1. Cần chú ý không để nước lọt vào tai, nhất là những người đang bị viêm nhiễm bên trong lỗ tai.
Bạn có thể ngăn nước vào tai bằng cách dùng bông tẩm vaselin bịt tai; hoặc dùng mũ nilon bịt đầu (trùm tai); hoặc nút bịt lỗ tai khi bơi lặn.
Khi tắm, nếu nước vào tai thì cần nghiêng đầu, tay kéo tai và nhảy dậm chân vài lần cho nước chảy ngược ra; tuyệt đối không ngoáy tai.
2. Khi bị viêm mũi do cảm cúm hoặc dị ứng, viêm xoang cần điều trị tích cực cho mau khỏi, vì viêm mũi mãn tính có thể lây bệnh sang vùng tai gây viêm tai giữa, thậm chí gây viêm dây thần kinh tai, ảnh hưởng tới thính lực.
Ngoài ra, bạn không nên xỉ mũi quá mạnh khi bị viêm mũi, vì vi khuẩn sẽ từ khoang mũi dễ lây nhiễm sang vùng tai giữa; đồng thời khi có vấn đề về tai, bạn không nên bơi, lặn, đi lại nhiều bằng máy bay, thang máy vì những hoạt động này có thể khiến bạn bị ù tai, chóng mặt, hoa mắt.
3. Cần phải thận trọng đừng để xảy ra tai nạn, nguy hiểm đối với vùng tai; cố gắng tránh bị lực tác động mạnh đến khu vực tai hoặc lân cận vì có thể bị thủng màng nhĩ, chảy máu tai, dịch tủy chảy ra dằng tai, xương tai bị biến dạng... dẫn đến giảm thính lực.
4. Một số bệnh, nhất là những bệnh liên quan đến đường máu nuôi tai có thể làm cho dây thần kinh tai bị suy giảm chức năng khiến cho tai ù hoặc bị điếc.
Vì thế bạn cần chú ý điều trị tích cực các bệnh loại này như bệnh cảm cúm, sởi, quai bị, tiểu đường, bệnh thận, máu nhiễm mỡ, cao huyết áp, bệnh gút, bệnh thiếu máu...
Đồng thời, cần chú ý một số yếu tố có thể làm cho dây thần kinh tai bị suy giảm sớm hơn bình thường như sự căng thẳng, lo lắng, nghỉ ngơi không đủ thời lượng, hút thuốc lá, ăn nhiều thức ăn mặn, uống nhiều cà phê, trà, nước giải khát có ga...
Bạn cũng cần thường xuyên tập thể dục để máu lưu thông nuôi dây thần kinh tai.
5. Phải tránh tiếp xúc với tiếng ồn ào trong thời gian dài (như tiếng nhạc tại các tụ điểm giải trí, tiếng ồn trong các nhà máy...); hoặc tiếng động cường độ quá mạnh trong thời gian ngắn (như tiếng súng, tiếng pháo nổ...), vì loại âm thanh này làm suy giảm thần kinh tai; trường hợp không tránh được, bạn nên dùng dụng cụ nút tai hoặc che tai để giảm bớt tiếng ồn.
6. Trước khi dùng các loại thuốc, dù là thuốc tiêm, thuốc uống hay thuốc nhỏ tai, bạn luôn phải tham khảo ý kiến bác sỹ, vì một số loại thuốc như kháng sinh (aminoglycoside), giảm đau (aspirin) hoặc một số thuốc nhuận tràng... có thể gây hại cho thần kinh tai và thần kinh tiền đình; bệnh nhân có thể bị phản ứng với thuốc.
7. Ráy tai là chất tự nhiên do cơ thể sinh ra để giữ độ ẩm, chống nhiễm khuẩn cho vùng tai ngoài và ngăn ngừa vật lạ lọt vào lỗ tai.
Thông thường, ráy tai tự "tiêu" khỏi lỗ tai, không cần phải ngoáy tai. Nhưng nếu ráy tai quá nhiều có thể khiến bị ù tai thì cần đi khám bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng.
Đôi khi một số người có ráy tai ướt và nhiều quá thì có thể dùng thuốc nhỏ tai cho ráy tai tan ra để thông lỗ tai (nhỏ tai mỗi tuần 1 lần hoặc thưa hơn).
Bạn có thể làm vệ sinh tai bằng cách dùng tăm bông thấm nước sạch ngoáy nhẹ ở vùng tai ngoài, nhưng không được ngoáy sâu vào bên trong lỗ tai.
8. Khi gặp các triệu chứng bất thường như ù tai, có tiếng ong ong trong tai, chóng mặt, hoa mắt, có mủ từ tai chảy ra, ngứa tai, sưng tai, nửa mặt bị tê liệt thì bạn phải mau chóng đi khám bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng để có phác đồ điều trị tích cực.
Trần Thùy Dương
Theo Neona - 1/2010