Muốn đạt sự tăng cân vừa phải này thì ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục cũng đóng một phần quan trọng.
Luyện tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ bệnh đái tháo đường trong thai kỳ, béo phì sau sinh, giảm những khó chịu trong thai kỳ như đau lưng, sưng phù, táo bón... giảm trầm cảm cũng như nhanh lấy lại vóc dáng sau sinh.
Tuy nhiên, một số sản phụ lo lắng vì sợ luyện tập thể thao có thể gây sẩy thai, sinh non, thai kém phát triển, tổn thương cơ xương.
Theo Hiệp hội Sản khoa Hoa Kỳ, ở thai kỳ bình thường không có bệnh lý nội và sản khoa thì luyện tập đều đặn cho thấy có sự tăng cân thích hợp và không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai.
Những thay đổi sinh lý và giải phẫu khi mang thai đòi hỏi sản phụ cần phải được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn kỹ trước khi luyện tập, đặc biệt ở những sản phụ có những bệnh lý nội hoặc sản khoa đi kèm như bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn, hở eo tử cung, đa thai có nguy cơ sinh non, nhau tiền đạo, dọa sinh non...
Sau đây là những khuyến cáo của Hiệp hội Thể thao y khoa Hoa Kỳ dành cho những sản phụ bình thường muốn luyện tập thể dục trong thời gian mang thai.
Phải đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và con khi luyện tập. Do sự thay đổi phân bố trọng lượng trong thai kỳ đặc biệt khi thai lớn, làm thai phụ dễ mất thăng bằng nên cần chọn những môn thể thao tránh gây chấn thương và ảnh hưởng không tốt cho mẹ và con.
Những sản phụ có thai hơn ba tháng tránh tập trong tư thế nằm ngửa lâu, vì ở tư thế này gây ra sự tắc nghẽn tương đối của các tĩnh mạch trở về dẫn đến giảm phân suất tống máu của tim và có thể gây hạ huyết áp khi ngồi dậy. Ở tư thế tập đứng lâu một chỗ làm giảm phân suất tống máu, vì vậy tư thế này cũng nên tránh.
Môi trường luyện tập thông thoáng, quần áo mặc tập rộng rãi, đảm bảo lượng nước đầy đủ trước, trong và sau khi tập, tránh sự mất nước cũng như sự tăng thân nhiệt quá mức có thể ảnh hưởng đến thai nhi, đặc biệt trong ba tháng đầu.
Theo dõi mức độ luyện tập và chế độ ăn để đảm bảo sự tăng cân hợp lý. Nếu thai kỳ không tiến triển bình thường hoặc có dấu hiệu bất thường khi tập như ra huyết âm đạo, nước ở âm đạo nghi ngờ rỉ ối, đau bụng, mệt, chóng mặt... thì ngưng tập ngay và cần tư vấn bác sĩ.
Môn tập có thể chọn như bơi lội, đạp xe ở địa hình bằng phẳng, tuy nhiên sau tháng thứ ba của thai kỳ không nên tập môn này vì dễ gây té ngã do thay đổi về cân bằng. Đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng hoặc tập aerobic nhẹ cũng được khuyến khích.
Tập đều đặn, khoảng 30 phút hằng ngày, cường độ vừa phải tránh gây mệt mỏi quá sức, có thể tiếp tục môn tập trước đây hoặc bắt đầu một môn tập mới. Riêng những trường hợp đặc biệt cần tư vấn về môn tập cũng như thời gian trước khi tập.
Theo BS Phạm Thị Hải Châu
Tuổi Trẻ