Chỉ trong sáng nay, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, đã tiếp nhận 52 bệnh nhi tay chân miệng nhập viện, nhiều ca biến chứng co giật, hôn mê phải cấp cứu. Theo các bác sĩ đây là dấu hiệu cho thấy bệnh đang bước vào mùa dịch.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm của bệnh viện cho biết, so với tuần trước, số ca nhập viện từ tuần này đã tăng gấp đôi. Đặc biệt, rất nhiều ca nhập viện khi bệnh đã trở nặng.
Tình hình dịch bệnh cũng bắt đầu tăng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Mỗi ngày có khoảng 30 ca nội trú điều trị tại đây. Thống kê của phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện cho thấy, số ca mắc tay chân miệng 3 tháng đầu năm nay tăng hơn 7 lần so với 3 tháng đầu năm 2007. "Con số này dự báo nguy cơ dịch bệnh sắp tới có thể sẽ rất cao", một bác sĩ cho biết.
Bệnh nhi tay chân miệng đang được cấp cứu tại BV Nhi Đồng 1. Ảnh: Thiên Chương.Tại phòng cấp cứu của các bệnh viện, trao đổi với VnExpress, hầu hết phụ huynh đều cho biết, trước khi nhập viện, trẻ đều có dấu hiệu nóng sốt, nôn ói, uống thuốc hạ sốt không dứt, sau đó tay, chân và miệng nổi mụn nước, mẩn đỏ. Một số trẻ khi sốt đến ngày thứ 3 thì bắt đầu có biểu hiện giật mình khi ngủ, mắt hay trợn lên.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, đó chính là những biểu hiện cơ bản cho thấy trẻ đã mắc bệnh tay chân miệng. Riêng co giật, giật mình, mắt trợn là những biến chứng thần kinh do bệnh gây nên, khi có biến chứng có nghĩa là bệnh đã trở nặng.
Cũng theo bác sĩ Khanh, hội chứng tay chân miệng do nhóm virus đường ruột gây nên. Nếu mắc virus Coxsakie A16 vốn lành tính, bệnh tự khỏi sau vài ngày. Riêng virus Entero 71 và một số tuýp virus khác có thể gây biến chứng ở não và tim, nếu chậm cấp cứu có thể tử vong.
"Trẻ dưới 3 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh. Bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, miệng, nước bọt, dịch của mụn rộp hoặc phân của người nhiễm, qua nắm tay, tiếp xúc với các vật dụng cá nhân của trẻ nhiễm bệnh như trong bình sữa, núm vú nhựa, đồ chơi và thực phẩm", bác sĩ Khanh nói.
Để tránh trường hợp đáng tiếc do bệnh gây nên, khi thấy trẻ có các dấu hiệu như: sốt nhẹ, ói, tiêu chảy ít kèm theo nổi bong bóng nước trong lòng bàn tay, bàn chân, ở đầu gối, mông và trong miệng, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị.
Orginal Source Bệnh 'tay chân miệng' vào mùa dịch mới