Mộc Khí

1.- ĐẠI CƯƠNG

Phương Đông, Mùa Xuân, Buổi sáng là biểu hiện của Thiếu dương khí (theo đồ hình thái cực).

Tính chất của Thiếu dương là khởi sinh, khởi động. Thiếu dương khí ở người chính là Mộc khí.

Mở đầu truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du viết : "Ngày Xuân con én đưa thoi", mùa Xuân báo hiệu Mộc khí phát động, biểu hiện bằng hình ảnh nhộn nhịp của chim én.

- Theo tổ chức Y Tế thề giới (OMS) sự phát triển sinh lý của trẻ em, có thể phát triển nhanh vào mùa Xuân hoặc vào mấy giờ đồng hồ sau khi thức giấc (buổi sáng), như vậy, mùa Xuân và buổi sáng có liên hệ với Mộc khí.

- J. G Henrotte và các cộng tác viên, trong "Revue de la société Francaise d?hydrologie" 2è Trimettre, 1972, nhận xét rằng hàm lượng Cholesterol trong máu rất cao vào những tháng đầu năm (Cholesterol là 1 dấu hiệu quan trọng trong việc đánh giá chức năng của gan). Như vậy, mùa Xuân có liên hệ với Mộc khí.

2.- NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA MỘC KHÍ

- Về Cơ Thể

a) Mắt và thị giác

- Thiên 'Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận' (TVấn 5) ghi : "Can khai khiếu ở mắt".

- Tại Sietle (Mỹ) các nhà nghiên cứu nhận thấy : nhiều người bị sưng Gan sau khi trích lấy máu ở dái tai (Các nhà nghiên cứu cho là vì nhiễm trùng, tuy nhiên, nếu trích máu cũng ở tai nhưng vào vùng Thuyền tai hoặc Luân tai... thì không thấy Gan sưng, nếu có nhiễm trùng thì chỉ vùng đó viêm, sưng thôi, không ảnh hưởng gì đến Gan. Ngành Nhĩ châm (châm ở loa tai) cho thấy : dái tai là vùng phản chiếu của Mắt, Mắt tổn thương, gây ảnh hưởng đến Gan vì Can khai khiếu ở mắt. Như vậy giữa Gan và mắt có sự liên hệ với nhau.

- Sự khởi động của Thiếu dương là mở mắt (mở mắt chào đời, bừng mắt thức dậy...), do đó, Mộc khí liên hệ với mắt và thị giác.

- Năm khí (ngũ hành) của Can đều ảnh hưởng đến mắt.

+ Mắt đỏ, viêm, xung huyết đáy mắt... là dấu hiệu Hỏa của Can vượng.

+ Chảy nước mắt nhiều, nước mắt sống... là dấu hiệu Thủy của Can suy.

+ Mắt mỏi, cơ mắt suy yếu cận thị là dấu hiệu Mộc của Can suy.

+ Mắt giật, mắt lồi, mắt nở lớn là dấu hiệu Mộc của Can vượng (Trương Phi, tướng nhà Thục trong Tam quốc chí, là người rất nóng tính (biểu hiện Mộc của Can vượng) mắt của ông lúc ngủ cũng mở lớn như người đang thức).

+ Mắt có mộng, có hột là dấu hiệu Thổ của Can vượng.

2. Nước mắt

- Thiên ?Tuyên Minh Ngũ Khí? (TVấn 23) ghi : "Nước mắt là dịch của Can".

- Nước, thuộc Thủy, Mắt thuộc Can, vì vậy, nước mắt là Thủy dịch của Can. - Nước, thuộc Thủy, Mắt thuộc Can, nên nước mắt là Thủy dịch của Can.

- Thủy dịch ở mắt đầy đủ khiến mắt trong sáng là dấu hiệu Thủy của Can sung mãn.

- Hay chảy nước mắt (nước mắt sống) là dấu hiệu Thủy của Can suy.

- Khi khóc xong mắt thường thấy đỏ là biểu hiện Thủy của Can suy, Hỏa của Can vượng. Khóc làm cho nước mắt chảy ra (Thủy suy), Thủy suy làm Hỏa vượng gây nên mắt đỏ. Nếu khóc nhiều quá, Thủy của can quá suy kiệt, làm Hỏa bùng mạnh lên, không những làm đỏ mắt mà còn gây nhức đầu.

- Khi căng thẳng thần kinh (Hỏa và Mộc vượng) làm nhức đầu, mắt đỏ... Nước mắt sẽ làm dịu bớt các tình trạng trên (Thủy khắc Hỏa). Bác sĩ Eniangopski (Viện hàn lâm y học Liên Xô), khi nghiên cứu về Nước mắt của những người được thí nghiệm ở trong tình trạng thần kinh căng thẳng nhận thấy : Khoảng 75% đàn ông và 95% đàn bà được thí nghiệm cho biết, họ cảm thấy dễ chịu hơn sau khi khóc, cũng theo ông, những người rất ít khóc thường hay bị những chứng bệnh liên hệ đến cảm xúc bị bức bách như : Loét bao tử... (Bao tử loét là 1 hình thức của chứng Can khí phạm vị, Can Mộc vượng lên khắc Tỳ Thổ).

3. Gân cơ

- Thiên ?Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận? (TVấn 5) ghi : "Can chủ gân cơ".

- Trong cơ thể, các sợi gân cơ liên kết với nhau thành hệ vận động. Khởi động là đặc tính của Thiếu dương, do đó Mộc khí và sự vận động có liên hệ với nhau.

- Can huyết đầy đủ, gân cơ được nuôi dưỡng tốt, vận động tốt. Can huyết kém sẽ gây các chứng tê bại, co quắp, run rẩy...

- Trong cơn động kinh, co giật, các gân cơ co quắp... là dấu hiệu Mộc khí vượng.

- Tùy biểu hiện tương ứng, có thể tìm ra dấu hiệu vượng suy của Mộc khí ở các cơ quan Tạng phủ.

Thí dụ : + Bao tử co thắt là dấu hiệu Mộc của Tỳ vượng.

+ Lưỡi khó cử động là dấu hiệu Mộc của Tâm suy.

4. Móng tay, móng chân

- Thiên ?Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận? (TVấn 5) ghi : "Hoa của Can là Trảo". (Vẻ đẹp của Can là móng) và "Ở mức đầy của Can là móng, vấu".

- Thiên ?Ngũ Tạng Sinh Thành? (TVấn 10) ghi : "Can vinh ra ở trảo".

- Móng tay, móng chân (cũng như ngón tay, ngón chân), giống như những đọt lá cây, những chỗ khởi sinh, tương ứng với Thiếu dương, do đó, Mộc khí liên hệ với các móng tay, móng chân. Trong châm cứu, các Tỉnh huyệt luôn khởi ở đầu các ngón tay, ngón chân.

- Móng tay, móng chân mềm, là dấu hiệu Mộc khí suy (hay gặp nơi người ít lao động).

- Móng tay, móng chân dầy, cứng là dấu hiệu Mộc khí vượng (hay gặp nơi những người lao động chân tay).

- Nơi người bệnh phổi, kim khí suy, không khắc được Mộc, Mộc vượng lên làm cho móng tay dầy lên có hình dạng khum như móng chim.

- Móng chân, tay đỏ thắm, dấu hiệu của Hỏa của Can vượng.

- Móng chân tay nhợt nhạt, dấu hiệu Hỏa của can suy.

- Móng tay xanh tím, dấu hiệu Thủy của Can suy.

b) Về chức năng

5. Tàng huyết

Thiên ?Bản Thần? (LKhu 8) ghi : "Can tàng huyết".

- Thiên ?Ngũ Tạng Sinh Thành? (TVấn 10) ghi : "Người ta khi nằm thì huyết dồn về Can".

- Mộc sinh Hỏa, do đó, Mộc khí sung mãn làm cho tuần hoàn (Tâm Hỏa) được lưu thông tốt, máu huyết đầy đủ.

- Can huyết không đầy đủ, huyết không lên trên được, gây hoa mắt, chóng mặt, gân cơ không được huyết nuôi dưỡng gây bại xụi, mềm yếu, huyết không đủ gây kinh nguyệt ít, bế kinh...

- Can khí bị kích động (cảm xúc, giận dữ...), không giữ được huyết, huyết đi lạc đường gây ra hiện tượng xuất huyết.

- Mộc khí quá vượng, mạch máu sẽ bị co thắt quá độ làm áp huyết gia tăng, có thể gây vỡ mạch, xuất huyết... thường gặp trong các chứng tai biến Não do cao huyết áp.

- Theo nhà Tâm lý học J.Lynch : Nói nhiều (biểu hiện của Mộc vượng) làm cho huyết áp tăng từ 10, 20 đến 50%. Khi trẻ em khóc hoặc thét, huyết áp của chúng cũng tăng.

6. Sự tức giận, phẫn nộ

- Thiên ?Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận? (TVấn 5) ghi : "Ở chí của Can là Nộ".

- Người thường hay nổi cơn giận dữ, phẫn nộ dù nhiều khi chẳng có lý do hoặc lý do rất tầm thường, là dấu hiệu của Mộc khí vượng.

- Khi tức giận, hệ vận động bị kích thích dữ dội khiến người ta nắm tay lại, vung lên, la hét, mắt trợn, phát hung quang... đôi khi đi đến hành động tàn bạo... là dấu hiệu Mộc khi vượng.

- Nếu Mộc khí quá vượng mà không phát tiết ra ngoài được qua hành động (la hét, phẫn nộ...) làm cho Hỏa và Mộc vượng lên, gây xuất huyết Não, nôn ra máu, xuất huyết tử cung... thường gặp ở phụ nữ hậu sản vì ghen tuôn.

- Theo các nhà nghiên cứu Palestine, vào mùa Xuân, số người tự sát gia tăng cao nhất. Theo họ, không phải mùa xuân gây ra thời tiết xấu, nhưng những người bị bệnh tâm thần (biểu hiện của Tâm Hỏa) cảm thấy khó chịu hơn (mùa xuân thuộc Mộc, Mộc sinh Hỏa).

- Quá uất giận, Mộc khí bị huy động quá độ có thể gây co cứng gân cơ lại, dân gian quen gọi là "chết sững". Trong "Đoạn trường tân thanh", Từ Hải bị Hà Tôn Hiến lừa, tức quá mà chết đứng (gân cơ co rút).

- Nội Kinh : "Nộ thương Can". Sự giận dữ hại Can).

- Khi phẫn nộ, Mộc khí bị kích thích mạnh, nhưng sau khi sự kích thích chấm dứt. Mộc khí bị mất đi phần lớn, đưa đến tình trạng mệt mỏi rã rời (Mộc khí suy).

- Khi điều trị bệnh các bà, nhất là phụ nữ sau khi sinh, có máu ghen, dễ uất (Mộc khí vượng) người ta thường dùng thuốc Bình Can, giải uất.

- Dương sinh dương, sự phẫn nộ giận dữ sẽ sinh ra vô số sự giận dữ và phẫn nộ khác, Âm khắc Dương, do đó muốn tiêu diệt sự giận dữ, phẫn nộ, phải Âm hóa chúng bằng cách hướng tinh thần về cực âm là sự bất phân tranh, sự dịu ngọt, sự hiền lành, hoặc dẫn đến những chỗ yên Tỉnh, thoáng mát, thoải mái...

5. Hay nói

- Thiên ?Tuyên Minh Ngũ Khí? (TVấn 23) ghi : "Can sinh ra chứng hay nói".

- Người Mộc khí vượng, trong lúc tức giận thường hay nói. Nói nhiều là 1 tác động làm tiêu hao Mộc khí, do đó, nếu nói được nhiều thì họ sẽ nguôi được cơn giận. Nếu không nói được, Mộc khí xung vượng làm Hỏa khí vượng theo, có thể gây xuất huyết, hôn mê thậm chí có thể chết vì tức. Trong truyện Tam quốc chí có kể : Vương Lăng, quân sư nước Ngụy bị Khổng Minh là quân sư nước Thục thuyết phục đến nỗi tức giận không nói lại được, thổ huyết ra mà chết.

- Lúc sốt cao, người ta thường hay nói "sảng" là dấu hiệu của Hỏa và Mộc vượng (Hỏa vượng làm Mộc vượng).

- Kim khắc Mộc, Kim suy không khắc được Mộc làm Mộc vượng lên : Một xã hội đầy những sự buồn phiền (dấu hiệu Kim suy). Mộc khí nhân đó vượng lên, sinh ra chứng nói nhiều, sinh ra nhiều cuồng sĩ uất ức chửi bới.

- Uống rượu vào mạch máu nở ra, tuần hoàn máu gia tăng ( Hỏa vượng) làm cho Mộc khí vượng theo gây ra nói nhiều, đập phá... (tửu nhập ngôn xuất).

- Bác sĩ Duan Kromhout và đồng nghiệp ở đại học Leiden (thành phố Zutphen) chế tạo ra 1 máy "Giải uất". Máy này có dạng hình ống loa ở miệng những người thần kinh căng thẳng, kê miệng vào đó tha hồ mà nói, máy có bộ phận hãm thanh, không để âm thanh lọt ra ngoài, do đó cứ yên tâm mà nói. Sau 1 thời gian áp dụng, các nhà nghiên cứu nhận thấy, số người dùng máy này, cảm thấy thần kinh bớt căng thẳng ngay sau khi nói vào máy xong.

6. Tiếng la hét

- Thiên ?Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận? (TVấn 5) ghi : "Tiếng của Can là tiếng hét".

- Tiếng khóc của trẻ lúc mới sinh ra, tiếng người rộn rã gọi nhau lúc sáng sớm, tiếng hót kêu của các loại chim... là dấu hiệu Mộc khí phát động.

- Để bắt đầu làm 1 công việc gì, thường người ta hô lên : Nào một, hai, ba...

- Lúc quá giận dữ, người ta thường hét to lên, biểu hiện của Mộc khí phát động cùng độ, gân cơ bị kích thích đến độ khẩn trương khiến người ta làm được nhiều việc phi thường, kể cả những việc tàn bạo.

- Người bệnh hay bực dọc, kêu la, bất bình là dấu hiệu của Mộc khí vượng.

- "Vật cùng tắc phản, âm quá hóa dương, dương quá hóa âm, sau sự kích thích tối đa, Mộc khí trở nên hao hụt dẫn đến tình trạng mỏi mệt rã rời.

7. Sự nắm tay

- Thiên ?Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận? (TVấn 5) ghi : "Ở sự biến động của Can là nắm, níu".

- Can chủ vận động, Mộc khí bị kích thích, người bệnh thường nắm tay lại (hay gặp nơi người bị sốt cao, bị kích thích mạnh, giận dữ...).

- Khi giận dữ quá độ (Mộc khí bị huy động quá) tình cảm biến thành hành động, khiến người ta nắm tay lại hoặc bóp cổ địch thủ.

- Để biểu lộ quyết tâm hành động, người ta thường nắm tay lại và vung lên. Thề hứa làm việc gì, người ta cũng nắm tay lại và vung lên.

- Người Mộc khí sung mãn thường có 1 cách bắt tay mạnh mẽ, nồng nàn, thân thiết. Ngược lại, người Mộc khí suy kém thường bắt tay 1 cách rụt rè, ơ hờ.

c) Về Ngoại Giới

8. Sắc Xanh

- Thiên ?Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận? (TVấn 5) ghi : "Sắc của Can là sắc xanh".

- Mô tả mùa xuân, Nguyễn Du trong "Đoạn Trường Tân Thanh" ghi : "Cỏ non xanh tận chân trời".

- Sắc xanh của người chính là sắc xanh của Tĩnh mạch dưới da, do đó, Tĩnh mạch có liên hệ với Mộc khí.

- Tĩnh mạch trương nở, máu huyết lưu thông trì trệ là dấu hiệu Mộc khí suy yếu.

- Mửa ra chất xanh là dấu hiệu Mộc của Tỳ vượng.

- Ho ra đờm xanh là dấu hiệu Mộc của phế vượng.

- Màu xanh bóng, sáng là dấu hiệu Mộc khí sung mãn, trái lại màu xanh tối đục là dấu hiệu Mộc khí suy kém.

- Ở bệnh viện Axiaphânphao (Cộng Hòa Dân Chủ Đức), người ta thấy rằng người đang khỏi bệnh bao tử loét, dần dần trở nên xa lánh màu xanh lục (màu xanh thuộc Can Mộc, Can Mộc khắc Tỳ Thổ gây nên chứng bao tử loét, do đó, khi Thổ khỏe mạnh lên, sợ sắc của Mộc).

- Theo tạp chí Quid, năm 1984, những người có mụn nhọt đã đóng vẩy thì vảy sẽ bay nhanh nếu tiếp xúc luôn với màu xanh.

- Tại Mỹ, tính đến tháng giêng năm 1986, đã có gần 30.000 trẻ sơ sinh mắc bệnh vàng da (do thừa nhiễm sắc tố mật - dấu hiệu của Thổ vượng) đã được chữa khỏi bằng cách tắm ánh đèn màu xanh da trời (màu xanh là màu của Can, Can Mộc khắc Tỳ Thổ).

9. Vị chua

Thiên ?Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận? (TVấn 5) ghi : "Vị của Can là vị chua"

- Thiếu dương, mùa xuân là mùa cây trái mới trổ, chưa chín, còn chua.

- Nôn ra nước chua là dấu hiệu Mộc của Tỳ vượng.

- Lưỡi cảm thấy chua là dấu hiệu Mộc của Tâm vượng.

- Muốn cho thuốc đi vào (quy kinh) Can, người ta thường tẩm thuốc với dấm (vị chua).

9. Phong khí

- Thiên ?Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận? (TVấn 5) ghi : "Bệnh của mùa xuân là bệnh của Phong".

- Theo sách ?Y Tông Kim Giám? : trên trời là phong, dưới đất là Mộc, ở người là Can, ở thể là cân.

- Phong khí có thể kết hợp với các tà khí khác gây ra Phong hàn (cảm lạnh), Phong nhiệt (cảm sốt)...

- Phong khí thông với Can khí vì thế nên phong khí gây bệnh đều ảnh hưởng đến Can Mộc.

- Nội Kinh : "Can ố Phong" và "Phong thương Can" (Can không thích gió và gió làm tổn hại Can).

- Tiến sĩ Felix Sulman, khoa sinh khí hậu học (Bioclimatologie) đại học Hadassah (Giêrusalem) nhận thấy :

+ Một số người cho rằng, họ thấy khó chịu và căng thẳng, rất dễ giận dữ khi có gió to (Phong khí làm Mộc khí phát động).

+ Gió có thể làm cho 1 số người đang bệnh, ban đêm không ngủ được. (Can tàng huyết, ban đêm huyết trở về Can, nay Mộc khí phát động, Can khí vượng lên, không tàng được huyết, gây khó ngủ).

+ Ở những vùng thường có gió mạnh thường xảy ra nhiều tai nạn xe hơi khi gió đó thổi tới. Trong thời kỳ có gió ấy, cũng thường xảy ra nhiều vụ tội phạm hơn, thậm chí có 1 số đi đến tự sát. (Mộc khí sinh Hỏa, Mộc khí gia tăng sự hoạt động).

- Mộc khí là nguồn năng lực của cơ thể để kháng lại với gió (Phong khí) gặp gió nhiều, Mộc khí sẽ bị suy yếu (mất sự đề kháng) sẽ gây bệnh.

- Người sợ gió là người có Mộc khí suy yếu.

- Can khí bất thường, Mộc khí gia tăng làm phong khí khởi phát sinh ra chứng Can phong nội động gây lác mắt, miệng méo, chân tay run giật ...

- Nơi người Mộc khí suy, sẽ thấy dễ chịu vào buổi sáng, mùa xuân (thời điểm của Mộc khí vượng) và khó chịu vào buổi chiều, mùa thu (thời điểm của Mộc khí suy).

- Nơi người Mộc khí vượng sẽ thấy khó chịu vào buổi sáng, mùa xuân (thời điểm Mộc khí vượng) và dễ chịu vào buổi chiều, mùa thu (thời điểm Mộc khí suy).

Bài liên quan

Đại Cương
Tính Chất của Âm Dương
Phân loại Âm Dương
©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper