Kháng sinh và Đông dược hay bị làm giả nhất

Ảnh: Hoàng Hà.

Tỷ lệ thuốc giả được phát hiện ở Việt Nam không ngừng tăng trong những năm qua. Nhiều loại giống thuốc thật đến nỗi ngay nhà sản xuất cũng không phân biệt được.

Tại hội nghị ngành dược ngày 25/4, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết, tỷ lệ thuốc giả năm 2007 đã lên đến 0,17%, cao gấp 3 lần so với năm 2004 và 6 lần so với 2002. Tiến sĩ Trịnh Văn Lẩu, Viện trưởng Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương trao đổi với báo chí về vấn đề này bên lề hội nghị ngành dược ngày 25/4:

- Ông đánh giá như thế nào về thực trạng thuốc giả hiện nay?

Tỷ lệ thuốc giả ở Việt Nam tuy vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực nhưng đang có xu hướng ngày càng tăng; kể từ 2001 đến nay, con số năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều đáng nói là từ chỗ chỉ lưu hành ở vùng sâu, nông thôn, nay thuốc giả đã xuất hiện ở các thành phố, thậm chí chui vào được bệnh viện, điển hình như vụ Quách Thị Lành, sản xuất thuốc giả cung cấp cho bệnh viện ở Hải Phòng.

Sở dĩ thuốc giả có thể "chui sâu" như vậy vì chúng được sản xuất ngày một tinh vi hơn, gần như không thể phân biệt được bằng mắt thường. Nhiều mẫu được Viện Kiểm nghiệm phát hiện là giả, nhưng khi đưa cho nhà sản xuất thì họ cũng không thể nhận ra đâu là sản phẩm của mình.

- Những thuốc nào hay bị làm giả nhất?

Đó là các loại thuốc bán chạy trên thị trường, nhất là kháng sinh. Đặc biệt, Đông dược cũng rất hay bị làm giả, thường được bán theo lối trao tay hay tiêu thụ ở những điểm bán không hợp pháp. Nhiều loại Đông dược giả bị trộn tân dược để tạo ra tác dụng giả hiệu, chẳng hạn thuốc trị phong thấp bị cho corticoid vào, khi mới dùng thấy hiệu quả giảm sưng đau rõ rệt nhưng về lâu dài rất nguy hiểm.

Ông có thể khuyên người dân làm gì để tránh mua phải thuốc giả?

Người dân cần mua thuốc ở các cửa hàng có phép, không mua thuốc ở những điểm "buôn thúng bán mẹt" hay mua theo kiểu trao tay vì không biết được xuất xứ của nó. Tuy nhiên, như tôi đã nói, nhiều loại thuốc giả rất giống thật đã được trà trộn vào cả các hiệu thuốc và bệnh viện nên cần có sự can thiệp từ các cơ quan chức năng. Ngoài việc lấy mẫu kiểm nghiệm, cần tăng cường giám sát hóa đơn chứng từ của các cơ sở kinh doanh thuốc để có thể truy tận gốc nếu phát hiện thuốc giả. Không chỉ ngành y tế mà cả hải quan, quản lý thị trường, công an phải kết hợp chặt chẽ mới chống được nạn này.

Các kết quả kiểm nghiệm cho thấy tỷ lệ thuốc kém chất lượng cũng có xu hướng tăng. Giải thích điều này, Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường cho rằng đó là do gần đây, tỷ lệ Đông dược trong số mẫu kiểm nghiệm tăng lên, mà tình trạng kém chất lượng ở loại thuốc này lại rất phổ biến. Trong số mẫu Đông dược được kiểm nghiệm năm 2007, gần 11% không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Theo ông Trịnh Văn Lẩu, Đông dược ở Việt Nam thường được sản xuất ở những cơ sở chưa đạt chứng chỉ GMP nên dễ nhiễm khuẩn.

Orginal Source Kháng sinh và Đông dược hay bị làm giả nhất

Bài liên quan