Khi cá biển lên tiếng…

Khi cá biển lên tiếng…

TP - Hãy ăn cá biển béo mỗi tuần hai bữa. Đấy là trường hợp cá biệt duy nhất trong thực đơn, khi chất béo hữu ích đối với sức khỏe.

Các nhà khoa học Na Uy đã phát hiện được quy luật đó từ những năm 60, khi họ nghiên cứu nghiêm túc đời sống của thổ dân Eskimo. Các nhà nghiên cứu Bắc Âu nhận thấy dân chúng Greenland không hề mắc bệnh tim và không bị tai biến não, cho dù thức ăn thừa thãi chất béo (mô mỡ bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mất nhiệt do thời tiết lạnh giá quanh năm). Ngoài ra ai cũng có mái tóc óng mượt và hàm răng chắc khỏe. Nhóm nghiên cứu bắt đầu đặt câu hỏi, từ đâu họ có phong độ sức khỏe đặc biệt và đã phát hiện ra rằng, bí mật ẩn mình ở tập tục ăn nhiều cá biển, chính xác hơn – axit béo omega-3 tiềm ẩn trong cá. Những nghiên cứu thực hiện tại Hà Lan và Nhật Bản, nơi dân chúng cũng ăn nhiều cá giầu những thành phần đó cũng xác nhận như vậy.

Axit béo omega-3 có gì đặc biệt?

Không phải ngẫu nhiên axit béo không no omega-3 được mệnh danh là hợp chất không thể thiếu của cơ thể. Cơ thể chúng ta không có khả năng tạo ra chúng, vậy nên buộc phải cung cấp cùng thức ăn. Bởi nghiên cứu cụ thể cho thấy, axit béo omega-3 chứa đựng tất cả những gì tốt nhất đáp ứng nhu cầu phát triển của cơ thể và phòng ngừa bệnh tật. Một khi biết rằng, trong khi tỷ lệ người mắc bệnh tim ở Nhật Bản chỉ xấp xỉ 9 phần trăm dân số, con số này tại một số quốc gia Trung Âu lên tới 50 phần trăm – sẽ hiểu vai trò quan trọng của axit béo omega-3.

Nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ (Nurses Health Study, Universitet Harvard) thực hiện với 60 ngàn nữ hộ lý cho thấy: ở những người ăn nhiều hơn một bữa cá biển/tuần, nguy cơ đột tử vì bệnh tim thấp hơn 56 phần trăm so với đồng nghiệp cả tháng chỉ ăn một bữa. Nguy cơ này cũng giảm gần một nửa, thậm chí ở những đối tượng đã từng một lần bị nhồi máu cơ tim.

Thí nghiệm được lặp lại trong dự án nghiên cứu GISSI ở Italia, nơi bệnh nhân được uống dầu cá với liều 1g/ngày. Kết quả cho thấy, tỷ lệ tử vong vì các bệnh tim của họ thấp hơn 70 phần trăm so với nhóm đối chứng. Cả hai nghiên cứu đều chứng tỏ một cách rõ ràng: axit béo omega-3 cũng có vai trò quan trọng trong điều chỉnh nhịp tim.

Danh mục dài những tác dụng tuyệt vời của việc áp dụng thực đơn giầu axit béo omega-3 không dừng tại đây. Omega-3 còn góp phần hạ thấp nồng độ glukoza trong máu, ngăn ngừa tiểu đường, duy trì hoạt động bình thường của tế bào và kìm hãm quá trình ung thư hóa của chúng, tức ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư đại tràng. Ngoài ra axit béo omega-3 còn phát huy tác dụng chống viêm và điều chỉnh những biến đổi độc tố trong cơ thể

Sự thông minh và hài lòng

Năm 1996 tạp chí chuyên ngành “Journal of the American Medical Association” công bố kết quả công trình nghiên cứu về mức độ mắc bệnh trầm cảm ở đa số quốc gia thế giới, năm 1998 – xếp hạng chúng bên cạnh số liệu về mức độ tiêu thụ cá trong cùng thời gian. Kết quả cho thấy: tỷ lệ mắc bệnh thấp nhất ở những quốc gia thực đơn giầu cá nhất. Điều này không làm ngạc nhiên những ai trước đó đã biết về tác dụng tích cực của axit béo omega-3 đối với hoạt động bình thường của não bộ con người. Tháng giêng năm 2010 tạp chí khoa học có uy tín “Lancet” công bố bất ngờ tiếp theo liên quan đến axit béo omega-3. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ khẳng định, axit béo omega-3 tác động tích cực đến sự phát triển của trí tuệ con người. Những đứa trẻ sau ba năm được bổ sung liều thích hợp omega-3 (dạng dầu cá) có chỉ số IQ (chỉ số thông minh) cao hơn đồng lứa cùng thời gian không được bổ sung dầu cá.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người ăn cá, đặc biệt cá biển béo (cá thu, cá ngừ, các sacđin, cá hồi...) như nguồn chính cung cấp các axit béo omega. Cá biển cũng là nguồn cũng cấp protein chất lượng cao, các vitamin, chủ yếu thuộc nhóm A, D và E, các thành phần khoáng chất (kali, canxi, fosfo) và các thành phần vi khoảng (sắt, cobalt, mangan, đồng, kẽm, jod, fluor). Vì thế chúng ta nên ăn cá tối thiểu mỗi tuần hai bữa, trường hợp không có điều kiện (hoặc không thích), cần bổ sung bằng thực phẩm chức năng giầu axit béo omega.

Khi nào trẻ có thể bắt đầu ăn cá? Tốt nhất ngay từ lúc còn trong bụng mẹ. DHA trong não bộ thai nhi bắt đầu tích lũy vào thời gian giữa tuần thứ 26 và tuần thứ 40 thai kỳ và tác động lên hoạt động của tế bào thần kinh. Trẻ sơ sinh hấp thụ chúng từ sữa mẹ.

Theo các chuyên gia thuộc Hiệp hội Bác sĩ Nhi khoa Ba Lan, nên đứa cá biển vào thực đơn dành cho trẻ em từ thời điểm sau 12 tháng tuổi – với điều kiện cá đảm bảo chất lượng. Và ở đây xuất hiện vấn đề không nhỏ - một số cá biển thường bị nhiễm độc kim loại nặng, thí dụ thủy ngân (nhất là cá ngừ và cá hồi). Trẻ em và phụ nữ có thai không nên ăn cá nhiều hơn một bữa/tuần. Với đối tượng này, tốt hơn có thể sử dụng viên thuốc chứa axit béo omega hoặc uống dâu cá (cũng là nguồn vitamin D tuyệt vời).

Nên cẩn thận và đưa cá vào thực đơn cho trẻ có cha mẹ bị dị ứng thức ăn muộn hơn, bởi cá biển thuộc dạng những thức ăn dị ứng mạnh nhất.

Sau tham khảo ý kiến bác sĩ, có thể bổ sung axit eikozapentaen (EPA) và axit dokozaheksaen (DHA) ở dạng thực phẩm chức năng vào thực đơn cho trẻ từ 24 tháng tuổi.

Thực phẩm chức năng

Các chuyên gia chỉ định người lớn sử dụng liều 1-1,5 g axit EPA và DHA mỗi ngày. Thị trường có rất nhiều sản phẩm chứa axit béo omega-3. Chọn loại nào? Quan trọng nhất là liều hợp chất trong viên thuốc cần đáp ứng nhu cầu hàng ngày hoặc xấp xỉ 1 g.

Axit béo omega-3 phát huy tác dụng hạ thấp nồng độ cholesterol “xấu” LDL, gia tăng nồng độ cholesterol “tốt” HDL. Bằng cách này, nó góp phần giảm thiểu đáng kể nguy cơ xuất hiện xơ vữa thành mạch. Ngoài ra thông qua điều chỉnh áp huyết và cải thiện khả năng đàn hồi của mao mạch, omega-3 bảo vệ cơ thể trước nguy cơ nhồi máu cơ tim và tai biến não. Một số nghiên cứu chứng minh rằng, axit béo omega-3 kìm hãm sự nhân bản tế bào ung thư và khả năng phát tán của chúng trong cơ thể (những nghiên cứu chủ yếu với ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư đại tràng). Bảo vệ chúng ta trước nguy cơ viêm khớp, giảm đau thấp khớp và cải thiện trạng thái người mắc bệnh hen suyễn.

DHA giảm thiểu nguy cơ xuất hiện tiểu đường và béo phì (axit này ngăn ngừa tình trạng dao động nồng độ đường trong máu vàn sự mẫn cảm của mô với hoạt chất của ínsulin – hormone giảm thiểu nồng độ đường trong máu). Não bộ cần DHA, để tư duy mạch lạc (cải thiện khả năng tập trung).

Axit DHA cần thiết để sản xuát cái gọi là hormone hạnh phúc – serotonin và dopamin. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người bị rối loạn cảm xúc và trầm cảm nghiêm trọng trong máu có nồng độ DHA rất thấp.

Cũng có công trình khoa học cho rằng, cơ thể được cung cấp đủ DHA sẽ phát huy tác dụng ngăn ngừa sự xuất hiện trong não bộ những mảng amyloid điển hình của bệnh Alzheimer.

DHA cũng không thể thiếu để duy trì thị lực tốt.

EPA và DHA đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh khả năng đề kháng của cơ thể với các bệnh lây nhiễm do virus và vi trùng. Chúng cũng tác động tích cực đến mô xuơng thông qua khả năng gia tăng sự hấp thụ canxi.

Axit omega-3 cũng rất cần thiết trong quá trình phát triển của thai nhi – nhờ nó thai nhi có, thí dụ cân nặng thích hợp lúc chào đời. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, phụ nữ trong thời gian mang thai ăn đủ cá và hải sản sẽ giảm thiểu đáng kể nguy cơ xuất hiện những vấn đề xã hội và hành vi của con cái.

Cá nào tốt nhất?

So với cá nước ngọt, cá biển có nhiều hơn các loại mỡ có lợi cho sức khỏe con người. Quý nhất là cá mòi, cá ngừ, cá trích, cá thu, cá hồi...Đi kèm cá cần ăn rau xanh (phát huy tác dụng kích thích cơ thể hấp thụ axit omega-3) và các sản phẩm giầu vitamin E (bảo vệ omega-3 trước khả năng bị oxy hóa).

Theo Hoa Quỳ
Tri Thức Trẻ

Nguồn: Khi cá biển lên tiếng...

Bài liên quan

©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper