Đề án 'Sữa học đường': Bị bỏ rơi vì virus máy tính?

TP - Một đề án táo bạo và cấp thiết về sữa học đường giúp nâng cao thể lực cho hàng triệu trẻ em bị các bộ ngành quên lãng, thờ ơ đến mức có nơi viện lý do máy tính lưu đề án bị virus làm mất văn bản. cho hàng triệu trẻ em bị các bộ ngành quên lãng, thờ ơ đến mức có nơi viện lý do máy tính lưu đề án bị virus làm mất văn bản.

Không có Sữa học đường, trẻ em Việt Nam đang phải dùng sữa với giá trên trời (chụp tại Siêu thị Intimex - Hà Nội, lúc 17 giờ ngày 10/9/2009). Ảnh: Phạm Yên


Báo cáo lên Chủ tịch nước rồi thôi

Đề án Sữa học đường được Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) xây dựng từ năm 2003.

TS Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội giãi bày:

“Lúc đó tôi đang làm Viện trưởng Viện Chăn nuôi. Khi bắt đầu triển khai chương trình bò sữa, chúng tôi đã nghĩ ngay đến Đề án Sữa học đường bởi đây là cách tốt nhất để trẻ em Việt Nam tiếp cận được với sữa- nguồn dinh dưỡng mà không sản phẩm dinh dưỡng nào thay thế được”.

Giá sữa quá mức bình thường như hiện nay cũng một phần vì thị trường sữa bị thả nổi. Nhà nước không có một chương trình sữa quốc gia.

Theo số liệu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong vòng 15 năm, chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng được 1,5 cm, trong khi tại Thái Lan, mức tăng trưởng chiều cao bình quân của họ là 2 cm trong năm năm. Họ làm được điều này vì có chương trình sữa học đường. Còn Việt Nam thì không - GS Lê Viết Ly

Nhớ lại thời điểm năm 2003, ông Vang cho biết, với mong muốn là phát triển tầm vóc, thể lực người Việt bắt đầu từ trẻ em, Viện Chăn nuôi đã viết một đề án trình lên Bộ NN&PTNT. Đề án có tên “Phát triển sữa phục vụ cho chương trình sữa học đường”.

Lúc đó, Vụ KH&CN (Bộ NN&PTNT) tiếp nhận, chỉnh sửa và trình Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng. Sau đó, đề án được báo cáo với Chủ tịch nước Trần Đức Lương với mong muốn Chủ tịch nước là người bảo trợ cho chương trình.

“Cuối năm 2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương có gọi tôi, anh Lê Văn Bầm (Vụ phó Vụ KH&CN), anh Bổng, lên Văn phòng Chủ tịch nước. Thời gian Chủ tịch nước nói chuyện hơn hai giờ đồng hồ. Chủ tịch nước rất quan tâm và chỉ đạo phải hoàn chỉnh đề án này”- Ông Vang kể.

Theo Đề án, số tiền để thực hiện chương trình sữa học đường là 150 triệu USD. Dự kiến, sẽ phát miễn phí sữa cho tất cả trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp một.

Một năm, mỗi cháu sẽ được uống 250 ml sữa/ngày trong 200 ngày. Như vậy mỗi cháu được cung cấp 50 lít sữa/năm. Các tỉnh nghèo sẽ được hỗ trợ hoàn toàn. Hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải tự bỏ kinh phí để thực hiện.

Khi đó, Chủ tịch nước cho rằng, số tiền dự kiến của đề án quá lớn, nên cần phải làm trong phạm vi hẹp trước. Trước mắt chỉ nên làm với số tiền 50 triệu USD và yêu cầu Bộ NN&PTNT hoàn chỉnh đề án.

Tuy nhiên, do không có sự vào cuộc của các bộ, ngành nên từ đó đến nay đề án rơi vào quên lãng. Ông Vang cho biết, sau này Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng có hỏi lại đề án. “Mỗi lần Chủ tịch nước hỏi thì các anh trên bộ lại gọi tôi để hỏi có hoàn thiện gì nữa không. Tôi bảo chỉ có thế thôi, vấn đề là thực hiện”. Nhưng chờ mãi không thấy các bộ, ngành động tĩnh gì.

“Cuối năm 2004, tôi có hỏi lại anh Lê Văn Bầm bốn năm lần, anh Bầm bảo máy tính của Viện bị virus, phải cài đặt lại, và mất luôn bản lưu trên máy của đề án”.

Sữa nội từng được cân nhắc đưa vào Chương trình Sữa học đường. Ảnh:TL

Nâng cao tầm vóc người Việt, sao không thấy sữa?

Theo Giáo sư Lê Viết Ly, Phó Chủ tịch Hội KHKT Chăn nuôi Việt Nam, trên 50 nước đã triển khai chương trình sữa học đường.

Tại nước láng giềng Thái Lan, với sự bảo trợ của nhà vua Thái Lan, chính phủ đã triển khai chương trình này nhiều năm qua. Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva vừa quyết định sẽ mở rộng đối tượng và thời gian uống sữa miễn phí trong năm cho trẻ em.

Theo đó, Chính phủ Thái Lan sẽ cấp miễn phí sữa cho học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 6 trong suốt năm học là 260 ngày, thay vì hiện tại chỉ có học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 được hưởng chương trình sữa miễn phí và tổng thời gian là 200 ngày.

Giáo sư Ly cho rằng, không phải Việt Nam không có tiền để làm mà vấn đề ở đây là nhận thức của các cấp lãnh đạo. Chúng ta có hẳn một đề án nâng cao tầm vóc người Việt của ngành thể dục thể thao nhưng lại không hề đả động gì đến việc cấp sữa cho trẻ em.

Ông Nguyễn Đăng Vang cho biết, tháng 11/2007, đoàn công tác của Quốc hội sang làm việc với Bộ Nội vụ Nhật Bản được biết, học sinh nam lớp 12 của Nhật Bản cao trung bình 1,78m. Phía bạn cho biết, có được điều này là nhờ uống sữa. Chỉ sữa mới cải thiện được tầm vóc và trí tuệ con người.

Sau khủng hoảng kinh tế, Nhật Bản, Thái Lan cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng chương trình sữa học đường vẫn được duy trì. Hiện nay, người Nhật Bản uống trên 80 lít sữa/người/năm. Trong khi, mức tiêu dùng sữa tại Việt Nam chỉ bằng 1/8 của họ, ở mức gần 10 lít/người/năm.

Hà Nhân

Ngày Hội Sữa Học Đường lần đầu tiên vừa được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức tại trường Mầm non Sao Mai, huyện Châu Đức, do Sở GD & ĐT Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Tetra Pak Việt Nam tổ chức.

Tại đây đồng thời diễn ra lễ phát động chương trình sữa học đường năm học 2009 - 2010 cho 200 trường mầm non trên địa bàn Tỉnh.

Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh đầu tiên trong cả nước đầu tư ngân sách của Tỉnh để triển khai Chương trình Sữa Học Đường 2006 - 2010, phát sữa miễn phí cho hơn 44.000 trẻ trong tỉnh.

A.H

Orginal Source Đề án 'Sữa học đường': Bị bỏ rơi vì virus máy tính?

Bài liên quan