Người trị bệnh bằng... đường kim mũi chỉ

TP - Từ những mẩu chỉ phẫu thuật và những chiếc kim tiêm rất thông dụng, bác sĩ Quách Tuấn Vinh đã mày mò học hỏi, phát triển một phương pháp châm cứu ưu việt - cấy chỉ catgut, điều trị được rất nhiều bệnh và mang lại những kết quả khó tin... t phương pháp châm cứu ưu việt - cấy chỉ catgut, điều trị được rất nhiều bệnh và mang lại những kết quả khó tin... “Đường kim mũi chỉ” của bác sĩ VinhThực nghiệm trên... ông chú ruột

Bác sĩ Quách Tuấn Vinh theo học Tây y, nhưng ngay từ ngày còn nhỏ, ông đã đam mê châm cứu và những phương thuốc bí truyền phương Đông cất giữ trong tủ sách gia đình.

Cha của bác sĩ Vinh, cụ Quách Đình Tuấn từng là Viện trưởng một viện điều dưỡng của Bộ Nông nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đồng thời cũng là người thầy dạy ông.

Ông ngoại của bác sĩ cũng là một thầy lang có tiếng từng dạy ông thuốc nam, châm cứu từ khi ông còn bé xíu. Điều kiện đó sớm làm ông suy nghĩ, tại sao không kết hợp Đông - Tây y để cho ra đời những phương pháp điều trị linh hoạt và hiệu quả hơn.

Sau này, ông đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Quân y (Tổng cục Chính trị), là bác sĩ Phòng Bảo vệ sức khỏe Trung ương I chuyên chăm sóc các tướng lĩnh và quan chức cao cấp Nhà nước.

Suốt những năm tháng bận rộn đó, ông vẫn luôn tận dụng thời gian để tự học, nghiên cứu thêm tinh hoa của ngành châm cứu Trung Quốc, trong đó thuật cấy chỉ vào huyệt đạo được ông đặc biệt chú ý.

Tốt nghiệp Học viện Quân y, ông Vinh từng có hơn 3 năm học chuyên ngành Đông y và phục hồi chức năng. Ông tự học châm cứu từ sách do người cha lưu giữ, tích lũy kinh nghiệm qua những trang tạp chí Đông y của ông ngoại để lại. Ông mạnh dạn thực hành những kiến thức học hỏi được trên chính cơ thể mình và người bệnh.

“Thí nghiệm” khởi đầu sự nghiệp cấy chỉ của ông Vinh thực hiện trên người chú ruột vào năm 1983. Ông chú bị viêm loét dạ dày tá tràng, “vái tứ phương” không đỡ, nhưng khi được cháu mình ra tay, thật bất ngờ chỉ ít tháng sau đó đã khỏi hẳn, lại có thể ăn ớt, uống rượu.

Năm 1985, ông đi thực tế ở trung đoàn 66, sư 10, quân đoàn 3. Có đến hơn ba mươi cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã được ông chữa trị căn bệnh viêm loét dạ dày tá tràng bằng phương pháp cấy chỉ. Kết quả là đề tài “cấy chỉ bằng phương pháp cải tiến chữa bệnh viêm loét dạ dày tá tràng” được ông báo cáo ở Học viện Quân y.

Ông cho chúng tôi biết, cấy chỉ là một phương pháp châm cứu hiện đại, thành quả của sự kết hợp Đông - Tây y và có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng được người Việt Nam ta phát triển một cách sáng tạo. Bác sĩ Lê Thúy Oanh, bạn ông, cũng đã thành danh từ cây kim cấy chỉ như ông ở Budapest -Hungaria.

Vui chuyện, ông nói với chúng tôi rằng, ông lấy được vợ cũng nhờ tài châm cứu. Lúc gặp ông, bà Thi mắc bệnh đau dạ dày, nhưng chỉ qua mấy mũi cấy chỉ mà khỏi bệnh rồi cảm mến mà nên duyên.

Những “ca” thành công nhỏ lẻ đó đã có sức động viên ông Vinh rất lớn. Ông tự tin áp dụng những hiểu biết của mình cho nhiều trường hợp bệnh phức tạp hơn. Để rồi sau nhiều năm “tu luyện”, ông tự rút ra kết luận: với nhiều loại bệnh, châm cứu cấy chỉ đã có tác dụng, nếu không chữa dứt thì cũng hỗ trợ điều trị tốt.

Theo ông, phương pháp cấy chỉ có nhiều điểm ưu việt hơn châm cứu cổ truyền. Cho đến nay, ông đã có nhiều cải tiến trong kỹ thuật cấy chỉ so với trước.

Ông dùng loại kim nhỏ hơn, vừa đỡ đau nhức, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ cho người bệnh. Chỉ catgut được châm vào huyệt sẽ có tác dụng kích thích huyệt đạo trong thời gian dài (thường khoảng 10 ngày đến nửa tháng), người bệnh có thể chỉ cần điều trị một vài lần là đã có kết quả, đỡ mất thời gian do mỗi lần điều trị phải cách nhau cả nửa tháng trời.

Cuộc hội ngộ sau 18 năm giữa bác sĩ Vinh và bệnh nhân Ngô Huy TuấnThầy thuốc về làng

Trong đời làm bác sĩ, ông Vinh lưu giữ nhiều kỷ niệm nhất với làng Chân Lạc, Dũng Liệt, Yên Phong, Bắc Ninh. Cái làng nhỏ bé, thuần nông ấy gắn chặt với những năm tháng ông theo gia đình đi sơ tán, và cũng vì thế mà ông dành cho người ở xứ này một tình cảm đặc biệt.

Nhiều người nắc nỏm coi ông như ân nhân, nhưng bản thân ông Vinh không tài nào nhớ nổi họ là ai, mắc bệnh gì và điều trị khi nào. Như anh thanh niên Ngô Huy Tuấn chẳng hạn. Ông Vinh bảo nếu gặp nó ở ngoài đường, có mang ảnh mà soi thì cũng chẳng nhận ra.

18 năm trước, Tuấn bị viêm não khi mới 5 tuổi đầu, gia đình đã mang Tuấn chạy chữa nhiều BV, nhưng Tuấn vẫn bị di chứng liệt, người cứng còng như khúc gỗ. Bố mẹ Tuấn mếu máo mang con lên Hà Nội gặp ông Vinh trong tâm trạng gần như tuyệt vọng.

Ông an ủi “còn nước còn tát”, rồi cấy chỉ châm cứu cho Tuấn khoảng hơn chục mũi. Chỉ có ba lần điều trị, mà mỗi lần cách nhau đến nửa tháng, Tuấn hồi phục.

5 năm sau, bố mẹ Tuấn gửi tặng ông Vinh một tấm ảnh Tuấn đang tươi cười khoác cặp sách đi học với một bài thơ đề tặng: “Tưởng rằng hết cả cuộc đời, nhờ ơn thầy thuốc nên người hôm nay, cha sinh mẹ dưỡng công thầy, chúng con ghi nhớ từ nay ghi lòng. Hà Bắc, 6/4/1995”.

Ông Vinh tâm sự: “Cái nghề thầy thuốc, giảm thọ vì bệnh nhân cũng có, nhưng đổi lại những phút như thế này thì cũng trẻ ra vài tuổi như chơi”.

Tham vọng giúp đời

Bác sĩ Vinh giờ đã nghỉ hưu. Ông mở phòng khám tư nhân, như ông nói, để được tiếp tục cái nghiệp châm cứu, cấy chỉ.

Ít ai biết sau những ngày làm việc cật lực, đêm đêm ông vẫn chong đèn viết sách. Ông viết chi li, tỉ mẩn về từng loại bệnh, từng phác đồ điều trị.

Viết ra để sau này ai cần có thể tham khảo làm giáo trình giảng dạy, hoặc phát cho người bệnh như một thứ “cẩm nang” tự chữa trị tại nhà. Hơn chục đầu sách mà ông đã xuất bản đều mang đậm dấu ấn say mê nghề nghiệp.

Chỉ ít tháng sau khi “tự giải phóng” cho mình, ông Vinh lại trở thành người bận rộn với bệnh nhân. Có những người bị thoát vị đĩa đệm, nằm viện nhưng đau quá chịu không nổi, xin về để ông Vinh điều trị. Có những người tai biến mạch máu não gần như cấm khẩu. Có người lại bị chứng chèn ép dây thần kinh, mắt cứ mờ đi, đầu đau như búa bổ...

Mỗi khi chữa trị, ông Vinh đều cẩn thận ghi lại tên tuổi, số điện thoại, phương huyệt điều trị cho bệnh nhân. Thậm chí bên cạnh ông còn luôn có chiếc máy ảnh để chụp lại từng “đường kim mũi chỉ”. Ông giải thích làm như vậy vừa để tiện theo dõi bệnh nhân, vừa phục vụ cho quá trình tích luỹ, nghiên cứu lâu dài của chính mình.

Hai năm qua, cùng với một số đồng nghiệp hảo tâm, ông đã nhiều lần đến với làng Hữu Nghị, nơi nuôi dưỡng các cháu bị di chứng chất độc da cam trực tiếp cây chỉ điều trị và phục hồi chức năng cho các cháu và truyền dạy phương pháp cấy chỉ cho các thầy thuốc ở đây.

Hầu hết các cháu được điều trị đều có tiến bộ nhất định. Có những cháu câm nay đã nói được sau vài lần cấy chỉ.

Ông không muốn dừng lại ở những bệnh thông thường. Ông đã từng thành công khi thử nghiệm với các ca bệnh khó như nghiện ma túy, di chứng liệt...

“Ra đường bây giờ thấy con nghiện nhiều quá, đúng là một gánh nặng cho xã hội. Tôi đã đề nghị với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam nên mở Trung tâm cai nghiện. Tôi không nhận lương, không nhận chức, chỉ tặng “tri thức” giúp Hội thôi”.

Nguyên lý của phương pháp cấy chỉ catgut vẫn dựa theo cơ chế của châm cứu cổ truyền: kích thích huyệt vị, điều hoà âm dương, điều hoà chức năng tạng phủ, thông kinh hoạt lạc, hành khí hoạt huyết.

Tuy nhiên, khi điều trị bằng phương pháp này, người bệnh không phải mất nhiều thời gian châm cứu liên tục, vừa tránh đau nhức vừa chữa đồng thời được một số loại bệnh khác nhau.

Người viết bài này đã từng được ngồi trò chuyện với một “cựu con nghiện” đã qua tay ông Vinh chữa trị bằng phương pháp cấy chỉ. Anh này từng đi cai nghiện ba lần vẫn không dứt khỏi được nàng “tiên nâu”.

Bây giờ anh hồ hởi bật mí, theo cách chữa của bác sĩ Vinh, anh không còn phải vật vã khổ sở với cái cảm giác “dòi bò trong xương” mỗi khi “đến cữ”. Nhờ thế mà anh tránh xa được con đường lầm lạc...

Những bệnh chủ yếu (chiếm đến 90%) qua tay bác sĩ Vinh là thoái hóa cột sống, thoát vị địa đệm với bệnh cảnh đau thần kinh tọa, đau vai gáy, thiểu năng tuần hoàn não, nhức đầu... Thứ nữa là các bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não.

Đến thăm ông ở phòng khám tại gia, tít tận lầu 5 một chung cư ở phố nhà binh (Lý Nam Đế), tận mắt thấy ông bận rộn với người bệnh mỗi ngày, chúng tôi cảm nhận được cái chất lính trong con người ông.

Cởi áo lính khoác lên người bộ bờ-lu trắng, ông bảo, thế là đã hoàn thành nhiệm vụ với Quân đội, nhưng ông vẫn tự hứa với chính mình, phải là người có ích cho xã hội.

Anh Đức

Orginal Source Người trị bệnh bằng... đường kim mũi chỉ

Bài liên quan