Nguy hiểm tiềm ẩn từ những... thói quen

Có rất nhiều việc chúng ta vẫn thực hiện mỗi ngày để có sức khỏe tốt hơn, sống lâu hơn... nhưng nếu chỉ nhầm lẫn một chút, thiếu hiểu biết một chút, tất cả những việc làm ấy sẽ khiến cho sức khỏe và cuộc sống của chúng ta xấu đi.

Xông hơi nhiều và không đúng cách không có lợi cho sức khỏe.

humbnailID=191270" width=200 border=1 Hyperlink>

Xông hơi nhiều và không đúng cách không có lợi cho sức khỏe.

Tập thể dục không đúng phương pháp

TDTT giúp cơ thể săn chắc, loại bỏ mỡ thừa, phòng và chống các bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp... Những điều này chỉ đạt được khi bạn tập đúng phương pháp và có những hiểu biết đầy đủ về kỹ thuật của các môn thể thao.

Ngược lại, người tập luyện sẽ vấp phải những chấn thương khó lường, hoặc gặp tác dụng ngược như tăng cân (ăn nhiều hơn sau khi tập), viêm khuỷu tay, giãn dây chằng, trẹo khớp (do không khởi động trước khi tập, hoặc thực hiện sai động tác), say nắng (do tập vào buổi trưa, trời nắng to), mất nước, mất điện giải (không bù nước trong quá trình tập), đột quỵ (do tập quá sức, hoặc do mắc các bệnh như tim mạch, tăng huyết áp)...

Để việc tập luyện TDTT thực sự hiệu quả và mang lại lợi ích cho sức khoẻ, bạn cần lưu ý:

Trước khi quyết định chơi một môn thể thao nào cần phải nắm được tình trạng sức khỏe của mình (tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập).

Thời gian tập, khối lượng cũng như độ khó của môn thể thao tùy thuộc vào tuổi tác và sức khỏe.

Lựa chọn trang phục và dụng cụ tập luyện phù hợp.

Trước khi tập, cần khởi động cẩn thận. Sau khi tập, cần thả lỏng để cơ thể dần dần hồi phục lại bình thường.

Cần lưu ý đến môi trường tập và đừng quên việc bù nước, có chế độ dinh dưỡng phù hợp với chế độ tập luyện.

Lạm dụng xông hơi - massage

Xông hơi giúp đuổi tà khí, tăng lưu lượng tuần hoàn, thải độc tố, phân hủy một lượng mỡ nhất định, sưởi ấm cơ thể, có lợi cho đường hô hấp trên; giúp cơ thể hết cảm giác đau mỏi, khó chịu do căng thẳng, mệt mỏi.

Massage làm giãn nở mạch máu, làm sạch các lớp sừng hóa trên bề mặt da, điều hòa chức năng bài tiết mồ hôi, tuyến nhờn, tăng cường dinh dưỡng cho da, giúp da được mịn màng, hồng hào hơn...

Lợi ích của xông hơi - massage là thế, nhưng nếu lạm dụng, hoặc thực hiện sai các thao tác thì lợi bất cập hại.

Chẳng hạn, sau khi xông hơi, nếu tắm ngay sẽ làm các lỗ chân lông vừa nở ra đã co bít lại, giữ nước gây ứ trệ, máu huyết giảm lưu thông, khiến đau nhức cơ thể và có thể bị cảm nhiễm, đặc biệt là tạng phổi, tiêu hóa kém...

Hoặc vừa ăn no, bị rối loạn tim mạch, mắc các bệnh ngoài da, phụ nữ có thai... lại đi xông hơi - massage sẽ vô cùng tổn hại sức khỏe.

Để xông hơi - massage thực sự có ích cho sức khỏe, chúng ta cần lưu ý:

Không xông hơi liên tục.

Trước khi xông hơi phải vệ sinh cơ thể thật sạch, sau khi xông hơi nóng xong thì lau người bằng khăn khô rồi mới lên bàn massage.

Không nên đứng lên trên và dùng gót hay các đầu ngón chân để đạp, ấn toàn lực trên các đốt sống lưng, thắt lưng, cổ khi massage vì có thể làm sai khớp, trượt khớp rất nguy hiểm.

Uống quá nhiều nước

Uống không đủ nước, chức năng của tế bào và các cơ quan sẽ rối loạn. Những người thường xuyên uống không đủ nước da thường khô, tóc dễ gãy, mệt mỏi, đau đầu, táo bón, hình thành sỏi ở thận và túi mật.

Nước đúng là có vai trò đặc biệt quan trọng với cơ thể, nhưng nếu uống quá nhiều, tới 4-5 lít/ngày thì lại gây quá tải cho thận. Kèm theo việc thải các sản phẩm chuyển hóa, các chất độc hại, cơ thể còn thải các dưỡng chất và nguyên tố vi lượng khi lượng nước đưa vào quá lớn. Những người bị tăng huyết áp uống nhiều nước rất nguy hiểm.

Uống nước như thế nào là phù hợp?

Trong điều kiện bình thường, mỗi ngày cơ thể cần khoảng 40ml nước trên 1kg cân nặng. Những ngày nóng bức, lao động thể lực hay tập TDTT, khi sốt, cho con bú... nhu cầu về nước tăng lên.

Khi uống nước, nên uống từ từ, từng ngụm nhỏ, mỗi lần không nên quá 150-200ml. Trước và sau bữa ăn từ 15-40 phút, không nên uống nước để tránh pha loãng hoặc giảm hoạt tính các men tiêu hóa.

Xỉa răng bằng tăm

Sau bữa ăn, rất nhiều người Việt Nam có thói quen dùng tăm để làm sạch răng. Tuy có lấy được các thức ăn thừa, nhưng động tác "xỉa", đặc biệt là xuyên tăm qua kẽ răng, có thể làm mòn răng, nới rộng kẽ răng tạo "cơ hội" mắc thức ăn nhiều và dễ dàng hơn.

Đó là chưa kể có khi tăm gãy kẹt trong túi nha chu, cắm vào lợi, kẹt trong xương ổ răng gây nhiễm khuẩn.

Để làm sạch răng, tốt nhất là nên dùng bàn chải và chỉ tơ nha khoa.

Quên giặt khẩu trang

Môi trường ngày càng ô nhiễm thì chiếc khẩu trang lại càng trở thành vật bất ly thân với nhiều người. Người ta dùng khẩu trang để che gió, che nắng và che bụi, nhưng ít ai biết rằng, loại bụi có kích thước nhỏ hơn 10 micromet và tất cả loại khí độc như benzen, chì, SO2, CO... dễ dàng hạ gục những chiếc khẩu trang chỉ có hai lớp vải đơn thuần.

Bên cạnh đó, với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, khẩu trang sau khi dùng rất dễ bị ẩm, mốc, là nơi dễ tích tụ nhiều loại bụi, khí, chất độc hại, trở thành ổ vi khuẩn vô cùng nguy hiểm nếu bạn không giặt chúng thường xuyên.

Để bảo đảm sức khỏe, tốt nhất là sử dụng khẩu trang than hoạt tính hoặc các loại khẩu trang đặc hiệu diệt khuẩn.

Đội mũ bảo hiểm khi đầu ướt

Mũ bảo hiểm thường kín, với lớp xốp và lớp nỉ rất dễ bám bụi, vì thế, nếu sử dụng mũ bảo hiểm không hợp lý, bạn sẽ dễ mắc các bệnh ngoài da như nấm da, rụng tóc...

Việc đội mũ bảo hiểm thường xuyên mỗi ngày dễ tăng tiết bã nhờn, tăng tình trạng đổ mồ hôi và đây chính là điều kiện cho gàu và nấm da đầu phát triển.

Nếu bệnh nhân có bệnh viêm nang lông, vẩy nến, á sừng thì việc đội mũ bảo hiểm sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, gây ngứa da đầu thường xuyên, rất bất tiện trong sinh hoạt thường ngày. Chưa kể, đối với những bệnh nhân có cơ địa dị ứng thì sẽ bị nổi mẩn đỏ vùng trán và vùng cằm do tiếp xúc với quai mũ.

Để chiếc mũ bảo hiểm trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy trên mỗi nẻo đường, chúng ta cần chú trọng đến khâu vệ sinh mũ bảo hiểm. Nên thường xuyên giặt lớp nỉ lót phía trong mũ. Nên để mũ ở nơi thoáng gió và ít bụi. Tuyệt đối không đội mũ bảo hiểm khi đầu còn ướt, vì rất dễ dẫn tới nấm da đầu.

Theo BS. Nguyễn Thanh Xuân
Sức khỏe & Đời sống

Orginal Source Nguy hiểm tiềm ẩn từ những... thói quen

Bài liên quan