Những người mắc chứng vô kinh do chứng PRL cao trong máu sau khi đẻ, trong vòng nửa năm sau khi đứa trẻ cai sữa thì phải đến bệnh viện để khám và kiểm tra. Nếu PRL trong máu vẫn cao và vẫn vô kinh thì lại phải tiếp tục dùng thuốc Bromocriptin để thấy kinh trở lại. Lúc này, bệnh nhân cần phải áp dụng các biện pháp tránh thai (nên tránh thai bằng công cụ vì thuốc tránh thai cũng làm tăng mức PRL trong máu, không nên dùng) để tránh tiếp tục mang thai.
Các bác sĩ đã tiến hành theo dõi trên những người mắc bệnh này trong thời gian 5-6 năm và thấy rằng: Trong những người có u PRL thì 7%-11% là tự khỏi, 4%-11% có thể tích khối u tăng lên. Do vậy, cứ nửa năm hoặc một năm, bệnh nhân phải đi khám một lần, nếu thể tích khối u tăng lên thì phải kịp thời dùng thuốc điều trị. Nếu để vô kinh lâu ngày thì lượng xương trong cơ thể người phụ nữ sẽ bị mất đi một cách nhanh chóng và gây nên chứng loãng xương. Việc uống thuốc vẫn phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, phải kiểm tra mức PRL trong máu thường xuyên; nếu nó trở lại bình thường và bệnh nhân đã có kinh trở lại thì có thể giảm bớt lượng thuốc Bromocriptin và duy trì ở mức thấp, thậm chí có thể tạm ngừng thuốc để theo dõi. Điều này giúp thu được hiệu quả điều trị và tiết kiệm được nhiều trong việc dùng thuốc. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, có một số người bệnh mỗi ngày chỉ dùng nửa viên thuốc là đủ để duy trì kinh nguyệt bình thường.
Thực ra thì cần phải dùng thuốc trong bao lâu? Điều này được quyết định bởi tình trạng phát triển của bệnh tật ở mỗi người. Bromocriptin làm cho u PRL thoái hóa, nếu sau một thời gian khá dài mà không tái phát thì có thể ngừng sử dụng thuốc. Nhưng đa số người bệnh sau khi ngừng dùng thuốc lại bị vô kinh và chỉ có thể duy trì kinh nguyệt bình thường bằng một lượng nhỏ Bromocriptin.