Do vậy với các nước phát triển, có thể nói 100% người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế do vậy sẽ tránh được các rủi ro, đặc biệt rủi ro về tài chính khi ốm đau vì các chi trả cho các dịch vụ y tế thường là rất đắt.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, do nhiều lý do khác nhau nên số người dân có thẻ bảo hiểm y tế chỉ đạt khoảng 65% dân số. Với người nhiễm HIV qua một số nghiên cứu gần đây ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế chỉ từ 15% đến 55% tùy theo từng địa phương, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bình quân người có thẻ bảo hiểm y tế trong cộng đồng.
Một điều đáng lưu ý là vì nhiều lý do khác nhau mà chỉ có khoảng 75-80% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng thẻ này khi khám chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người nhiễm HIV/AIDS có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao gấp từ 2 - 3 lần người dân nói chung. Như vậy nếu một người nhiễm HIV không có thẻ bảo hiểm y tế thì khả năng không được chăm sóc sức khỏe là rất lớn do hầu hết họ đều là đối tượng người nghèo.
Vậy tại sao người nhiễm HIV vẫn chưa tham gia bảo hiểm y tế? Có nhiều nguyên nhân nhưng tập trung chính vào các nguyên nhân sau:
Nhiều dịch vụ điều trị HIV/AIDS đang được các chương trình, dự án hỗ trợ miễn phí, do vậy cả hệ thống bảo hiểm y tế và người nhiễm HIV/AIDS chưa sẵn sàng tham gia và sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Người nhiễm HIV/AIDS chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về sự cần thiết của bảo hiểm y tế để được tiếp cận khám và điều trị bệnh nói chung cũng như với HIV/AIDS nói riêng.
Một số người nhiễm HIV/AIDS chưa tin tưởng vào quyền lợi khi tham gia BHYT.
Một số người nhiễm HIV/AIDS không có khả năng chi trả để mua thẻ BHYT.
Do sợ bị lộ danh tính, bị kỳ thị và phân biệt đối xử.
Hiện nay 90% thuốc kháng vi rút (ARV) để điều trị cho người nhiễm HIV ở Việt Nam do các tổ chức quốc tế tài trợ. Trong thời gian tới, nguồn lực này sẽ bị cắt giảm nhanh, nếu không có nguồn tài chính thay thế, nhiều người nhiễm HIV có thể không được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV hoặc không được tiếp tục điều trị. Khi bệnh nhân không được duy trì điều trị sẽ dẫn đến kháng thuốc và phải chuyển sang các phác đồ điều trị đắt tiền hơn gấp nhiều lần.
Nhiều người cũng lo ngại rằng, nếu chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế có thể tăng gánh nặng quỹ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy, chi phí trung bình cho việc điều trị cho bệnh nhân AIDS không cao so với chi phí trung bình trong điều trị cho một số bệnh mạn tính khác mà bảo hiểm y tế đang chi trả như chạy thận nhân tạo hay đái tháo đường v.v... Chi phí trung bình cho một bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV bậc 1 trung bình chỉ khoảng 6 triệu đồng/năm.
Chi phí trung bình cho một bệnh nhân nội trú liên quan đến HIV/AIDS chỉ là 4,3 triệu đồng/đợt điều trị. Do vậy chi phí điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS không làm tăng gánh nặng cho bảo hiểm y tế.
Hiện nay Bảo hiểm y tế đã thống nhất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ đưa dần các dịch vụ chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế.
Do vậy bảo hiểm y tế là một trong các giải pháp tài chính bền vững đảm bảo cho người nhiễm HIV/AIDS tránh được nghèo đói do các chi phí khám, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS và các bệnh khác.
Như vậy với bệnh nhân là người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế, khi khám, chữa bệnh được bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ khám và điều trị như những bệnh nhân bình thường khác. Ngoài ra họ còn được chi trả cho các dịch vụ điều trị các bệnh liên quan đến HIV/AIDS.
Theo Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện và tương đương. Tuy nhiên với người nhiễm HIV, nên đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện quận, huyện, thị xã, thành phố vì hầu hết các dịch vụ điều trị toàn diện bằng thuốc kháng vi rút chỉ được cung cấp tại tuyến này.
Nguồn: Bảo hiểm y tế - giải pháp bền vững trong chăm sóc sức khỏa cho người nhiễm HIV/AIDS