Đối với những người bị mệt mỏi cơ bắp, tay chân bải hoải, nhức mỏi, đau đầu, đau lưng, căng thẳng trí óc... xoa bóp có thể giúp thư giãn, minh mẫn hơn.
Tuy nhiên, thực tế có những người sau khi xoa bóp, xông hơi không những không khỏe ra mà còn bầm tím người, thậm chí ê ẩm hơn.
Nguyên nhân thường do nhân viên thiếu chuyên môn xoa bóp, bấm huyệt không đúng cách và không phù hợp với thể trạng từng bệnh nhân. Do vậy xoa bóp, xông hơi không đúng cách có thể gây tai biến có hại cho sức khỏe.
Những điều nên tránh khi xoa bóp và xông hơi:
Không đi xoa bóp khi đã uống rượu - bia hoặc đang bị sốt, viêm nhiễm: bệnh nhân say rượu hay sốt quá cao đều có thể bị xỉu trong phòng xông hơi hoặc gặp nhiều tai biến khác. Trường hợp bệnh nhân bị viêm nhiễm, sốt cao, khối u, nhiễm trùng, có những vết da lở loét... đều có thể làm lây nhiễm cho người khác.
Không nên thực hiện những động tác như di cột sống lưng, giậm trên lưng cả người. Những động tác "thô bạo" này dễ gây tai biến, thậm chí gãy xương sườn, chấn thương cột sống... Nhất là đối với những bệnh nhân bị loãng xương.
Ngoài ra, những người bị suy tim, tăng huyết áp cũng cần cẩn thận, tốt nhất là không nên đi xoa bóp.
Việc giác hơi, cạo gió lề đường, tay ngang hoặc những cơ sở thiếu vệ sinh có thể bị phỏng nhiễm trùng, chưa kể những trường hợp có thể nhiễm viêm gan siêu vi, HIV...
Nhiều người muốn giảm béo phì một cách nhanh chóng bằng cách xông hơi thật lâu, cho mồ hôi ra thật nhiều là không nên. Nguyên tắc xông hơi chỉ khoảng 10 phút. Nếu xông hơi lâu và nhiều quá sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, choáng, xỉu, phải cấp cứu.
Theo BS.Ngọc Quang
Sức khỏe và đời sống