Nhân sâm (trái) Sâm cao ly. Ảnh: Khánh Vy - Thanh Niên
.aspx?ThumbnailID=150267" border=1 Hyperlink>Nhân sâm (trái) Sâm cao ly. Ảnh: Khánh Vy - Thanh Niên
Có loại tên sâm, nhưng không phải là sâm
Từ "sâm" là danh từ chung dùng để chỉ cây nhân sâm có tên khoa học là Panax ginseng C.A. Meyer. Cây thuốc bổ hàng đầu của y học cổ truyền phương Đông.
Nó còn được mở rộng để chỉ một số loài thực vật cùng chi Panax, họ nhân sâm, có tác dụng tương tự nhân sâm như sâm Hoa Kỳ (American ginseng), sâm Triều Tiên (Korean ginseng), sâm Nhật Bản (Panax japonicas C.A may), sâm Việt Nam (Vietnamese ginseng).
Panax là chi thực vật có nhiều cây làm thuốc quan trọng, trong đó có họ nhân sâm, đến nay đã biết 12 loài và một số dưới loài được công bố trên thế giới.
Vùng phân bố của chi Panax ở bắc bán cầu, từ trung tâm Hymalaya qua đông bắc Trung Quốc, vùng Viễn đông nước Nga, Triều Tiên, Nhật Bản đến Bắc Mỹ, nói chung là vùng có khí hậu ôn đới.
Đặc biệt, ở Việt Nam năm 1973 đã phát hiện một loài Panax mọc hoang trên diện tích rộng, ở độ cao 1.800-2.000m trên dãy Trường Sơn nam, đó là loài sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha et Gruhv.), còn gọi là sâm K5, sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, ở Việt Nam còn phát hiện loài sâm Vũ Diệp (Panax bipinatifidus) và sâm tam thất (Panax pseudoginseng) ở các tỉnh miền núi phía Bắc giáp Trung Quốc.
Có nhiều loại thực vật và vị thuốc cũng có tên "sâm", nhưng không phải là sâm theo đúng nghĩa của nó như: đan sâm - là họ hoa môi; bố chính sâm - họ bông; sâm bòng bong - họ lưỡi rắn; sâm cau - họ sâm cau; sâm cuốn chiếu - họ lan; sâm đại hành - họ lá đơn; huyền sâm - họ mỏm sói...
Do sâm là một loại dược liệu quý hiếm, nên người ta còn đặt ra những cái tên như hải sâm, thiên sâm, thổ sâm... nhưng tất cả đều không phải là sâm.
Những cấm kỵ khi dùng sâm
Nhân sâm khi bào chế khác nhau sẽ có vị khí khác nhau. Sâm củ to khi được làm chín kỹ gọi là hồng sâm có khí ôn. Sâm củ nhỏ không đủ tiêu chuẩn còn tươi sống, có khí hàn lương là bạch sâm, bởi vậy cách sử dụng sâm cũng "thiên biến vạn hóa".
Hải Thượng Lãn Ông dùng sâm chín có tính ôn để bổ dương khí, dùng sâm sống có tính hàn để bổ âm.
Theo y học cổ truyền, sâm là một vị thuốc đại bổ nguyên khí, phục mạch, cố thoát, bổ tỳ ích phế, sinh tân, an thần. Dùng điều trị cơ thể hư nhược, cố thoát chứng, chân tay lạnh, mạch vi, tỳ hư ăn ít, phế hư hoa suyễn, tân dịch thương tổn, miệng khát nước, nội nhiệt tiêu khát, bệnh lâu ngày gầy yếu, đánh trống ngực, mất ngủ, liệt dương, tử cung lạnh, suy tim kiệt sức, ngất do bệnh tim.
Nhân sâm được coi là thuốc cường tinh, làm cho dinh dưỡng toàn thân được đầy đủ, hoạt huyết, chức năng tinh hoàn được nâng cao, khắc phục tình trạng liệt dương, di tinh, không xuất tinh.
Có được tác dụng này là do các hoạt chất trong nhân sâm làm tăng cường và bài tiết các hormone. Nhân sâm còn có tác dụng phòng ngừa nhiều bệnh tật, đặc biệt là ngừa huyết khối.
Mặc dù nhân sâm chữa được nhiều bệnh, nhưng khi dùng phải cẩn trọng, nếu không nhân sâm sẽ trở thành độc dược, thậm chí có thể làm chết người. Chả vậy mà người xưa có dặn: "Phúc thống phục nhân sâm tắc tử" (người đau bụng do hư hàn uống nhân sâm có thể chết).
Khi dùng nhân sâm cần lưu ý: người có bệnh thực nhiệt và thấp nhiệt không nên dùng; khi dùng nhân sâm phải bỏ cuống sâm đi, vì nó dễ gây nôn mửa; không dùng đồ sắt để cắt, nấu nhân sâm; suyễn khạc ho do khí ủng trệ, đờm thực nhiều thì không dùng; các chứng đau do thực (đau bụng cứng, sờ vào đau thêm) không nên dùng; khi phối hợp với các vị thuốc khác phải tránh dùng với lê lô (tương phản là phản lại nhau), ngũ linh chi (tương úy tức là sợ nhau), bồ kết (tương ố tức là ghét nhau) sẽ có hại...
Theo Lương y Vũ Quốc Trung
Thanh Niên