Không thể kềm chế được việc bài tiết

Bệnh này tiếng Anh-Mỹ gọi là "incontinence", nôm na là một trạng thái không thể kiềm chế được việc tiêu tiểu. Thật ra, không nên gọi đó là bệnh, vì ai trong chúng ta cũng có nhu cầu này. Hãy nhớ lại lần cuối cùng bạn bị... "Tào Tháo rượt", có phải cũng gần đến mức không kiềm chế nổi rồi không? Những người bị chứng này cũng vậy, chỉ có điều hơi khác là sự kiềm chế của họ quá yếu mà thôi.

Chứng này xuất hiện nhiều ở trẻ em, cũng thường xảy ra với người già, nhưng không có nghĩa là nó bỏ sót tất cả những người trẻ tuổi khỏe mạnh.
Các bác sĩ xem chuyện này như một hiện tượng tự nhiên phải có. Nhiều ông lại đổ thừa cho con người tự làm cho rắc rối cuộc đời. Tại sao phải cố nín? Phải chăng chỉ vì người ta xấu hổ mà thôi?

Khi còn nhỏ, mỗi lần "đái dầm" hay "bĩnh ra quần", bạn thường bị đòn, bị mắng, hoặc ít nhất cũng bị trách nhẹ. Lớn lên, khi gia nhập vào tập thể, bạn thấy đó là một hành động thiếu lịch sự. Dần dà, bạn tạo thành thói quen tự kềm chế, và chỉ làm hành động bài tiết khi nào thời gian, không gian cho phép mà thôi.

Vâng, nếu áp lực gia đình, áp lực xã hội khiến bạn có thể "kềm chế" được thì bệnh này đâu có gì khó trị. Một người chỉ cần có một ý chí đủ mạnh, một chút kiến thức về y học (mà bạn sẽ có sau khi đọc qua những phương pháp bên dưới) là có thể thực hiện hành động "kiềm chế" này không mấy khó khăn.

Những loại thực phẩm cần tránh
Tuy cơ thể mỗi người có phản ứng khác nhau trên từng loại thực phẩm, nhưng không ít thì nhiều, việc bài tiết của hầu hết mọi người đều bị kích thích với các loại sau: rượu, cà phê và nước trái bưởi. Việc hút thuốc cũng có tác dụng ăn mòn thành của bàng quang, khiến ta dễ mắc tiểu hơn.

Giảm cân
Tuy chưa có những tài liệu chính thức chứng minh rằng việc giảm cân có thể tăng khả năng kiềm chế chứng nhạy bài tiết này, nhưng kinh nghiệm từ rất nhiều người cho biết rằng sau khi giảm cân, họ có khả năng kiềm chế mạnh hơn.

Luyện tập khả năng kiềm chế của các cơ
Phương pháp này được bác sĩ Arnold Kegel đề ra vào cuối thập niên 1940 với mục đích tập cho phụ nữ tự kiềm chế trong và sau thời kỳ mang thai. Qua mấy mươi năm được áp dụng và kiểm chứng liên tục, ngày nay, người ta đã công nhận nó là một trong những phương pháp tốt nhất giúp cho mọi người chống lại chứng này, bất kể nam hay nữ, già hay trẻ.

Phương pháp thực tập:
- Hãy để mọi bắp thịt khác trong người bạn thư thả, không dùng chút sức lực nào trên những bắp thịt này.
- Tập trung sức lực vào cơ tại hậu môn, đóng cơ này lại (bạn có thể tưởng tượng lại cảm giác lúc muốn đại tiện, và dùng cơ hậu môn kiềm chế lại).
- Lúc đang đi tiểu, hãy dùng sức của cơ ống tiểu ngắt dòng nước tiểu lại, khi nước tiểu ngưng, thả ra cho chảy tiếp, rồi lại ngắt lần nữa. Làm như vậy nhiều lần cho đến khi tiểu xong.

Mỗi ngày chừng bốn năm lần, mỗi lần bỏ ra 2 phút, thực tập như trên với cơ hậu môn, rồi đến cơ ống tiểu, rồi trở lại cơ hậu môn... Thực tập như vậy liên tục mỗi ngày trong vòng một tháng. Sau đó, bạn sẽ lại là người bình thường, chứng nhạy bài tiết hoàn toàn không thể làm khó bạn nữa.

Đừng hốt hoảng khi "nó" đến bất chợt
Nên nhớ rằng bạn đã thực tập một tháng, các cơ hậu môn và ống tiểu hoàn toàn do bạn điều khiển. Nếu một lúc bất chợt nào đó, "nó" tự nhiên tấn công, hãy bình tĩnh, vận dụng các cơ của bạn hãm nó lại (và chắc chắn bạn làm được). Chỉ cần thành công một lần, bạn sẽ thành công vĩnh viễn, và những lần sau càng lúc càng khá hơn.

Lập một thời khóa biểu và tạo thành thói quen
"Nó" chỉ đến khi những chỗ chứa trong cơ thể bạn tương đối đầy. Hãy tập một thói quen về bài tiết trong những thời khắc nhất định của một ngày, lúc mà bạn thường phải "chạy" nhất. Nói chung, hãy chặn đầu nó trước khi "nó" có cơ hội tấn công bạn. Giữ thời khóa biểu này vài tuần để cơ thể bạn quen đi, và bạn sẽ không còn bị tấn công bất chợt nữa.

Những lúc ho hoặc chảy mũi
Đây là những lúc "nó" dễ vọt ra nhất. Bình tĩnh, hãy chặn cơn ho hay nhảy mũi lại một giây, vận dụng các cơ của bạn siết chặt lại các nơi bài tiết, rồi mới thả cho cơn ho hoặc chảy mũi được thoải mái. Sự diễn tả này có vẻ hơi rườm rà, nhưng trên thực tế dễ làm hơn nhiều, bạn thử xem.

Hãy làm một quyển "nhật ký ăn uống và bài tiết"
Cơ thể của mỗi con người có phản ứng khác nhau về từng loại thực phẩm, vì thế ngoài các thực phẩm phổ thông, chỉ có bạn mới biết được cơ thể của bạn bị nhạy cảm với loại thức ăn, thức uống nào.

Làm một quyển sổ nhỏ, mỗi ngày ghi lại tất cả những thứ mình ăn uống, vào giờ nào. Đồng thời ghi lại giờ giấc đi tiểu tiện, đại tiện, nhiều hay ít, có phải chạy hay không... Tiếp tục như vậy trong vài tuần. Sau thời gian này hãy mở ra xem lại, bạn sẽ thấy rất rõ ràng loại thức ăn, thức uống nào có ảnh hưởng tệ hại nhất, và đừng tiêu thụ nó nữa.

Bài liên quan

Chứng đau cổ họng
Bệnh cảm
©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper