Mặc dù các con đều phát triển bình thường nhưng chị Nguyễn Thị Hiếu (Vĩnh Long) vẫn đưa cả 3 con đến khám dinh dưỡng tại BV Nhi đồng 1 .
50% số trẻ được đưa đến khám tại khoa dinh dưỡng BV Nhi đồng 1 được thống kê là... SDD ảo! Một bé trai 24 tháng tuổi cân nặng 11kg , đạt mức bình thường so với giới hạn qui định (từ 9 ,9 – 12 ,6kg) . Thế nhưng , người mẹ vẫn cứ một mực yêu cầu bác sĩ phải kê toa cho thuốc uống để con chị tăng cân để “ú” hơn nữa . Phải chăng do thiếu kiến thức trong việc nuôi dưỡng trẻ , hay sự lo lắng quá mức đã góp phần tăng cao áp lực về tình trạng SDD ở trẻ?
Thiếu kiến thức về dinh dưỡng cho trẻ
Mẹ của cháu Trịnh Hoàng Sơn (21 tháng tuổi , ngụ tại Tân Bình) cho biết : “Mỗi cữ ăn , tôi dùng cả lạng thịt bằm và nấu súp cho con . Để đáp ứng nhu cầu cho con ăn đúng bữa , tôi mua cháo dinh dưỡng và pha nước sôi vào cho nhanh . Vậy mà cháu vẫn chậm lớn và SDD” . Khi bác sĩ hỏi chi tiết thêm mới biết trong cả lạng thịt trên , chị chỉ dùng... nước cho con uống (không dùng xác thịt) . Còn bột “dinh dưỡng” mà chị mua bên ngoài chỉ với giá... một ngàn đồng , không có một chất dinh dưỡng nào khác ngoài chất tinh bột . Trong bữa ăn của con chị thiếu hẳn các loại rau quả chứa vitamin , dầu thực vật , đạm ,... Hiện nay , mỗi ngày khoa dinh dưỡng bệnh viện tiếp nhận trung bình 100 - 140 trẻ đến tư vấn và điều trị SDD . Trong năm 2002 , khoa tiếp nhận trên 26 .000 lượt trẻ , trong đó 40% là trẻ đến từ các tỉnh . Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa , Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi đồng 1 , có ba dấu hiệu phổ biến nhất của trẻ đến khám tại bệnh viện , mà nguyên nhân chính là xuất phát từ sự thiếu kiến thức cơ bản của người lớn . Thứ nhất , trẻ bị thiếu máu , thiếu sắt do thiếu dinh dưỡng , dẫn đến da bị khô , móng tay trắng , thần kinh bị kích thích làm trẻ vật vã , khó ngủ . Kế đến , rất nhiều trẻ không được phơi nắng thường xuyên vài phút trong ngày dẫn đến thiếu vitamin D , làm cho trẻ đổ mồ hôi , giật mình khi ngủ , tay chân lạnh , lâu ngày bị còi xương , ngực lồi - lõm , chân vòng kiềng . Nguyên nhân còn lại , rất nhiều trẻ bị thiếu vitamin A (trong rau xanh , dầu mỡ) làm cho trẻ dễ bị ho , viêm phế quản , rối loạn tiêu hóa , mắt khô , quáng gà... Tất cả những kiến thức trên , các bậc cha mẹ đều có thể phòng ngừa và lo lắng cho con tại gia đình , sử dụng hợp lý nguồn thực phẩm hằng ngày sẽ giúp trẻ tăng trưởng tốt , không nhất thiết phải dùng đến thuốc .
Chưa có thuốc điều trị trẻ biếng ăn
Theo các chuyên gia dinh dưỡng và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới , đến nay vẫn chưa có một loại thuốc nào giúp điều trị tình trạng trẻ biếng ăn . Một số loại thuốc có tác dụng gây tăng trọng hay một số người còn gọi là thuốc “mập” là thuốc chống viêm dạng corticoid , gồm nhiều loại : dexamethason (gọi tắt là dexa) , prednison , prednisolon... Thuốc có tác dụng chống viêm , giảm đau , trị các bệnh về xương khớp... nhưng không bao giờ có chỉ định dùng để giúp tăng trọng . Tác dụng phụ của thuốc là gây béo phì và nhiều tác dụng nguy hiểm khác . Kế đến là thuốc kháng histamin , trị dị ứng , có tác dụng kích thích sự thèm ăn . Tuy nhiên , thuốc chỉ kích thích sự thèm ăn tạm thời , khi đang dùng thuốc thì ăn ngon miệng , ngưng thuốc sẽ trở lại tình trạng chán ăn . Tác dụng phụ của thuốc gây buồn ngủ , chỉ định không dùng cho phụ nữ có thai , đang cho con bú , trẻ dưới 2 tuổi , có thể làm cho trẻ bị co giật... Những sai lầm cơ bản về yếu tố tâm lý của các bậc cha mẹ trong việc cung cấp và theo dõi dinh dưỡng của trẻ : ép và dọa nạt trẻ trong lúc ăn gây ức chế tâm lý ; quá chiều chuộng , pha trò làm cho trẻ quen thói ; có cảm giác trẻ bị thiếu cân ; tự dùng thuốc bổ cho trẻ uống (trong thuốc có hàm lượng đường làm giảm sự thèm ăn) ; quá ỷ lại vào thuốc bổ ; đưa con đi gặp các chuyên gia dinh dưỡng dặn dò , nhưng về nhà thì giao khoán cho người làm tự nấu và chăm sóc trẻ . Một số phòng mạch tư đã lợi dụng tâm lý , sự thiếu kiến thức của các bậc cha mẹ để bán những loại thuốc bổ hoặc những loại thuốc gây tăng trọng khác làm tăng cân , nhưng lại không tốt cho sức khỏe và quá trình tăng trưởng bình thường của trẻ .
NGỌC TRƯỚC (Báo SGGP)