Hiện ở Việt Nam, có nhiều trung tâm thẩm mỹ quảng cáo có thể tiến hành các kỹ thuật trên, nhưng hiệu quả thực tế không cao. Tốt nhất, người bệnh nên đến khám và tư vấn tại Khoa Tạo hình- Thẩm mỹ (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM) hoặc Khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Saint Paul Hà Nội)...
Có nhiều phương pháp điều trị hói đầu. Một trong những cách được nhiều người hói sử dụng là đeo tóc giả. Tuy nhiên ở nước ta, điều kiện khí hậu nóng ẩm không thuận lợi và thích hợp để mang tóc giả hằng ngày.
Với những người trẻ bắt đầu có hiện tượng rụng tóc nhiều và có dấu hiệu của hói đầu, có thể dùng một số thuốc uống và bôi tại chỗ để hạn chế quá trình rụng tóc. Đó là dung dịch Minoxidil (Rogaine) 2% bôi tại vùng rụng tóc và kết hợp massage da đầu có hiệu quả với những trường hợp hói do nội tiết tố.
Ngoài ra, còn có thuốc viên Propecia (Finasteride) tỏ ra hiệu quả trong việc kích thích sự tái phát triển của nang tóc tại vùng hói. Cũng có thể dùng một số loại thuốc phổ biến như Bepanthene (vitamin B5) và Biotin (vitamin H) kết hợp để tăng khả năng mọc lại tóc.
Cấy ghép mảnh da mang tóc hay sợi tóc được coi là phương pháp có hiệu quả. Có thể lấy những mảnh da đầu mang 10-20 sợi tóc từ vùng còn mọc tóc để ghép vào vùng hói. Phương pháp này có thể cải thiện được tình trạng hói trong một thời gian nếu kết hợp với dùng một số thuốc chống rụng tóc nêu trên.
Cũng có thể sử dụng phương pháp cấy từng sợi tóc được lấy từ vùng mọc tóc. Kỹ thuật này đòi hỏi phải có những dụng cụ đặc biệt để lấy và cấy sợi tóc, tuy nhiên sợi tóc được cấy vào vùng hói thường trở nên mảnh và dễ gãy hơn. Các phương pháp này chỉ có hiệu quả với những trường hợp mới xuất hiện hói.
Phẫu thuật làm tăng vùng da đầu có tóc bằng một số phương pháp tạo hình như giãn da hay căng da cũng rất hiệu quả với các loại hói. Nguyên tắc của các phương pháp này là tăng diện tích của da mang tóc để che phủ vùng da không có tóc. Nhược điểm chính của phương pháp này là thời gian điều trị kéo dài (2-3 tháng) và chi phí cao (20-30 triệu đồng).
Tú Anh
Orginal Source Cách điều trị hói đầu