Bí quyết chọn thực phẩm ngày Tết

Lợi dụng tâm lý mua ào ào của khách những ngày giáp Tết, không ít người bán đã trà trộn thực phẩm kém chất lượng để đánh lừa người tiêu dùng. Một vài lưu ý sau giúp bạn có những lựa chọn thông minh, an toàn cho sức khỏe. Nên lựa chọn thịt gà có màu sắc tự nhiên, thớ thịt mịn và có độ đàn hồi cao. Ảnh: vietnetcenter.com end>Nên lựa chọn thịt gà có màu sắc tự nhiên, thớ thịt mịn và có độ đàn hồi cao. Ảnh: vietnetcenter.com

Không mua gà xù lông, chảy dãi

Người tiêu dùng không nên mua gà thịt sẵn mà mua gà còn sống để làm thực phẩm cho ngày Tết. Để tránh tình trạng mua nhầm phải gà rù hoặc gà sắp toi:

Không mua gà xù lông, chảy dãi, mào tím tái, mắt lờ đờ hoặc nhắm tịt lại như buồn ngủ. Gà ngon, khoẻ mạnh là những con gà lông óng mượt, mắt tinh nhanh, mào đỏ tươi, chân bé, lườn căng.

Trong trường hợp không mua được gà còn sống, phải mua gà đã làm thịt sẵn thì nên lựa chọn thịt gà có màu sắc tự nhiên, thớ thịt mịn và có độ đàn hồi cao. Da gà phải kín và lành lặn, không có vết bầm, mốc. Mùi vị bình thường, không bị nhuộm phẩm màu vàng.

Đặc biệt, không nên mua những con gà có thịt đen sạm vì đây là loại gà đã bị chết trước khi làm thịt, thịt gà đen sạm hơn do máu chảy ra không hết.

Cách lựa chọn trứng gà, trứng vịt lâu nay được khuyên dùng thả vào dung dịch muối 10% để biết chính xác từng ngày tuổi của quả trứng hoặc dùng tay lắc trứng. Tuy nhiên, phương pháp này khó thực hiện trong những ngày cận Tết, vì không phải ai cũng mang theo chai dung dịch muối để thử trứng và người bán hàng cũng không cho khách hàng dùng tay lắc trứng do sợ trứng vỡ, hỏng.

Một phương pháp lựa chọn trứng tiện lợi mà kết quả phải đạt đến 90%, là nắm chặt quả trứng trong lòng bàn tay, chỉ để hở hai đầu quả trứng, mắt nhìn vào một đầu và soi đầu còn lại trên nguồn ánh sáng của mặt trời hoặc bóng điện. Nếu bên trong quả trứng màu hồng, trong suốt với một chấm hồng ở giữa, đường bao quanh cố định là trứng tươi. Nếu trong lòng quả trứng có vệt máu hoặc sợi trắng dài là quả trứng đã bị nhiễm giun, sán.

Phân biệt thịt nhiễm giun, sán

Khi mua, người tiêu dùng nên dùng ngón tay ấn vào miếng thịt, nếu trên thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra là miếng thịt tươi. Ngoài ra, các thớ thịt phải đều, màng ngoài khô, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc.

Để không mua phải thịt nhiễm giun sán, người tiêu dùng nên tránh những miếng thịt có các bọc nhỏ xen giữa các thớ thịt, bắp thịt. Khi thái, bằng mắt thường nếu thấy những đốm trắng to bằng đầu kim là miếng thịt đã bị nhiễm giun xoắn. Còn nếu miếng thịt nhiễm sán thì sẽ có những hình sợi hoặc hình bầu dục to bằng hạt đậu có mầu trắng nằm dọc theo các thớ thịt.

Nếu thịt ướp urê hoặc hàn the thì khi cầm vào miếng thịt thấy cứng hơn, không còn cảm giác mềm mại và độ dẻo dính như thịt tươi.

Với các loại cá, tốt nhất là nên chọn cá vẫn còn bơi trong nước. Tuy nhiên, ở nhiều vùng nông thôn, miền núi người bán hàng không có điều kiện đựng cá trong xô, chậu có sục sủi bọt, người tiêu dùng vẫn có thể lựa chọn cá vừa mới chết nếu đặt lên lòng bàn tay, thân cá co cứng, thịt rắn chắc không thõng xuống. Mang cá có màu đỏ tươi dán chặt xuống hoa khế, miệng cá ngậm cứng, mắt cá trong suốt. Ngoài ra, bụng cá phải bình thường, hậu môn thụt sâu, màu trắng nhạt và vây tươi, óng ánh dính chặt vào thân.

Không mua thực phẩm đóng hộp đã bị phồng

Có ba nguyên nhân khiến thực phẩm đóng hộp bị phồng, đó là phồng lý, phồng hoá và phồng vi sinh vật. Nếu thực phẩm đóng hộp phồng lý thì khi ấn vào nắp hộp, nắp dễ dàng trở lại trạng thái bình thường hoặc làm lồi ở bên đối diện của hộp, sản phẩm này vẫn có thể sử dụng được bình thường.

Với đồ hộp bị phồng hoá, khi ấn vào nắp hộp bị phồng, nắp sẽ không trở lại trạng thái bình thường được. Khi để ở nhiệt độ bình thường sau gần 1 tuần, sẽ khó nhận biết những thay đổi rõ rệt nhưng ăn vào thì dễ bị ngộ độc.

Nguy hiểm nhất là những thực phẩm bị phồng do vi sinh vật. Cũng giống như phồng hoá, khi ấn vào nắp không thấy trở lại trạng thái bình thường nhưng để sau 5 - 7 ngày ở nhiệt độ bình thường, đồ hộp này sẽ phồng lên gây biến dạng hộp và gây ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng nếu ăn phải loại thực phẩm này.

Thực phẩm đóng hộp còn tốt là khi mở hộp, lớp véc - ni còn nguyên vẹn, không hoen ố, không thôi mùi vị tanh của kim loại và có mùi vị thơm đặc trưng của từng loại thực phẩm.

Xử lý ngộ độc thực phẩm tại nhà

Ngày Tết do phải ăn uống tiếp khách nhiều nên rất dễ xảy ra ngộ độc. Nếu nghi ngờ bị ngộ độc thức ăn thì việc xử trí cấp cứu đầu tiên là làm cho người bị ngộ độc nôn cho ra hết chất đã ăn vào, ngăn cản sự hấp thu của ruột đối với chất độc, phá huỷ độc tính đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày bằng cách thọc ngón tay vào họng để kích thích nôn.

Sau đó, đến viện rửa dạ dày càng sớm càng tốt. Chậm nhất là trước 6 giờ đồng hồ. Nếu thời gian ngộ độc lâu hơn 6 giờ đồng hồ thì bệnh nhân phải dùng biện pháp tẩy ruột.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Theo Mai Thúy
Giadinh.net

Orginal Source Bí quyết chọn thực phẩm ngày Tết

Bài liên quan