Tư duy tình dục mang dấu vết triết học
Ai cũng có một cơ thể, một cuộc đời nhưng không phải ai cũng có một tấm lòng đủ độ lượng để bao dung cho những ham muốn tự nhiên của mình.
Tên của bức tranh là Âm Dương Thành Hình Đồ, nghĩa là bức tranh nói rõ mối quan hệ âm dương và sự hình thành âm dương.
Bên góc phải của tiêu đề tranh có tám chữ Thiên Địa Khai Tịch Chi Nhất Lý Dã, nghĩa là sự khai mở trong cõi tạo này chính là chuyện âm dương và đó đích thị là cái lý của cuộc đời.
Trung tâm của bức tranh là một bông hoa sen tám cánh, loài hoa tinh túy của nhà Phật và con số biểu thị cho tám quẻ âm dương, biểu trưng cho bát nhã.
Nằm ở vị trí nhụy sen là hình đôi trai gái đang trong tư thế giao hợp, giống như hình bát quát mà chúng ta vẫn thường gặp.
Cách búi tóc của người đàn ông và người đàn bà cho thấy, họ là người thuộc những thế kỷ rất xưa. Việc đặt đôi trai gái này vào trung tâm bức tranh trong một cách biểu thị chân thực nhất cho thấy, sự trân trọng của người Việt xưa đối với bản thân hoạt động tình dục, hoạt động không chỉ mang lại cho người ta niềm hạnh phúc giản dị mà còn mang lại tất cả mọi sự sinh sôi nảy nở trên đời.
Bức thành đồ không thể hiện hình con cá âm dương mà đi ngay vào hình ảnh nam nữ đang quấn quýt, thể hiện tư duy rất cụ thể và mang tính trực giác cao của người Việt, không ẩn giấu, không thách đố, gọi tên sự vật như vốn có.
Sự chân thực này không chỉ mang lại cho bức tranh một cách tư duy khác biệt, mà còn mang lại một lợi thế khác về mặt không gian. Hướng đi của chân và tay của đôi trai gái được đặt vào đúng quỹ đạo quay của trục quay trái đất, hướng đi vật lý có quan hệ rất mật thiết tới sự thụ thai của vạn vật.
Tương ứng với tám cánh sen là tám quẻ âm dương chạy theo một hình elip 24h hoàn hảo, trong đó thể hiện rõ sự thấu biết về hoạt động tình dục của con người.
Đi vào từng cánh sen, người xưa không những chỉ rõ thời điểm nào trong ngày là tốt nhất cho việc thụ thai, thời điểm nào sức khỏe của con người rơi vào trạng thái mệt mỏi và những nguy cơ của việc quan hệ tình dục khi đó...
Chỉ có một cái nhìn thực sự bao dung với lòng tham của con người, với sự quy định của con tạo của những bộ óc trí tuệ mới vẽ ra được một bức tranh nói lên rằng, tình dục là điều giản dị, cũng như cây cỏ cần ánh nắng, em bé cần được chăm sóc...
Bức tranh mang những mã văn hóa của Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo, được khắc gỗ ở trong một ngôi chùa tại một vùng không phải kinh đô như Hưng Yên còn lại này, cho thấy, ông cha ta từng đi qua một thời kỳ hiểu biết viên mãn về loại nghệ thuật nguyên thủy nhất của loài người, thứ mà ngày nay, chúng ta càng cố tìm đúng đường đi thì càng lạc vào một cõi hỗn mang của đủ mọi thứ đạo đức cao siêu.
Lấy hòa hợp là căn bản
Từ lâu, bằng nhiều cách, con người cố gắng lý giải tại sao đời sống tình dục lại trở thành chủ đề cấm kị và tội lỗi như vậy, những mặc cảm, những dồn nén...
Nhưng, tựu trung lại, người ta vẫn không thể chối rằng, tình dục là món quà tuyệt vời của tạo hóa và một ngài thượng đế nhân từ nào đó đã khéo léo thêm thắt tình yêu vào đó như một thứ gia vị thơm tho, khiến món ăn trở nên lãng mạn.
Nhưng cho đến giờ, qua bao nhiêu lớp lang của sự dịch chuyển văn hóa, trong đó, có cả những lớp lang đau thương mà con người cứ mãi phải ẩn giấu nó dưới một hình thức nào đó, tình dục bỗng trở nên xa lạ và đáng phải để mắt thận trọng.
Thời xa xưa, ở những vùng kinh tế hái lượm, nông nghiệp chiếm ưu thế - vùng Đông Nam Á, vai trò chủ đạo thuộc về người nữ, tạo thành truyền thống văn hóa mẫu hệ.
Nhiều tộc người Việt như Gia Rai, Ê đê... đến nay vẫn còn giữ tục người nữ chủ động tìm chồng, có giai đoạn sống thử để chọn được người nam ưng ý nhất rồi mới cưới chồng...
Đó cũng chính là truyền thống văn hóa tình dục của người Việt cổ trước khi tiếp xúc với Trung Hoa. Nghĩa là, trái với suy nghĩ nhiều người, truyền thống văn hóa tình dục ban đầu của người Việt từng chấp nhận tình dục trước hôn nhân và không hề biết đến “chữ trinh”.
Cũng thế, nội dung của bức tranh nói rất nhiều đến sự hòa hợp trong hoạt động tình dục, chứ không phải là quan hệ lấn át của nam giới, mối ràng buộc không thể tách rời của thực thể âm và thực thể dương, mối ràng buộc nguyên thủy nhất mà sau này bị người ta gán cho những cái tên mang đầy màu sắc tội lỗi.
Hình ảnh đôi tay của người đàn ông nằm trọn trong lòng tay của người nữ thể hiện sự lĩnh nhận mà từ đó sự thụ thai được bắt đầu. Cái nắm tay đó còn thể hiện một sự âu yếm không chỉ thuần xác thịt, nó còn thể hiện bản năng làm mẹ của người phụ nữ, hứa hẹn một sự thương yêu tột cùng, sự che chở chỉ có được từ một sinh vật mang tên giống cái.
Cung Khảm ở vị trí trên đầu của người nữ có ghi: “Nước thai tạng giới nhất đức thủy tương giao hòa hợp”, việc hòa hợp không chỉ mang lại sự khỏe mạnh cho thế hệ sau mà còn mang lại hạnh phúc giới viên mãn nhất mà ngày nay phong trào nữ quyền đang khó công tìm kiếm.
Qua những hình dáng cách điệu trí tuệ về âm dương, có thể nhận thấy, ở đây có tầm hiểu biết của các bậc tôn giả lớn lao của đạo Phật. Bức tranh cho thấy, âm dương trên đời chính là phật tính, thứ mà người ta cứ khổ công đi tìm mãi những dị bản của nó.
Những mã văn hóa trong bức tranh gỗ, dù nhỏ bé, cũng cho thấy một xã hội Việt xưa từng thấu biết tình dục là tự nhiên, là giản dị nhưng lại là nguồn của vạn vật.
Nhìn từ bức tranh này, mới biết dị bản “văn hóa tình dục” mà chúng ta đang dùng hiện nay có phần lạc hậu so với ngày xưa mất rồi.
TS Cung Khắc Lược - Thùy Ninh
Orginal Source Đời sống tình dục từ một bức tranh gỗ cổ