BS Edward O. Bixler và cộng sự tại trường ĐH Pennsylvania đã nghiên cứu về chứng ngáy khi ngủ trên 741 người đàn ông và 1000 phụ nữ, tuổi từ 20 tới 100 tuổi. Nhóm nghiên cứu nhận thấy chỉ riêng chứng ngáy khi ngủ cũng đủ làm tăng nguy cơ cao huyết áp lên gấp rưỡi so với người ngủ không ngáy. Dù là người trẻ tuổi mà ngáy khi ngủ, thì vẫn có nguy cơ cao huyết áp và bị các bệnh lý tim mạch. Ngáy to lại hay đi kèm với chứng ngừng thở (tạm thời) khi ngủ, và là một bệnh lý không thể coi thường.
Ngáy to và ngưng thở khi ngủ:Nếu ngáy nhỏ và đều đặn thì có thể không ảnh hưởng tới sức khoẻ, chỉ gây ảnh hưởng cho bạn ngủ cùng phòng thôi. Nhưng nếu ngáy rất to, kèm những quãng ngừng thở, thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ. Chứng bệnh này người ta gọi là ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn (obstructive sleep apnea). Hãy lưu ý nếu có người nào đó nói cho bạn biết là người ta thấy bạn ngáy rất to, đến nỗi ở phòng bên cũng nghe thấy, rồi đột ngột bạn ngưng thở, có khi đến nỗi người ta phát hoảng, rồi lại thấy bạn thở trở lại, kèm ngáy hoặc tiếng nuốt hay tiếng thở nấc nghẹn. Thông thường, người bạn đời của bạn sẽ báo cho bạn về chứng ngừng thở khi ngủ của bạn. Có một số nguyên nhân gây chứng ngừng thở khi ngủ, nhưng thông thường nhất là do tắc nghẽn.
Vì sao ngáy và ngừng thở khi ngủ:Theo một nghiên cứu tại bệnh viện MayoClinic, chứng ngừng thở khi ngủ thấy có ở 4% phụ nữ và 9% đàn ông ở lứa tuổi từ 30 tới 60. Người mập thì dễ bị hơn. Có một số người, kể cả trẻ em, bị chứng bệnh này do sưng to amidan. Ở họng, có các cơ nâng đỡ những phần mềm xung quanh đường thở. Những phần mềm đó là vòm miệng mềm, lưỡi gà, amidan và lưỡi. Khi ngủ, các cơ này giãn ra, làm hẹp đường thở của bạn, gây ra tiếng ngáy, thậm chí làm tắc đường thở, gây ngưng thở. Nồng độ ô xy trong máu khi ấy sẽ giảm xuống, não của bạn nhận cảm được điều đó và “khua” cho bạn tỉnh lại chút ít. Các cơ ở họng được “đánh thức dậy” và đường thở lại được thông suốt. Bạn lại thở lại, rồ lại ngáy trở lại. Một lúc sau, khi giấc ngủ sâu hơn, các cơ lại giãn hơn nữa, lại ngưng thở tiếp. Quá trình cứ thế lặp đi lặp lại trong suốt thời gian ngủ của bạn. Có một số người đang ngủ chợt thức giấc và nghe thấy được tiếng ngáy của mình. Một số ít thậm chí còn nhận thấy mình vừa tạm ngưng thở. Nhưng đa số không tự biết được chứng bệnh này của mình, dù có thể suốt đêm bị lặp đi lặp lại, mỗi tiếng 10 lần hoặc nhiều hơn nữa.
Tác hại của chứng ngáy to và ngừng thở khi ngủ:Chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn được coi là một bệnh lý nguy hiểm, vì nó làm giảm đột ngột lượng ô xy trong máu. Khi ô xy trong máu giảm đột ngột, thì huyết áp tăng lên và tạo ra gánh nặng cho hệ tim mạch. Khoảng một nửa số người bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn này sẽ mắc bệnh cao huyết áp, mà cao huyết áp thì lại gây các cơn đột quỵ (tai biến mạch máu não) và suy tim.
Chứng ngừng thở khi ngủ làm cho người ta không thể ngủ ngon bình thường được, vì não bộ bị đánh thức lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm, dù chính người bệnh có khi không cảm nhận được. Do vậy ban ngày sẽ bị ngủ gà, mệt mỏi và dễ bị kích thích. Bệnh nhân tỉnh dậy với cảm giác đau đầu, khó tập trung tư tưởng, giảm ham muốn tình dục. Nhiều khi người bệnh tự thấy mình ngủ thiếp đi trong lúc đang xem truyền hình, hoặc thậm chí khi đang lái xe. Người bị chứng ngừng thở khi ngủ bị tai nạn giao thông nhiều hơn người bình thường gấp 3-5 lần.
Người bị chứng bệnh này thường mập hơn bình thường, vùng cổ mập to (“cổ nọng mỡ”, “hai cằm”) sẽ đè nặng lên đường thở khi nằm ngủ. Khi ngủ, bệnh nhân thường thở bằng miệng do mũi bị nghẹt, nên sáng dậy thấy khô và đau trong miệng. Bất kỳ nguyên nhân nào làm hẹp thêm thành sau của họng, ví dụ sưng amidan hoặc viêm hạch, đều làm tăng chứng ngừng thở khi ngủ.
Điều trị:Nếu chỉ bị bệnh nhẹ, nên tự chữa như sau:
- Giảm cân nặng.
- Tập thể dục đều đặn.
- Tránh uống rượu và các thuốc có tính chất an thần hay gây ngủ, vì rượu và các thuốc này gây giãn các cơ ở thành sau họng.
- Khi ngủ nên nằm nghiêng hoặc nằm sấp, tránh nằm ngửa. Nếu nằm ngửa, lưỡi và vòm miệng mềm khi giãn ra sẽ tụt xuống thành sau họng và che lấp đường thở.
- Nên dùng thuốc làm thông mũi khi ngủ, hoặc thăm khám BS Tai Mũi Họng, để chữa các bệnh trong mũi. Nghẹt mũi làm tăng chứng ngáy to và dễ gây ngừng thở khi ngủ.
Nếu bị bệnh mức độ trung bình hay nặng: ở nước ngoài người ta dùng 1 dụng cụ trông như cái mặt nạ lắp vừa khít trên mũi. Dụng cụ này đẩy không khí vào qua mũi và giữ cho đường thở được thông trong lúc đang ngủ. Dụng cụ này rất tốt nhưng khá bất tiện. Cũng còn có dụng cụ nha khoa lắp vào miệng, làm cho hàm bị đẩy ra trước, nhằm mở rộng họng. Người ta cũng còn phẫu thuật để mở thông đường mũi, hoặc làm rộng thành sau của họng. Những trường hợp quá nặng, thậm chí người ta còn mở khí quản (mổ và đặt một ống thông trực tiếp vào khí quản ở cổ).
TS Nguyễn Hữu Công (BV 175 và BV Chợ rẫy)