Quá mẫn

Quá mẫn là một dạng phản ứng dị ứng tiềm tàng và nặng nề có thể đe dọa mạng sống của bạn mà các dị ứng nguyên lại hết sức gần gũi, như nọc côn trùng, nhựa cây, thực phẩm và thuốc men...Một đáp ứng quá mẫn xảy ra rất nhanh chóng, thường chỉ vài giây đến vài phút sau khi tiếp xúc với dị ứng nguyên.

Quá mẫn là dạng phản ứng dị ứng nặng nề nhất, nhưng hiếm gặp. Tuy vậy hiện nay ở nước ta hàng năm vẫn còn hàng trăm người chết vì sốc do quá mẫn.

Triệu chứng

Quá mẫn là một phản ứng đáp ứng toàn thân, nghĩa là nó không giới hạn ở nơi nào trong cơ thể. Bạn có thể nghi ngờ quá mẫn khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng sau đây xảy ra chỉ vài phút sau khi bạn bị côn trùng đốt, ăn các thực phẩm đặc biệt có khả năng gây dị ứng, hay mới vừa sử dụng một loại thuốc mới:

  • Co thắt đường thở, căng phồng vùng cổ họng do thở khó.
  • Sốc, tụt huyết áp.
  • Mạch nhanh, nhẹ, khó bắt.
  • Choáng, ngất.
  • Phát ban và nổi mẩn ở da (do phù mạch).
  • Da đỏ và ngứa.
  • Sưng phồng môi, lưỡi.
  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

Nguyên nhân

Nhiều dị ứng nguyên gây quá mẫn. Thường gặp gồm:

  • Thuốc (như penicilline)
  • Thực phẩm, như đậu phộng, các loài động vật có vỏ (như nghêu, sò, trai, ốc,...), cà chua, dâu tây,...
  • Nọc độc côn trùng như nhện độc, kiến lửa, o­ng,...
  • Nhựa cây.
  • Phấn hoa rất hiếm khi gây đáp ứng quá mẫn.

Yếu tố nguy cơ

Quá mẫn không phải là thường gặp, nhưng nếu bạn có tiền căn bị dị ứng thì nguy cơ bị phản ứng quá mẫn của bạn cao hơn. Những phản ứng quá mẫn xảy ra lần đầu cũng hết sức quan trọng cho những lần kế tiếp.

Điều trị

Thuốc điều trị quá mẫn phổ biến nhất là adrenalin (epinephrine). Trường hợp bạn là người có nguy cơ cao bị quá mẫn, bạn nên mang theo thuốc này thường xuyên, và cũng nên biết cách sử dụng ống tiêm (theo sự hướng dẫn của y bác sĩ) để có thể kịp thời sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Công việc cấp cứu người bị sốc quá mẫn thường ưu tiên thứ nhất là giữ thông đường thở: hô hấp nhân tạo, hút đàm tắc, đặt nội khí quản hay mở khí quản tùy từng trường hợp cụ thể. Để hỗ trợ cho việc đặt nội khí quản và khai thông đường thở, tránh co thắt dây thanh hay giảm xuất tiết, bác sĩ thường dùng thêm các thuốc kháng histamine, cortisone,...

Một số dấu hiệu báo hiệu có thể vào sốc trên những người có tiền căn dị ứng như tím tái, ớn lạnh, da đổ mồ hôi lạnh, ẩm, mệt lả, trụy mạch nhanh chóng, khó thở, đồng tử (con ngưoi) dãn, lơ mơ, lo âu,... cần thực hiện các bước sau:

  • Đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp hơn chân.
  • Giữ ấm và giúp người bệnh thoải mái. Cởi bỏ quần áo chật và đắp mền giữ ấm. Không cho bệnh nhân uống thêm bất cứ thứ gì khác.
  • Đặt bệnh nhân nằm nghiêng nếu có ói để tránh tắc đường thở.
  • Gọi 115 kêu xe cấp cứu.

Phòng ngừa

Cách tốt nhất là bạn nên tránh những chất có khả năng gây quá mẫn. Bạn có thể theo những bước sau:

  • Mang theo người (vòng cổ hay vòng đeo tay) có ghi chú bạn hay bị dị ứng hay tiền căn quá mẫn với những chất nào, thuốc gì,...để trong trường hợp khẩn cấp chúng có thể hỗ trợ cho thầy thuốc tìm ra nguyên nhân hay tránh dùng những thuốc có thể gây sốc.
  • Báo trước cho thầy thuốc những thuốc nào mình có thể bị dị ứng.
  • Nếu bạn là người hay bị dị ứng, nên có tủ thuốc cấp cứu trong nhà, nhất là epinephrine và các ống tiêm chích.
  • Nếu bạn đang ở trong vùng gần côn trùng có nọc độc, nên mặc áo quần dài, màu sậm, không nên dùng nước hoa, hoạt động và tránh khỏi nơi chúng ở nhẹ nhàng, tránh kích động chúng,...
  • Đọc nhãn thực phẩm và hỏi thành phần của thức ăn trong nhà hàng,...

Bài liên quan

Viêm phế quản mạn tính
Viêm khớp
Viêm mũi dị ứng
Viêm gan
©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper