PRL là một loại hoóc môn do tuyến yên tiết ra, chức năng chủ yếu là tham gia vào quá trình phát dục của bầu vú và sự tạo thành sữa. Trong điều kiện bình thường, vùng dưới đồi sẽ sinh ra một loại vật chất có thể ức chế được sự tiết ra của PRL, làm cho nồng độ PRL trong máu không lên cao quá. Khi có một nguyên nhân nào đó khiến cho ảnh hưởng của loại vật chất này đối với PRL bị giảm sút (ví dụ như u tuyến yên) thì tuyến yên sẽ tiết ra quá nhiều PRL, có thể dẫn đến chứng bệnh PRL trong máu quá cao. Khi PRL trong máu quá cao thì sự phát dục của noãn bào sẽ bị ức chế dẫn đến vô kinh và cũng có lúc biểu hiện thành rối loạn kinh nguyệt.
Ngoài những biểu hiện trên, người bệnh có khi còn tiết ra sữa ở đầu vú. Có những phụ nữ cho con bú, sau khi cai sữa cho con được nửa năm mà vẫn có sữa. Nếu hiện tượng này là do u tuyến yên gây ra và thể tích khối u lại tương đối lớn thì ở bệnh nhân còn có thể xuất hiện các hiện tượng thị lực giảm, đau đầu.
Nghe nói đến u, ta lập tức có cảm giác sợ hãi, nhưng thực ra u tuyến yên là một loại u lành tính, đa số các khối u đều nhỏ, tốc độ phát triển của nó rất chậm hoặc không hề phát triển. Vào những năm 70, các bác sĩ đều mổ qua hốc mũi để cắt bỏ khối u; sau khi phẫu thuật có thể xạ trị để trị tận gốc. Nhưng sau này, người ta mới phát hiện ra rằng đa số các bệnh nhân sau khi được phẫu thuật vẫn mắc chứng PRL trong máu cao và bế kinh, tiết sữa. Không chỉ như vậy, phẫu thuật và chiếu xạ còn có thể làm tổn thương đến các tổ chức tuyến yên bình thường, dẫn đến những triệu chứng khác. Xu hướng điều trị hiện nay là dùng thuốc Bromocriptin (Parlodel) không phẫu thuật.