Quyết định này quy định mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu; không áp dụng với bất kỳ trường hợp nào cố ý cho melamine vào thực phẩm; áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất- nhập khẩu thực phẩm tại Việt Nam.
Tôi cũng xin nói rõ “nhiễm chéo” là ô nhiễm không chủ định, trực tiếp hoặc gián tiếp vào sản phẩm thực phẩm từ môi trường, dụng cụ, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Nhiễm melamine ở mức độ nào thì gây sỏi thận trên trẻ em như đã từng xảy ra ở Trung Quốc?
Hiện chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm tài liệu. Bên cạnh đó WHO cũng đang tích cực đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ các bằng chứng lâm sàng liên quan các trường hợp sỏi thận do uống sữa nhiễm melamine.
Tuy nhiên tôi cũng khẳng định tất cả trẻ em bị sỏi thận ở Trung Quốc thời gian qua do uống sữa nhiễm melamine đều dùng sữa bột công thức, không sử dụng sữa mẹ và hàm lượng melamine trong sữa là cao hơn nhiều so với giới hạn mà WHO đã công bố.
Bộ Y tế có quá vội vàng không khi chưa có mức giới hạn an toàn về melamine trong thực phẩm đã công bố tên các sản phẩm có melamine khiến doanh nghiệp thiệt hại, người tiêu dùng hoang mang?
Từ trước đến nay chưa ai quan tâm đến vấn đề melamine trong thực phẩm vì nó hiện hữu trong thực phẩm chỉ ở mức thấp do thôi nhiễm. Chỉ đến khi xảy ra sự việc tại Trung Quốc melamine mới được chú ý. Đứng về mặt sức khỏe khi phát hiện ra melamine chúng ta phải công bố ngay, không được phép cho sử dụng sản phẩm có melamine.
Chính đại diện của WHO và FAO đều khẳng định “cho tới khi có hướng dẫn quốc tế quy định hàm lượng của melamine trong thực phẩm thì quyết định của Bộ Y tế Việt Nam phải loại bỏ tất cả những sản phẩm có nhiễm melamine lưu thông trên thị trường là một quyết định đúng đắn, ngay cả khi thực phẩm đó bị ô nhiễm với hàm lượng melamine rất thấp”.
Đến nay, khi mọi chuyện đã ngã ngũ thì mới tiếp tục cho sử dụng nhưng chỉ được ở mức giới hạn cho phép.
Hiện nay hàng trăm tấn sản phẩm có melamine đã được niêm phong và chờ tiêu hủy. Số sản phẩm nhiễm melamine chưa tiêu hủy sẽ xử lý như thế nào?
Khi phát hiện sữa nhiễm melamine mà chưa có mức giới hạn cho phép thì việc niêm phong là cần thiết. Đến nay, khi Bộ Y tế Việt Nam đã công bố mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm thì những sản phẩm đảm bảo chất lượng, còn thời hạn sử dụng, melamine dưới mức giới hạn sẽ được lưu hành. Những sản phẩm có hàm lượng melamine vượt quá mức giới hạn vừa ban hành sẽ phải tiêu hủy.
Ông có ý kiến gì về việc có doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp bị thiệt hại vì Bộ Y tế xét nghiệm cùng một mẫu sản phẩm nhưng kết quả khi có melamine lúc lại bảo không có?
Tôi chưa nhận được thông tin này! Ví dụ như với Cty Cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk), thì chúng tôi vẫn có sự trao đổi thông tin thường xuyên. Khi xét nghiệm không có melamine trong sản phẩm của doanh nghiệp này chúng tôi đã cấp giấy chứng nhận. Thực tế, các quảng cáo hiện nay của Hanoimilk đều nói sản phẩm không có melamine do Bộ Y tế chứng nhận.
Bộ Y tế sẽ kiểm soát mức độ melamine trong sữa như thế nào thưa ông?
Sau khi ban hành giới hạn tối đa melamine nhiễm chéo trong thực phẩm, Bộ Y tế sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn tất cả các sản phẩm có nguy cơ có melamine. Bên cạnh việc kiểm tra melamine như là chỉ tiêu nhà nước về kiểm tra thực phẩm Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác hậu kiểm, tức là khi sản phẩm đã lưu thông trên thị trường.
Từ trước đến nay, xác định melamine trong thực phẩm đều do cố tình cho vào để tăng độ đạm. Để tăng độ đạm thì hàm lượng lớn hơn nhiều ngưỡng cho phép. Do đó, hàng hóa sắp tới nhập vào sẽ phải xác định melamine bằng máy móc và hệ thống labo đã có trong thời gian qua.
Mức giới hạn của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm
Thực phẩm dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm không vượt quá 1,0mg/kg thực phẩm (<= 1,0ppm); Các loại thực phẩm khác không vượt quá 2,5mg/kg thực phẩm (<= 2,5ppm).
Giới hạn này sẽ được thay đổi khi có cơ sở khoa học về độc tính của melamine và các chất liên quan được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) công bố bổ sung.
Một lần nữa Bộ Y tế tiếp tục khẳng định nghiêm cấm việc cố ý cho melamine vào thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, ở bất kỳ hàm lượng nào. Việc ban hành giới hạn này không có nghĩa là cho phép nhà sản xuất cho melamine vào thực phẩm với hàm lượng dưới giới hạn công bố kể trên.
Thái Hà
Orginal Source Có kiểm tra được mức độ nhiễm melamine?