Thuốc độc trên đĩa thức ăn

Thuốc độc trên đĩa thức ăn

TP - Các chuyên gia chịu trách nhiệm triển khai Kế hoạch Hoạt động Toàn quốc thứ hai vì Sức khỏe và Môi trường Pháp (PNSE2) đã rung chuông báo động: “Tại tất cả các quốc gia công nghiệp đã phát triển, khả năng sinh sản đang xấu đi cùng với tình trạng giảm sút 50% sản xuất tinh trùng trong vòng 50 năm, sự gia tăng gấp đôi các trường hợp ung thư tinh hoàn và xuất hiện một số khuyết tật phát triển cơ quan sinh dục.

Dĩ nhiên nguyên nhân rất phức tạp, song các sản phẩm hóa chất, những nhân tố gây rối loạn sản xuất hormone chắc chắn là một trong những thủ phạm chính”.

Vậy nên tối thiểu cần nhận mặt những nguyên tố độc hại, bởi đã hàng chục năm chúng ta tiếp nhận chúng vào cơ thể. Đã từ khá lâu các nhà khoa học, các chuyên gia ẩm thực và người dân bình thường ngày càng e ngại những sản phẩm do nền nông nghiệp đại trà rao bán...đến năm 2010 đã có trên một nửa số dân châu Âu không còn lòng tin với nông dân.

Trên 90 % mẫu nước tiểu được xét nghiệm tại Mỹ có chứa ftalan. Đây là những hợp chất nằm trong thành phần chế phẩm platis sử dụng trong sản xuất giấy gói thực phẩm, cồn dán hoặc dược phẩm. Tình hình tương tự liên quan đến bisfenol sử dụng trong sản xuất khăn vệ sinh, những bộ phận plastic cứng trong tủ lạnh, lò vi sóng hoặc bình đựng sữa...Từ ngày 1 tháng Ba năm nay tại châu Âu, bisfenol A bị cấm sử dụng trong sản xuất bình bú sữa trẻ em. Tuy nhiên tình hình phức tạp hơn với aspartam – đường hóa học, hơp chất được các nhà sản xuất nước uống dinh dưỡng có ga đánh giá cao. Trái với một vài nghiên cứu mới đây, các cơ quan vệ sinh thực phẩm châu Âu đã từ chối cấp phép lưu thông đối với mặt hàng này vì những thông tin về mối đe dọa sức khỏe của sản phẩm.

Bom nổ chậm

Đầu năm nay dự luận Pháp xôn xao bàn tán về cuộc điều tra do Marie-Monique Robin thực hiện. Từ lâu nữ nhà báo độc lập này đã nổi tiếng với tư cách tác giả bộ phim và cuốn sách “Thế giới theo Monsanto” phơi bầy những cơ chế hoạt động của nhà sản xuất nông sản biến đổi gien sau hai năm tiến hành nghiên cứu đằng sau hậu trường giới kinh doanh nông sản. Từ Paris qua Brussels, đến Washington và bang Kerala ở Ấn Độ, nữ nhà báo dầy công khám phá những bí mật của người nông dân, các cơ quan phân phối, các nhà công nghiệp và những chuyên gia hóa học được canh giữ hết sức chặt chẽ. Các loại thuốc trừ sâu, phân hóa học, phẩm mầu thực phẩm, các phương tiện đóng hộp... Liệu các sản phẩm mới thu hoạch trên cách đồng, trong các nhà kính và sản phẩm đã chế biến có bị nhiễm độc? Kiểm tra bằng cách nào? Các chuyên gia có lương tâm nghề nghiệp? Robin đã trả lời tất cả những câu hỏi đó trong bộ phim tài liệu “Thuốc độc thường nhật của chúng ta” và cuốn sách cùng tên đã xuất bản ở Pháp.

Robin đã đọc hàng trăm bản tường trình, theo dõi không ít cuộc họp quyết định mức độ nhiễm chất bảo vệ thực vật của rau quả, kiên nhẫn đưa ra không ít câu hỏi chất vấn lãnh đạo cấp cao nhất. Chị cũng theo sát câu chuyện về aspartam, hợp chất ban đầu bị cơ quan vê sinh thực phẩm Mỹ kiên quyết bác bỏ vì lý do tác đông tiêu cực đến não bộ, nhưng sau đó lại được phép sử dụng sau ngày Ronald Reagan trở thành Tổng thống.

Dư luận bàng hoàng, khi biết bí mật che đậy kết quả phân tích nguy cơ liên quan đến những hợp chất hóa học mới tung ra thị trường. Phần lớn do các nhà sản xuất tự thực hiện và không bao giờ được công bố. Ai cũng biết, những quá trình công nghệ được pháp luật bảo vệ; song không thể chấp nhận thực tế giấu kín mọi kết quả nghiên cứu về các chất độc hại trong nông sản-thực phẩm.

Ngay từ đầu cuộc cách mạng công nghiệp (thế kỷ XIX chúng ta đã biết, các sản phẩm hóa học đều độc hại. Tuy nhiên trong giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới II, người ta lại cho rằng, cần chấp nhận trả giá vệ sinh và môi trường vì sự tiến bộ. Ngoài ra các nhà chính trị giao toàn quyền cho giới tư bản công nghiệp. Mãi đến khi xuất hiện vụ bê bối bò điên và bùng nổ đại dịch nhiễm độc thực phẩm trên toàn thế giới, xu hướng lành mạnh mới quay lại – Nữ nhà báo Pháp khẳng định. Tuy nhiên vấn nạn vẫn chưa được giải quyết: Những nghiên cứu của tôi cho thấy, các nhà sản xuất cố ý giảm thiểu hậu quả do các chất hóa học gây ra, nhiều khi che giấu. Không ai, ngoài các cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm có quyền tiếp cận kết quả các nghiên cứu lâm sàng – trường hợp phát minh của họ được bảo vệ bản quyền. Hội thảo khoa học chỉ mang ý nghĩa hình thức – Robin nói thêm.

Không ít sản phẩm hóa học sử dụng trong nhiều ngành sản xuất gây rối loạn nội tiết. Trong danh mục đã bị tố cáo có bisfenol A, ftalane và pestycyd. Ngay trong năm nay cơ quan An toàn Thực phẩm, Môi trường và Lao động Pháp (ANSES) đã bắt đầu nghiên cứu về “những lĩnh vực sử dụng các sản phẩm hóa học tiềm năng làm rối loạn sản xuất hormone, để đánh giá mối đe dọa đối với con người thông qua thực phẩm và môi trường”.

Thử nghiệm những hợp chất đã kể trên cơ thể động vật gây ra những rối loạn nội tiết có thể làm hỗn loạn hệ hormone, thậm chí chỉ bằng liều lượng rất nhỏ. Chi tiết đáng lo ngại hơn: phôi thai nhiễm những nguyên tố này có thể bị nhiều bệnh nghiêm trong như ung thư tinh hoàn, ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú – khi đến tuổi trưởng thành. Cơ chế này đã thấy rõ ở đàn chuột thí nghiệm. Một khi hiện tượng tương tự được xác nhận ở con người, điều đó có nghĩa, hàng ngày chúng ta đang nạp vào cơ thể những quả bom nổ chậm.

Hóa chất ở đâu?

1- Trong thực phẩm

Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong nông nghiệp nhằm loại bỏ sâu bọ, cỏ dại hoặc nấm độc. Kết quả thực hiện năm 2008 với 3.430 mẫu sản phẩm nông sản xác nhận dấu vết độc tố trong hoa quả (59% trường hợp) và rau xanh (30%). Mức độ đôc hại vượt chuẩn cho phép trong bốn phần trăm trường hợp. Thịt cá béo cũng chứa độc tố từ thuốc bảo vệ thực vật (loại bền vững hơn). Mối đe dọa: những rối loạn thần kinh (thí dụ bệnh liệt rung), những rối loạn hormone.

2- Trong môi trường

Tình trạng ô nhiễm xuất xứ từ các quá trình công nghiệp hiện diện trong không khí gây nhiễm độc khí quyển, nguồn nước, đất đai và đồng cỏ chăn nuôi gia súc. Cùng lúc chất độc đổ bộ xuống bữa ăn hàng ngày của chúng ta dưới dạng bơ sữa, trứng, thịt cá và hải sản, thậm chí cả trong trường hợp hải sản nuôi trong điều kiện “thân thiện môi trường”. Trong dạng chất độc này có các kim loại nặng (thủy ngân, chì, thạch tín, cadmi), các chất độc có nguồn gốc từ quá trình đốt cháy chất thải, chất PCB được sử dụng cách nhiệt trong biến thế điện (đã bị cấm sử dụng 20 năm) hoặc chất chống cháy PBDE. Mối đe dọa: các bệnh ung thư, những rối loạn hormone.

3- Trong vật liệu bao gói

Các thành phần bao gói làm từ vật liệu nhân tạo có khả năng thẩm thấu vào thực phẩm, nhất là dưới tác động của nhiệt độ cạo. Người ta đã xác nhận sự hiện diện của ftalan và bisfenol A trong một số túi nhựa đựng thực phẩm, trong thức ăn chế biến sẵn, trong màng lót một số hộp kim loại đựng thực phẩm, trong dụng cụ platic sử dụng cho lò vi sóng, ấm đun nước vỏ nhựa... Nguy cơ: rối loạn hormone.

4- Trong các sản phẩm công nghiệp thực phẩm

-Các nhà sản xuất sử dụng chất phụ gia cho thực phẩm – các chất bảo quản, phẩm mầu và hương liệu – để cải thiện sự đông cứng, kéo dài thời gian sử dụng, tạo mầu bắt mắt hoặc tăng cường hương vị. Trong các chất độc loại này có chất chống ung thư hóa dễ gây ung thư BHA (mã E320) được sử dụng nhằm chống thực phẩm ôi thiu. Mối đe dọa: dị ứng, kích động thái quá.

Theo Dương Hòa
Tri Thức Trẻ

Nguồn: Thuốc độc trên đĩa thức ăn

Bài liên quan

©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper