Hàng trăm loại thuốc tăng giá mạnh

TP - Theo khảo sát của phóng viên Tiền phong trong sáng 1/7 tại Trung tâm dược phẩm Ngọc Khánh (Hà Nội), hầu hết các mặt hàng thuốc đều tăng giá mạnh, cao nhất là thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, huyết áp... có loại tăng hơn 40 nghìn đồng/hộp. Theo khảo sát của phóng viên Tiền phong trong ngày 1/7, hầu hết các mặt hàng thuốc đều tăng giá. Ảnh: Hồng Vĩnh hảo sát của phóng viên Tiền phong trong ngày 1/7, hầu hết các mặt hàng thuốc đều tăng giá. Ảnh: Hồng Vĩnh

Hôm qua, 1/7, là thời điểm Cục quản lý Dược Việt Nam xem xét hồ sơ xin tăng giá thuốc của các doanh nghiệp sau khoảng 3 tháng “án binh bất động”. Mức tăng trong giai đoạn đầu sẽ dao động từ 5-10%.

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết trong mấy tháng qua đã có hơn 30 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược đề nghị Cục quản lý Dược Việt Nam (Bộ Y tế) cho phép tăng giá 788 mặt hàng thuốc.

Mức giá đề nghị được tăng của các doanh nghiệp trong thời gian qua từ 5-100%. Theo TS Cao Minh Quang, Bộ Y tế sẽ cho phép các doanh nghiệp có hồ sơ xin tăng giá thuốc tăng giá một số mặt hàng thuốc với điều kiện giải trình một cách thuyết phục lý do tăng giá. Mức tăng trong giai đoạn đầu sẽ dao động từ 5-10%.

Tuy nhiên, điều người dân lo ngại là Bộ cho phép tăng ít nhưng các cơ sở bán lẻ vẫn đang tăng giá thuốc một cách vô tội vạ. Thực tế đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để quản lý được giá bán lẻ thuốc trên thị trường nên chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng.

Kết quả khảo sát thị trường dược phẩm 6 tháng đầu năm 2008 tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng của Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược Việt Nam cho thấy thuốc nhập khẩu có 2,6% số lượng mặt hàng tăng giá trong tổng số 13.927 mặt hàng khảo sát với mức tăng bình quân 9,13%. Thuốc sản xuất tại Việt Nam có 1,26% mặt hàng tăng giá trong tổng số 20.613 mặt hàng khảo sát với mức tăng trung bình 12,86%.

Hiện nay Cục quản lý dược chỉ chịu trách nhiệm xét duyệt đề nghị đối với Cty dược nước ngoài. Phần lớn doanh nghiệp trong nước giao cho Sở Y tế địa phương quản lý. Nhưng thực tế thì chưa có sự đồng thuận giữa trung ương và địa phương trong việc quản lý giá lưu hành. Ông Quang cho hay vẫn còn tình trạng nhiều Sở y tế dễ dàng với đề nghị xin tăng giá thuốc của doanh nghiệp.

Khoảng 30% doanh nghiệp dược bỏ thầu vì lỗ

Thứ trưởng Cao Minh Quang nhận định giá thuốc phê duyệt trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập từ tháng 1/2008 thấp hơn nhiều so mặt bằng chung giá thị trường hiện tại và không được thay đổi trong vòng 6- 12 tháng nên sau ngày 1/7, sẽ có khoảng 30% doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm trúng thầu cung ứng thuốc từ cuối năm 2007 và đầu năm 2008 bỏ thầu và chịu phạt từ 10-20% trị giá gói thầu.

Theo tính toán của các doanh nghiệp này, nếu thực hiện đúng hợp đồng cung ứng thuốc cho bệnh viện sẽ bị lỗ từ 45 - 50% trị giá gói thầu. Ông Quang cho biết thậm chí trên thị trường đã có nhiều cửa hàng bán lẻ thuốc đóng cửa chờ đến thời điểm được tăng giá thuốc.

Hiện đã có một số các Cty dược phẩm nước ngoài từ chối cung ứng từ 70-80 mặt hàng thuốc chuyên khoa đặc trị phục vụ cho nhu cầu đặc thù tại các cơ sở khám chữa bệnh vào thị trường Việt Nam và một số Cty nhập khẩu không tiến hành nhập khẩu vì sợ lỗ gây thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở khám chữa bệnh.

Còn trong nước một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc đã thu hẹp sản xuất, phạm vi kinh doanh và từ chối cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh các mặt hàng thuốc không có lãi do không được tăng giá theo giá thực tế trên thị trường.

TS Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục quản lý Dược cho biết nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Giá nguyên liệu sản xuất các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường thế giới vẫn đứng ở mức cao như:

Cephalexin Monohydrate compact tăng 35%; Amoxycillin Trihydrat compact tăng 21,74%; Ampicillin Trihydrate tăng 24,44%, Cefaclor tăng 20%, Sulfamethoxazol tăng 24,60%, Vitamin B1 tăng 48,91%, Vitamin B6 tăng 35,85%, Vitamin C tăng 98,76%, Paracetamol tăng 75,37%... so với đầu năm 2008. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy khoảng 100 mặt hàng nguyên liệu sản xuất thuốc thiết yếu đã tăng giá trong thời gian qua.

Để giảm nhập siêu với dược phẩm, Bộ Y tế sẽ từng bước tổ chức triển khai đấu thầu quốc gia trên nguyên tắc ưu tiên mua thuốc sản xuất trong nước có cùng chủng loại, chất lượng tương đương và giá thấp hơn thuốc nhập khẩu, qua đó tăng cường sử dụng nguồn thuốc sản xuất trong nước, giảm sử dụng các thuốc nhập khẩu khi trong nước đó sản xuất được.

Hôm qua Cục trưởng Cục Quản lý dược đã ký văn bản gửi các Sở Y tế, bệnh viện, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc, đề nghị báo cáo những mặt hàng thuốc đang thiếu, có nguy cơ thiếu, danh sách cơ sở trúng thầu nhưng không cung cấp thuốc và yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục cung ứng thuốc cho bệnh viện, nghiêm cấm tích trữ thuốc thành phẩm, nguyên liệu, sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất gây khan hiếm giả tạo, đẩy giá lên cao.

Các doanh nghiệp cần rà soát, thực hiện tiết kiệm chi phí, trường hợp đã tiết kiệm, giảm chi phí nhưng vẫn không bù đắp được, cần đề nghị gửi hồ sơ điều chỉnh giá và chỉ được điều chỉnh khi được cơ quan chức năng xem xét, cho phép.

Cục Quản lý dược cũng yêu cầu ưu tiên cung ứng các mặt hàng có khả năng khan hiếm cho cơ sở bán lẻ và khám chữa bệnh, nhằm phục vụ trực tiếp người bệnh. Đồng thời thông báo không chấp nhận doanh nghiệp tăng giá hàng loạt, bất hợp lý. Việc tăng giá phải có lộ trình, đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời theo nhu cầu khám chữa bệnh.

Thái Hà

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Orginal Source Hàng trăm loại thuốc tăng giá mạnh

Bài liên quan