Thanh niên Việt Nam mắc ung thư cao hơn nhiều nướcMôi trường xấu và lối sống buông thả gây hại

TP- Người phụ nữ chừng 45 tuổi với khuôn mặt phúc hậu kéo tay tôi ra một góc hành lang bệnh viện nói nhỏ: “Chị đừng nói gì với em nó về hai từ ung thư nhé!..." ôn mặt phúc hậu kéo tay tôi ra một góc hành lang bệnh viện nói nhỏ: “Chị đừng nói gì với em nó về hai từ ung thư nhé!..." Các bác sỹ đang phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K Ảnh: T.H

"Nó không biết mình bị mang trọng bệnh đâu nên vẫn vô tư lắm. chị cũng nhớ đừng chụp ảnh không bạn bè nó lại biết, con trai tôi không thích đâu”.

Tôi trấn an người mẹ rằng sẽ không để lộ bí mật mà chị và bệnh viện vẫn giấu chàng thanh niên đang ngồi mải miết với cuốn tiểu thuyết trong phòng bệnh. Cậu chỉ là một trong số ít những người trẻ tuổi bị bệnh ung thư tấn công mà chúng tôi đã gặp.

Cao to, trắng trẻo, đẹp trai với nụ cười hiền lành, ánh mắt đen thông minh không ai nghĩ cậu thanh niên mới bước vào tuổi 18 đó lại đang mang trong mình căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Bản thân Nguyễn Văn D. cũng không hay biết gì về việc có những tế bào ung thư gặm nhấm cơ thể mình.

Năm 2003, khi mới 13 tuổi, gia đình thấy D. nổi hạch ở cổ, kết quả xét nghiệm ở bệnh viện K cho thấy D. bị ung thư tuyến giáp và có u ở phổi. Thạc sĩ Lê Thành Đức – Phó trưởng khoa Nội 2 (Bệnh viện K) cho biết đây là bệnh do tế bào máu sinh ra nên phát triển toàn thân.

Nửa năm liền, D. được các bác sĩ điều trị cho hết hạch và tia xạ hóa chất. Bệnh ổn định, cậu bé trở về nhà ở thị xã Hải Dương với trường lớp, sách vở. Nhưng chỉ sau 10 tháng căn bệnh tái phát, một loạt hạch trung thất nổi lên. Lại những ngày dài vào viện tia xạ để diệt tế bào ung thư.

Kết quả khả quan vì sức khỏe của D. dần hồi phục. Gia đình D. chuyển nhà lên Hà Nội ở để cậu con trai học tập cũng như tiếp tục điều trị bệnh. Gần bốn năm sức khỏe của D. tạm ổn định thì tháng 8 năm nay D. lại phát hạch cổ bên trái và phải phẫu thuật để lấy hết hạch ra.

Khi chúng tôi gặp D. là lúc cậu vừa đi tia xạ về. D. chỉ biết mình bị bệnh về hạch và không hề nghĩ mình bị ung thư. D. bảo: “Em hay tái phát bệnh lắm, nhưng cứ điều trị một thời gian lại được về nhà đi học. Chỉ thương mẹ em lớn tuổi mà phải chăm em trong viện, nóng bức mệt lắm lại tốn tiền chị ạ”.

Bác sĩ Thành cho hay, bệnh của D. đã tạm ổn định, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn phải theo dõi vì có khả năng hạch sẽ tái phát.

Dãy hành lang trên tầng 4 của bệnh viện K là khoa Nội 2 lúc nào cũng trong tình trạng đông đúc, ngột ngạt. Dãy ghế băng kê dọc hành lang chật ních người, nhiều người trong số đó đầu đã rụng hết tóc hoặc chỉ còn lơ thơ vài sợi.

Họ là những người đang miệt mài, lầm lụi chống chọi với căn bệnh ung thư. Các bác sĩ cũng bận túi bụi, không có thời gian nghỉ ngơi vì mỗi ngày họ phải tiếp hàng chục bệnh nhân và xử lý những chồng bệnh án trước mặt.

Mới 27 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Tuyết đã bị ung thư vú. Cách đây khoảng hai tháng chị Tuyết tự kiểm tra ngực và phát hiện thấy khối u nhưng vì không thấy đau nên chủ quan đã bỏ qua không khám bác sĩ. Khi tới bệnh viện thì chị đã bị ung thư vú giai đoạn 3A (nặng nhất là giai đoạn 4).

Cuối cùng bác sĩ phải cắt bỏ toàn bộ vú của bệnh nhân này và tiếp tục điều trị hóa chất để bảo tồn tính mạng. Chị Tuyết bảo: “Giá mình đi khám sớm thì không đến nỗi. Nhưng vẫn còn cơ hội sống nếu khối u không tái phát và di căn. Nếu sống được năm năm nữa thì coi như khỏi bệnh để nuôi hai đứa con nên người. Lần này mình sẽ tuân thủ điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ”.

Bác sĩ Kim Anh (Khoa Nội 2) lần giở lại trong chồng bệnh án cũ và lấy ra bệnh án của bệnh nhân N.M L. (30 tuổi ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An). Bệnh nhân L. lấy chồng từ năm 18 tuổi và đã sinh ba con. Khi phát hiện bị ung thư cổ tử cung thì bệnh đã ở giai đoạn muộn nhưng may mắn chưa xâm lấn sang các vùng xung quanh. Bệnh viện đã cho chị L. tia xạ hóa chất nên sức khỏe tạm ổn định suốt hai năm.

Bệnh nhân ung thư ngày càng trẻ

Bác sĩ Kim Anh cho biết thời gian gần đây nhiều bệnh nhân còn trẻ đã mắc ung thư, những bệnh thường chỉ gặp ở lứa tuổi trung niên. Nhiều người trong số họ quá chủ quan với sức khỏe nên dù biết cơ thể có điều bất ổn vẫn án binh bất động, không đi khám bác sĩ.

Môi trường xấu và lối sống buông thả gây hại

Theo TS Nguyễn Bá Đức môi trường ô nhiễm là tác nhân chính gây bệnh ung thư hiện nay, ngoài ra còn do gene di truyền của mỗi người. Ngày nay chuyện thanh niên hút thuốc lá, uống rượu bừa bãi đã trở nên phổ biến nên không ít trường hợp bệnh nhân nhập viện khi tuổi còn trẻ với căn bệnh ung thư phổi, ung thư gan.

Một vấn đề hiện đang khá phổ biến là tình trạng lạm dụng chất bảo quản thực phẩm, ô nhiễm thực phẩm, ăn quá nhiều thức ăn đóng hộp có chất bảo quản cũng gây bệnh ung thư. Một nghiên cứu cũng cho thấy việc phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai phối hợp trong thời gian dài có nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư vú sau 10 năm.

Việc quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, nạo hút thai nhiều lần, không đảm bảo vệ sinh bộ phận sinh dục cũng là nguyên nhân dẫn tới các bệnh ung thư phần phụ.

Thậm chí có những trường hợp bệnh nhân nam giới mới ngoài 20 tuổi đã mắc ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản... Tại khoa Ngoại vú, (Bệnh viện K), thống kê cho thấy mỗi tháng có khoảng 200 bệnh nhân ung thư vú được khám và điều trị, bệnh nhân dưới 30 tuổi có khoảng 10 trường hợp. TS Nguyễn Sĩ Hóa – Phó viện trưởng Viện Da liễu Việt Nam, cho biết trước đây viện chỉ tiếp nhận khoảng vài ba ca ung thư da ở người lớn tuổi nhưng tới cuối năm ngoái số lượng ung thư da đã lên tới hơn 100 trường hợp, nhiều bệnh nhân trong độ tuổi 20-30.

GS.TS Nguyễn Vượng - Chủ tịch Hội Giải phẫu bệnh tế bào bệnh học Việt Nam quan ngại, trước đây phải hơn 10 ca thử sinh thiết mới phát hiện được một ca mắc ung thư thì hiện nay cứ ba kết quả xét nghiệm đã phát hiện thấy một trường hợp bệnh nhân bị ung thư.

TS Nguyễn Bá Đức – Giám đốc bệnh viện K cho biết, ung thư vú hiện đã được phát hiện thấy ở phụ nữ trẻ đã hoặc chưa lập gia đình. Đây là điều ít gặp ở những người dưới 30 tuổi.

Thống kê của Bệnh viện K thời gian qua đang có xu hướng gia tăng nữ thanh niên bị ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng. Đáng lo ngại là tỷ lệ nữ thanh niên chưa có gia đình bị ung thư tại Việt Nam có dấu hiệu cao hơn so với nhiều nước trên thế giới.

Hiện Viện nghiên cứu Ung thư (thuộc bệnh viện K) và Hiệp hội phòng chống ung thư Hoa Kỳ đang tiến hành một số nghiên cứu tìm hiểu rõ nguyên nhân.

Thái Hà

Orginal Source Thanh niên Việt Nam mắc ung thư cao hơn nhiều nướcMôi trường xấu và lối sống buông thả gây hại

Bài liên quan