'Gọi là dịch tả dân cũng không sợ'

Phần lớn bệnh nhân tiêu chảy cấp nhiễm bệnh từ thức ăn đường phố.
Ảnh: Hoàng Hà.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định như vậy sáng nay trước các ý kiến cho rằng nên gọi thẳng tên dịch tả thay vì "tiêu chảy cấp nguy hiểm trong đó có nguyên nhân từ tả".
> /

Nhiều ý kiến cho rằng cách gọi dịch tiêu chảy hiện nay có thể gây hiểu lầm là tiêu chảy bình thường, vì thế nên gọi thẳng là dịch tả để gây ấn tượng mạnh, giúp người dân thấy rõ tính nghiêm trọng của vấn đề, từ đó biết cách tự vệ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho rằng, điều này cũng sẽ không đem lại tác dụng tích cực. "Dù có gọi tên là dịch tả, người dân cũng không vì thế mà sợ hãi và giữ vệ sinh tốt hơn" - ông Huấn nói. Dẫn chứng là ngành y tế đã tung ra những cảnh báo rất mạnh trong dịch cúm H5N1, dân biết ăn gà ốm sẽ có thể chết người nhưng vẫn ăn. Các cảnh báo về tai nạn giao thông cũng rất ấn tượng nhưng dân vẫn không tự giác đội mũ bảo hiểm. Hầu hết người dân biết HIV có thể lây qua đường tình dục nhưng không ít đàn ông quan hệ với gái mại dâm không dùng bao cao su.

Theo thứ trưởng, nhiều người dân tuy hiểu biết về đường lây tả nhưng vẫn không thực hiện các biện pháp được khuyến cáo, bởi từ nhận thức đến thay đổi hành vi vẫn là một khoảng cách lớn.

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Jean Marc Olivier, cũng tán thành cách gọi tên dịch là tiêu chảy cấp nguy hiểm trong đó có nguyên nhân từ tả, vì tả không phải là nguyên nhân duy nhất. Mặt khác, tất cả các ca tiêu chảy cấp nguy hiểm dù có do tả hay không thì đều có chung một cách ngăn chặn là bảo đảm vệ sinh thực phẩm và vệ sinh cá nhân. WHO cũng dùng khái niệm trên cho các trận dịch tương tự ở những nước khác.

Tuy nhiên, theo một khảo sát mới đây của VnExpress trên 3.700 độc giả, có khá nhiều người không sợ hãi dịch vì tưởng rằng đây chỉ là dịch tiêu chảy thông thường. Ngoài ra, gần 40% số người được hỏi không quan tâm, cũng có thể do không hiểu hết tầm nguy hiểm của dịch.

Cứ 10 quán được kiểm tra, 4 bị đóng cửa vì bẩn

Để ngăn chặn bệnh dịch, trong một tuần qua, 5 đoàn kiểm tra và xét nghiệm lưu động của Bộ Y tế đã liên tục đến các cơ sở thức ăn đường phố ở Hà Nội. Trong gần 100 cửa hàng được kiểm tra, có hơn 40 bị đóng cửa do không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, chỉ riêng trong chiều 21/4, đoàn do tiến sĩ Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, dẫn đầu đã đình chỉ 23 cửa hàng thịt chó ở phố La Dương và phố Lê Trọng Tấn.

Đợt kiểm tra sẽ kéo dài đến hết tháng 5. Theo Thứ trưởng Huấn, biện pháp mạnh trên phải được thực hiện thường xuyên, liên tục thì mới có thể ngăn chặn dịch bệnh đường tiêu hóa.

Dịch giảm nhưng khó kết thúc

Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết kể từ 6/3 đến nay, đã có 2490 người nhập viện vì tiêu chảy cấp nguy hiểm tại 20 tỉnh (mới nhất là Nghệ An và Hòa Bình), trong đó có 377 ca tả. Hiện 4 tỉnh được coi là hết dịch do đã trải qua 14 ngày liên tục không phát hiện ca tả mới, đó là Quảng Bình, TP HCM, Thái Nguyên, Phú Thọ. Ở các tỉnh khác, số nhập viện cũng đã giảm.

Mặc dù vậy, khi được hỏi liệu trong bao lâu nữa sẽ có thể khống chế đợt dịch này, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn lắc đầu: "Điều này không thể biết được, vì cái gốc của tiêu chảy là an toàn thực phẩm vẫn chưa được giải quyết". Đợt dịch này đã diễn ra hơn một tháng rưỡi, dài hơn cả trận dịch cuối năm 2007. Trong số bệnh nhân, đã phát hiện những trường hợp mang khuẩn tả trong người đến 30-40 ngày thay vì chỉ 7-14 ngày như thông thường, nghĩa là việc kiểm soát nguồn lây càng trở nên khó khăn.

Ông Jean Marc Olivier, đại diện WHO tại Việt Nam, thì cho rằng trong những ngày hè tới, dịch tiêu chảy cấp có thể phát triển mạnh hơn và tái phát nhiều lần bởi thời tiết nóng và mưa nhiều rất thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn tả.

Theo các chuyên gia quốc tế, việc bệnh tả xuất hiện rầm rộ vào tháng 11 năm ngoái giữa tiết trời lạnh và khô là một điều bất thường. "Chúng tôi chưa tìm ra nguyên nhân của sự bất thường này, nhưng nếu thời tiết không thuận lợi mà dịch còn phát triển mạnh như vậy thì trong những ngày nóng ẩm sắp tới, Việt Nam càng phải cảnh giác" - tiến sĩ Takeda thuộc Trung tâm Phòng chống bệnh dịch Mỹ nói.

Nếu dịch diễn ra quá dài, mầm bệnh tả sẽ phát tán nhiều trong môi trường và dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm sẽ trở thành loại dịch lưu hành, nghĩa là sẽ tái phát thường xuyên và rất khó dập tắt.

Tại cuộc họp sáng nay, ông Takeda nói không nên điều trị dự phòng tả bằng kháng sinh vì có thể gây kháng thuốc. Trả lời khuyến cáo trên, Thứ trưởng Huấn cho biết Việt Nam chỉ áp dụng biện pháp này cho những người lành mang khuẩn. Tuy nhiên trên thực tế, kháng sinh được phát cho những người liên quan đến bệnh nhân tả hoặc nguồn thực phẩm, nước ô nhiễm mà không qua xét nghiệm. Chẳng hạn tại xã Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Tây), toàn bộ người dân được uống thuốc.

Giải thích với báo giới, ông Huấn cho rằng việc dùng thuốc dự phòng một lần không gây kháng ngay, phải uống không đủ liều trong thời gian dài mới gây nhờn thuốc. Mặt khác, 75% những người trực tiếp liên quan đến bệnh nhân tả có thể nhiễm khuẩn này, nên việc uống thuốc cũng là cần thiết. Tuy nhiên, ông Huấn cũng khuyến cáo người dân chỉ nên uống nếu có chỉ định của cơ quan y tế.

Cũng theo ông Takeda, vi khuẩn tả đang gây dịch ở Việt Nam hiện nay có thể là chủng eltor - loại có độc lực cao từng gây 7 đai dịch trên thế giới và hoành hành ở Ấn Độ cách đây 10 năm. Đặc điểm của nó là gây bệnh cảnh nặng và dễ lan truyền trên diện rộng. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đang làm các xét nghiệm để kiểm tra giả thiết này.

Orginal Source 'Gọi là dịch tả dân cũng không sợ'

Bài liên quan