã phong” - “Phòng sự hôn quyết” có thể xảy ra ở cả nữ giới, nhưng với một tỷ lệ thấp hơn. Bệnh thường xuất hiện một cách ngẫu nhiên, chỉ có một số ít trường hợp phát sinh nhiều lần.

Tuy phần lớn trường hợp không nguy hiểm tới mức chết người, nhưng thường khiến nhiều người, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ vô cùng sợ hãi.

Tư liệu liên quan cho thấy, vì quá sợ hãi sau khi bị hôn quyết trong đêm tân hôn, một số chàng trai sau đó đã bị mắc chứng bệnh liệt dương, một số cô gái sau đó đã bị lãnh cảm.

Hay xuất hiện trong trường hợp nào?

Kết quả quan sát lâm sàng cho thấy, “phòng sự hôn quyết” có thể xuất hiện trong một số trường hợp sau:

+ Những người có sức khỏe bình thường, nhưng sinh hoạt tình dục vô độ, không tiết chế; khiến tinh hao khí kiệt, mà dẫn tới phòng sự hôn quyết.

+ Đêm tân hôn: Trong những ngày chuẩn bị hôn lễ, công việc quá nhiều, ăn uống thất thường, thiếu ngủ, ... khiến tinh thần thể xác đã quá mệt mỏi, nhưng không thể “để dành”, phải "ăn nóng", ... do quá sức mà bị hôn quyết.

+ Những người mắc bệnh nặng vừa khỏi, cơ thể mới bắt đầu hồi phục, sức khỏe chưa đầy đủ, đã vội vàng sinh hoạt tình dục.

+ Những người bị mắc một số bệnh tim mạch, một số bệnh thần kinh - tâm thần.

Biện pháp phòng ngừa

Để phòng ngừa "phòng sự hôn quyết", có một số vấn đề cần chú ý đặc biệt:

1. Tạo nên thói quen sinh hoạt tình dục một cách khoa học và hợp lý; Chỉ nên phòng sự trong trạng thái tinh thần, thể lực tương đối tốt. Số lần giao hòa trong tuần cần phù hợp với tình hình sức khỏe và thói quen của hai vợ chồng. Không giao hòa ngay sau khi vừa ăn no, vừa uống rượu say, vừa làm việc mệt nhọc, ....

2. Người có bệnh cao huyết áp, bệnh động mạch vành tim, khi giao hòa động tác không nên quá mãnh liệt, thời gian không kéo dài quá lâu, đồng thời nên chọn tư thế nữ ở trên.

3. Khi đang phòng sự, nếu cảm thấy tức ngực, đau ngực, khó thở, cần lập tức đình chỉ, nghỉ ngơi thư giãn.

4. Trường hợp xuất hiện phòng sự hôn quyết nặng, cần mời ngay thầy thuốc chuyên khoa, để tiến hành các biện pháp cấp cứu như khi chữa trị bệnh “trúng phong”; Hoặc đặt ngay người bệnh trong tư thế đầu thấp chân cao, gọi xe cấp cứu lập tức đưa tới bệnh viện.

5. Điều cơ bản nhất là, cần chú ý rèn luyện thể dục thể thao, tăng cường thể chất, để tăng cường sức chống bệnh của cơ thể.

Phòng ngừa bằng Đông dược

Trong số những biện pháp tăng cường thể chất, Đông dược có vai trò hết sức quan trọng. Một số bài thuốc thông dụng để tham khảo, có thể áp dụng trong trường hợp cấp bách.

Bài thuốc 1: Sâm cao ly 10g, gừng khô 6g, cam thảo nướng 6g.

Cách dùng: Sắc 2 nước, hợp 2 nước, chia ra hai lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống 1 thang; liên tục 2-3 ngày.

Chú ý: Trước khi uống thuốc cần sơ cứu, theo cách của Lãn Ông, trong sách “Vệ sinh yếu quyết”: Hễ trong khi giao hợp, người đàn ông bỗng dưng nín thở, bất tỉnh thì nên để nguyên trên bụng người phụ nữ mà cứu, không nên lật đổ xuống giường mà nguy.

Người phụ nữ kíp lấy kim hay cái trâm gài đầu châm vào huyệt hội âm (ở giữa khoảng bìu dái và lỗ đít) hoặc lấy móng ngón tay cái bấm mạnh vào chỗ ấy, thì khí cơ hồi phục mà tỉnh ra ... Tiếp đó, dùng ngay hành trắng, giã nát, chưng nóng, đắp lên rốn ....

Tác dụng: Chủ trị người đang mệt mỏi vẫn nhập phòng, giao hợp liên tục khoảng 10 phút, bỗng nhiên thấy đầu choáng, sau đó bị hôn mê bất tỉnh, tứ chi lạnh ngắt, toàn thân vã mồ hôi, thở yếu, mặt trắng nhợt, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch tán loạn.

Bài thuốc 2: Hoàng kỳ 30g, đẳng sâm 30g, sơn dược 15g, đương quy 15g, thục địa hoàng 15g, bạch truật 15g, toan táo nhân 15g, câu kỷ tử 15g, câu đằng 15g, bạch thược 24g, long nhãn nhục 10g, phục linh 10g, thiên ma 10g, sinh khương 10g, mộc hương 6g, cam thảo 6g, đại táo 5 trái.

Cách dùng: Ngâm các vị thuốc trong nước lạnh 20 phút sau đó sắc lên, sắc 2 nước, hợp 2 nước, chia ra hai lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống 1 thang; liên tục 7-10 ngày.

Tác dụng: Chủ trị "phòng sự hôn quyết" do khí huyết bất túc, can phong nội động.

Biểu hiện: Sau khi giao hợp đột nhiên hôn quyết, tinh dịch chảy ra không ngừng, mặt trắng nhợt, mồ hôi vã đầm đìa, trống ngực, tim đập dồn loạn nhịp từng cơn, thở nhanh nông, người mệt lả, tinh thần ủy mị, chân tay co giật hoặc co quắp, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược.

Bài thuốc 3: Nhân sâm 15g, câu kỷ tử 15g, nhục thung dung 15g, ba kích thiên 15g, ngũ vị tử 15g, chế phụ tử 5g (sắc trước), nhục quế 10g, thạch xương bồ 10g, viễn chí 10g, phục linh 10g, thục địa hoàng 30g, mạch đông 15g, cam thảo 15g.

Cách dùng: Ngâm các vị thuốc trong nước lạnh sau đó sắc lên, sắc 2 nước, hợp 2 nước, chia ra hai lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống 1 thang; liên tục 10 ngày.

Tác dụng: Chủ trị giao hợp sắp phóng tinh đột nhiên hôn mê bất tỉnh nhân sự, cổ gáy và chân tay cứng đơ, lạnh ngắt, gọi không đáp lại, một lát sau tự nhiên tỉnh lại, bụng dưới và âm nang co giật.

Kèm theo người gầy gò, sắc mặt nhợt nhạt, tinh thần uể oải, người mệt mỏi, mắt lờ đờ, chân tay không ấm, lưỡi nhợt nhớt, rêu trắng mỏng, mạch trầm tế.

Bài thuốc 4: Toan táo nhân 20g, mẫu lệ (sắc trước) 15g, chích cam thảo 5g, quế chi 10g, thạch xương bồ 10g, đương quy 10g, đại táo 7 trái, sinh khương 3 lát.

Cách dùng: Sắc 2 nước, hợp 2 nước, chia ra hai lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống 1 thang; liên tục 7 ngày.

Chủ trị: Người khỏe mạnh bình thường, sắc mặt hồng nhuận, sinh hoạt tình dục bình thường, nhưng khi cao trào xuất hiện thì choáng váng không nói được (cấm khẩu), gọi không đáp lại, chân tay không ấm, lát sau tỉnh lại, lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch nhược.

Lương y Huyền Thảo

Orginal Source Phòng ngừa 'thượng mã phong' trong đêm tân hôn

Bài liên quan