Mụn cơm
Trẻ em thường có mụn cơm ở bàn tay và bàn chân, giống như những lớp chai. Một số mụn nhỏ màu hơi vàng, bẹt có thể có ở bất cứ chỗ nào trên thân thể.
Những mụn cơm này lây vì nguyên nhân có thể là do vi rút. Nước là môi trường tốt cho hiện tượng lây lan. Bởi vậy, không nên tắm cùng một lúc cho 2 trẻ em, nếu một cháu có hạt cơm.
Có thể làm cho những mụn hạt cơm biến đi bằng cách lấy bông thấm cồn i-ốt hoặc mỡ Salicylic rồi đắp vào buổi sáng và buổi tối lên trên chỗ có mụn. Bác sĩ còn có thể khử mụn bằng ni tơ lỏng, hoặc bằng phương pháp phẫu thuật.
Phần nhiều trường hợp, cứ để tự nhiên rồi chúng cũng lặn đi.
Mụn rộp
Nhiều mụn màu đỏ, nổi lên thành cụm như những đầu đanh ghim, tròn, bóng. Khi các mụn trở thành trong suốt, chỉ có phần chân mụn là đỏ, thì cả đám khô nhanh, thành vảy màu xám và sẽ khỏi trong vòng 10 ngày.
Những mụn rộp như thế thường thấy ở miệng (chốc mép), ở mắt và cả ở bộ phận sinh dục. Người lớn cũng hay mắc phải.
Bệnh dễ lây vì do một loại vi rút gây ra. Ðối với các trẻ sơ sinh, bệnh mụn rộp rất nguy hiểm vì vi rút có thể tấn công hệ thống thần kinh của các cháu bé. Bởi vậy, nếu bà mẹ bị bệnh này khi có mang, khi sanh con, khi cho con bú đều phải có biện pháp phòng bệnh cho con.
Các cháu bé bị mụn rộp ở miệng thường kèm theo sốt hoặc ho. Hiện nay, ngành y đã có một loại thuốc có tác dụng mạnh tới vi rút của bệnh này là Zovirax.