Tết: Phòng ngừa tiêu chảy, béo phì, suy dinh dưỡng ở trẻ

Nhiệt độ trong những ngày Tết thường cao vì vậy đồ ăn rất dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản kỹ. Những loại bánh, mứt do có độ ngọt cao sẽ là môi trường thuận lợi cho những loại vi trùng như E.coli, Shigella... phát triển.

Đó là nguyên nhân làm số trẻ mắc bệnh tiêu chảy thường tăng cao trong dịp Tết. Bác sĩ Trần Hữu Nhơn, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, đã cho biết như vậy.

Theo bác sĩ Nhơn, bệnh tiêu chảy thường khởi phát đột ngột, thường kèm theo ói, mửa, sau đó là tiêu chảy, đôi khi có đàm máu. Trẻ bị sốt cao, đau bụng, giảm cân, bụng đầy hơi. Mắc bệnh này trẻ bị sụt cân, mất sức nhanh. Khi trẻ bị tiêu chảy do bất cứ nguyên nhân gì thì cũng nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng lưu ý nên chọn mua những loại bánh, mứt của những cơ sở sản xuất có uy tín, chất lượng, bảo đảm vệ sinh.

Trong những ngày Tết các bậc cha mẹ thường bận tiếp khách, đi chúc Tết... nên ít có thời gian chăm sóc trẻ. Nhân cơ hội này trẻ hay quậy phá, nhiều trẻ ở các vùng ngoại thành hay đi phá cây, bị côn trùng đốt. Cũng trong dịp Tết năm trước, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phải cấp cứu cho một số cháu bé bị o­ng đốt, sau đó dẫn tới suy thận. Không ít những trường hợp trẻ đã lấy nhầm dầu hôi được đóng vào chai nước suối uống hoặc trẻ lấy thuốc uống ra ăn vì lầm tưởng là kẹo... Từ những trường hợp cụ thể thường xảy ra ở các Tết năm trước, bác sĩ Nhơn khuyên các bậc cha mẹ nên cất những đồ vật có thể gây nguy hiểm ở nơi xa tầm tay của trẻ.

Một số bậc cha mẹ vì chiều theo ý thích của trẻ đã cho con đứng trên yên xe khi đang chạy xe gắn máy. Điều này rất nguy hiểm. Nhiều bác sĩ còn nhớ đến cái chết thương tâm của một cháu bé bị chấn thương sọ não do cũng đứng khi xe đang chạy. Bố mẹ cháu kể lại khi đang chạy xe gắn máy bất ngờ một chiếc taxi mở cánh cửa khiến cháu bé bị té xuống đường.

Năm nay, nước ta mới phát hành tiền xu, với kích thước nhỏ như một miếng bánh nhỏ trẻ dễ đưa vào miệng. Vì vậy, không nên cho trẻ chơi những đồng tiền này và cũng không nên lì xì tiền xu cho trẻ quá nhỏ.

Sau nhiều năm làm việc tại Khoa Dinh dưỡng, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, nhận xét: Nếu không dành thời gian chăm sóc trẻ thì Tết chính là dịp để trẻ béo phì càng béo phì thêm và trẻ bị suy dinh dưỡng lại càng ốm đi. Những ngày Tết thời gian ăn uống bị đảo lộn. Người lớn bận đi chúc Tết, có người tranh thủ buôn bán trong mấy ngày Tết, trẻ được nghỉ học, mải mê chơi... Nhân lúc bố mẹ bận bịu chúc Tết, sẵn đồ ăn, trẻ đã béo phì lại có cơ hội được ăn thỏa thích. Còn trẻ suy dinh dưỡng vốn dĩ đã lười ăn nay ít ai nhắc nhở nên chúng lại bỏ ăn luôn. Bác sĩ Hoa khuyên: Các bà mẹ có con dưới 2 tuổi, khi cho con đi chơi xa nhớ mang theo một số đồ ăn sẵn, không cần bảo quản tủ lạnh như sữa hộp, yaourt để cho trẻ ăn đúng bữa. Đối với trẻ lớn vẫn phải nhắc nhở ăn đúng giờ, không để cho trẻ béo phì ăn tràn lan. Trẻ suy dinh dưỡng cần duy trì chế độ ăn hằng ngày bằng cách thay vào đó thức ăn bình thường ngày tết có giá trị tương đương như cơm, miến, bánh canh, bánh tét. Nên cho trẻ ăn tăng cường trái cây trong dịp Tết.

Bài liên quan

©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper