Hơn 60 triệu người Việt có giun sán

TP - Báo cáo của Chính phủ về quản lý chất lượng VSATTP cho thấy nhiều mẫu rau, quả có chất bảo quản thực vật, các loại thịt và chế phẩm từ thịt có chứa các vi khuẩn gây bệnh vượt giới hạn cho phép vàhơn 60 triệu dân Việt Nam mang giun, sán trong người. Sản phẩm từ thịt bị nhiễm khuẩn là do điều kiện kinh doanh kém - Ảnh: Phạm Yên > Sản phẩm từ thịt bị nhiễm khuẩn là do điều kiện kinh doanh kém - Ảnh: Phạm Yên

Gần 100 phần trăm mẫu rau nhiễm coliform vượt giới hạn

Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên trên rau quả tại Hà Nội, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, TPHCM trong quý 3, 4/2008 cho thấy trong 154 mẫu rau cải, rau muống có 20 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt quá giới hạn cho phép. 3/60 mẫu nho, cam, táo có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép.

Có 72 trên tổng số 76 mẫu rau nhiễm vi khuẩn coliform (gây nhiễm khuẩn đường ruột) vượt giới hạn cho phép, 40 mẫu nhiễm E.coli vượt quá giới hạn cho phép và sáu mẫu nhiễm salmonella.

Đáng chú ý dư lượng nitrat có trên 100 phần trăm mẫu rau lấy phân tích, dù chưa vượt giới hạn cho phép. 100 phần trăm mẫu kiểm tra có dư lượng đồng, hai mẫu có dư lượng chì, ba mẫu có dư lượng asen (thạch tín). Số liệu của 63 tỉnh, thành phố cũng cho thấy bên cạnh các nguyên nhân ô nhiễm khác thì nguyên nhân ô nhiễm do tồn dư hóa chất BVTV đang gia tăng. Nếu giai đoạn 2004-2006 là 4,9 phần trăm thì đã tăng lên 5,72 phần trăm trong giai đoạn 2007-2008.

Vi sinh vật gây bệnh trong thịt, sản phẩm thịt

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết thống kê với năm bệnh truyền qua thực phẩm (tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn) từ năm 2000 – 2006, trong toàn quốc đã có 6.091.039 người mắc và 115 người chết. Đáng chú ý có hơn 60 triệu người đang mang giun sán trong người.

Bệnh sán lá gan lớn có ở 18 tỉnh, tỷ lệ nhiễm mầm bệnh trong cộng đồng dân cư có nơi lên tới 37 phần trăm (như Nam Định, Phú Yên). Bệnh sán lá gan nhỏ có ở 24 tỉnh. Bệnh sán lá phổi có ở 8 tỉnh phía Bắc là Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn và Nghệ An. Bệnh sán lá ruột có ở 11 tỉnh với khoảng 4.000 người mắc.

Không chỉ đáng báo động với rau, chất lượng thịt bị đánh giá là ở tình trạng đáng lo ngại với nhiều mối đe dọa tiềm tàng. Kết quả kiểm tra tại Hà Nội cho thấy, trong 72 mẫu thịt lợn được kiểm tra có ba mẫu nhiễm salmonella, bốn mẫu nhiễm S.aureus (tụ cầu khuẩn gây ngộ độc thực phẩm và có nhiều trường hợp gây tử vong) vượt quá giới hạn cho phép.

Trong số 72 mẫu thịt gà có sáu mẫu nhiễm salmonella, bảy mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép. Tại TPHCM, trong số 69 mẫu thịt lợn có bốn mẫu nhiễm salmonella, 37 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép.

Kiểm tra trên thịt gà có sáu trên tổng số 69 mẫu nhiễm salmonella, 41 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép. Theo đánh giá, thịt và các sản phẩm từ thịt bị nhiễm khuẩn là do điều kiện giết mổ, vận chuyển và kinh doanh sản phẩm thịt tươi sống hiện nay vẫn yếu.

Lượng tồn dư hóa chất trong thịt và thực phẩm tươi sống (trong đó có thủy sản) cũng đang có xu hướng gia tăng. Giai đoạn 2007-2008 là 6,39 phần trăm (đặc biệt với 2.275 mẫu kiểm tra ở 19 tỉnh trong năm 2008, số mẫu thịt và sản phẩm thịt tươi sống có tồn dư hóa chất chiếm 11,08 phần trăm là cao nhất trong năm năm gần đây).

Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số 116 ca tử vong do ngộ độc thực phẩm gây ra trong hai năm 2007 - 2008, tử vong do ăn tại gia đình chiếm 87,1 phần trăm, do ăn tại bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, tại đám cưới, đám giỗ chiếm tổng cộng 5,1 phần trăm.

Đánh giá về chất lượng VSATTP, cơ quan giám sát cho biết, đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu kiểm tra an toàn thực phẩm rất phức tạp. Hiện mới chỉ kiểm soát được đối với thực phẩm xuất nhập khẩu theo đường chính ngạch. Nhưng việc kiểm tra thực tế mới chỉ đạt được đối với thực phẩm tập kết về địa bàn tỉnh, thành phố chứ không kiểm tra được khi kho tập kết hàng quá xa.

Phạm Tuyên – Nguyễn Tuấn

Orginal Source Hơn 60 triệu người Việt có giun sán

Bài liên quan

©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper