Thuốc hạ sốt - giảm đau - chống viêm có rất nhiều loại và được xếp vào 9 nhóm chính, trong đó nhóm hạ sốt giảm đau (không có tác dụng chống viêm) gồm 2 nhóm chính:
1- Nhóm Noramidopyrin: Analgin, Pyramidon, Antypyrin, Optalgin, Algopyrin...
2- Nhóm Phenacetin: Andol, Pananol, Efferalgan, Paracetamol, Decolgen...
Đau và viêm là do rất nhiều nguyên nhân gây ra, cần tìm đúng nguyên nhân để chữa trị. Nhưng phần lớn người bệnh chỉ muốn chữa triệu chứng sốt và đau mà không chú ý đến những tác động có hại của nó như việc dùng thuốc giảm đau đôi khi làm che lấp mất bệnh cảnh chính của bệnh nên dễ bị bỏ qua và khi y tế can thiệp thì đã quá muộn.
Bản chất của những thuốc này là ức chế việc sản sinh Prostagladin nên nó cũng làm tăng tiết dịch vị, giảm tiết các chất nhờn để bảo vệ niêm mạc dạ dày và giảm lượng máu đến nuôi dưỡng lớp niêm mạc. Do vậy, thuốc dễ làm cho viêm loét và nếu đã có tổn thương thì rất khó có khả năng hồi phục. Theo FDA, ở Mỹ mỗi năm có 2 - 4% số người dùng các thuốc giảm đau bị chảy máu dạ dày - ruột và 15% khác có chảy máu vi thể không nhìn thấy, chỉ phát hiện được qua xét nghiệm phân hay nội soi. Không chỉ tác động trên dạ dày, thuốc ức chế Prostagladin còn làm giảm lượng máu qua thận, giảm lọc gây phù ngoại vi và suy thận (0,09%), làm tăng huyết áp, dị ứng (0,11%), làm tăng men gan, gây bệnh trầm cảm ở nhiều người, tăng chảy máu các vết mổ (1,04%) và làm khởi phát cơn khó thở ở những người vốn có hen suyễn hay gây tắc nghẽn mạn tính ở phổi.
Aspirin - thuốc chống viêm giảm đau kinh điển hiện được khuyến cáo nên dùng với tác dụng chống huyết tắc do xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não... Nhưng viên trần chỉ nên uống sau khi ăn no để tránh tác dụng bất lợi lên dạ dày. Viên Aspirin pH8 do có lớp màng phim bao bọc chỉ tan ở ruột nên có thể uống bất cứ lúc nào và không được bẻ đôi ra vì sẽ làm mất tác dụng của lớp bảo vệ, cần uống lúc dạ dày trống có khi còn giúp thuốc hấp thu được nhanh hơn.
Paracetamol là tác nhân gây độc cho gan hiển nhiên nhưng sẽ trở thành quá liều và gây độc hơn (bệnh não do gan, suy thận) khi dùng chung với nhóm Diazepam (Valium) trong khi đó nhóm thuốc phiện sẽ làm giảm tác dụng của Paracetamol. Paracetamol phối hợp với Aspirin có thể gây tử vong. Tại Mỹ, mỗi năm có 56.000 trường hợp phải đi cấp cứu và 450 người tử vong do loại thuốc này.
Các thuốc chống viêm - giảm đau có tác dụng phần nào bảo vệ và chống ung thư tuyến tiền liệt, tử cung, đại tràng... nhưng lại một phần làm chậm quá trình hồi phục xương.
Các loại thuốc có Noramidopyrin (Analgin. Pyramidon, Antypyrin, Optalgin, Ophtalidon...) có tỷ lệ rất cao gây dị ứng, độc gan, tan máu, mất bạch cầu và có thể gây quái thai đã được khuyến cáo là không nên dùng. Không nên dùng hoặc dùng rất hạn chế, thận trọng trong những trường hợp có viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan mức độ vừa, suy thận và đang có thai.
Hiện nay ngành dược phẩm thế giới đang cố tìm ra những loại thuốc giảm đau chống viêm mới chỉ có tác dụng làm giảm đau (do tác động trên COX-2) chứ không ảnh hưởng gì đến việc bảo vệ niêm mạc dạ dày (do COX-1). Những tên thuốc thuộc các dòng mới NIMESULID (Nilide), ROFECOXIB (Vioxx), CELECOXIB (Celebrex) đang bắt đầu được thử nghiệm trên lâm sàng. Tuy nhiên, giá thành hiện nay hơi đắt và vẫn còn những tác dụng phụ giữ nước, tăng huyết áp, tiêu chảy, suy gan...
Như vậy, không phải trường hợp nào cũng dùng Paracetamol hay các thuốc giảm đau, hạ sốt tùy tiện. Vì nó còn tùy thuộc vào thể trạng bạn đang có bệnh gì, có tương tác hay dị ứng với thuốc nào hay không, mà những điều đó chỉ có bác sĩ mới trả lời chính xác.
Để an toàn hơn cho chính bạn, mỗi khi trục trặc về sức khỏe bạn nên đi khám bệnh và uống thuốc có sự chỉ dẫn của bác sĩ, đừng tự mua hay tự dùng thuốc vì bạn sẽ tự hại mình khi thiếu hiểu biết.