Vết chích, vết cắn của côn trùng

BỊ MUỖI CHÍCH MÀ KHÔNG SƯNG, KHÔNG NGỨA?

UỐNG SINH TỐ NÀO ĐỂ... KHÔNG BỊ MUỖI CHÍCH?

Ở một thành phố lớn, bạn thường ít phải đối diện với côn trùng. Dần dà, bạn hầu như quên bẵng sự hiện diện của chúng trên thế gian này. Nhưng một lúc nào đó, trong một buổi cắm trại trong rừng, bạn bỗng phải nhận ra mình đang phải đối đầu với từng đàn ruồi, muỗi, o­ng, kiến... đôi khi có cả rắn và bò cạp nữa... Làm thế nào đây? Bạn dư biết bị côn trùng cắn phải có thể bị nọc độc của chúng làm đau nhức, ngứa, và còn có thể bị lây phải một số bệnh truyền nhiễm nữa.

Những mẹo vặt dưới đây được đưa ra do những bác sĩ có nhiều kinh nghiệm với côn trùng sẽ mang lại cho bạn những cách chống đỡ hữu hiệu nhất.

RUỒI MUỖI

Hai loại này có thể mang bệnh truyền nhiễm đến cho bạn, và cũng có thể truyền nọc độc tạo sự ngứa ngáy qua vết chích của chúng. Thường đa số chúng ta nghĩ ruồi không chích, và không ngứa... vì chúng ta chưa từng bị chúng chích. Một số ruồi có khả năng chích và hút máu như muỗi, có những loại ruồi trâu to bằng đầu ngón tay có nọc độc đủ làm trâu bò phải rống lên khi bị chích phải.

Khi bị ruồi muỗi chích, hãy dùng những phương pháp sau đây:

Sát trùng vết chích

Dể tránh bị lây các bệnh truyền nhiễm, bạn nên sát trùng vết chích bằng cách rửa xà bông thật kỹ, sau đó mới thoa alcol hoặc các loại thuốc sát trùng khác có bán tại các nhà thuốc tây.

Làm vết chích không bị sưng hoặc nổi mận.

Nên dùng một viên aspirin nghiền nát, trộn với một vài giọt nước và đắp lên vết chích côn trùng ngay sau khi bị chích, sẽ làm vết chích không bị nổi mận và không bị ngứa. Nếu không có phương tiện nghiền nát viên thuốc, bạn có thể thấm ướt chỗ bị chích, rồi chà viên aspirin lên đó.

Những người bị chứng dị ứng hoặc nhạy cảm với aspirin không nên dùng phương pháp này.

Làm vết chích không bị ngứa.

Vết chích ruồi muỗi nhiều lúc làm bạn bị ngứa trong một hai ngày, và nếu bạn bị nhạy cảm hoặc dị ứng, vết này có thể kéo dài nhiều ngày đông thời sinh ra những biến chứng khác.

Một số phương pháp ngăn ngừa như sau:

Dùng một cục nước đá đặt lên vết chích chừng 5 phút.

Dùng muối ăn trộn với chút nước cho sệt sệt rồi thoa lên vết chích.

Trộn một muỗng cà phê bột nổi (baking soda) vào một ly nước, khuấy đều, sau đó thấm vào một miếng bông gòn hoặc khăn giấy rồi đắp lên vết chích từ mười đến hai mươi phút.

Ngoài những phương pháp trên, bạn có thể xoa dịu vết ngứa bằng thuốc chống dị ứng có đề chữ Antihistamine trên nhân hiệu. Loại này thường dùng trị sổ mũi, nghẹt mũi, bán không cần toa tại bất cứ nhà thuốc tây nào.

Ngừa trước, dùng thuốc thoa chống muỗi.

Có các loại thuốc thoa chống muỗi bán tại nhà thuốc tây hoặc các nơi bán vật dụng cắm trại ngoài trời với giá không mắc lắm. Các thuốc này thường dùng thoa lên khắp người để chống muỗi và các côn trùng khác. Cẩn thận khi thoa thuốc quanh mắt, sẽ rất khó chịu khi thuốc dính vào mắt.

MẸO VẶT

Để chống côn trùng, bạn có thể tìm mua các loại nói trên hoặc một trong những mẹo vặt dưới đây cũng có công hiệu rất tốt, và ít tốn kém hơn.

Uống sinh tố B1.

Sinh tố B1 (Thiamine Hydrochloride) khi uống vào sẽ tiết ra làn da mùi thuốc làm các côn trùng không dám đến gần. Loại này bán tự do ở các tiệm thuốc tây. Dùng theo liều lượng hướng dẫn trên nhãn hiệu.

Pha thuốc tẩy vào nước tắm.

Thuốc tẩy quần áo (chlorine) thường tiết ra mùi làm cho các côn trùng không dám đến gần. Trước khi đi cắm trại, bạn nên ngâm mình khoảng 15 phút trong bồn nước có pha khoảng nửa lon sữa bò thuốc tẩy. Mùi thuốc tẩy này giữ được côn trùng không dám tấn công bạn trong nhiều giờ.

Các hồ bơi thường cũng được sát trùng bằng chlorine, bạn có thể ngâm trong hồ bơi 15 phút trước khi khởi hành chuyến cắm trại ngoài trời của bạn.

Chất kẽm có thể làm da bạn trở nên tường đồng vách sắt.

Việc uống chất kẽm (zinc) với liều lượng 60mg mỗi ngày, sau một tháng, người bạn sẽ có khả năng chống không cho côn trùng đến gần. Nếu tiếp tục uống chất này, bạn không bao giờ còn sợ ruồi muỗi nữa. )

BỌ CHÉT, RẬN...

Các loại bọ chét, chí, rận thường chỉ bám vào thú vật mà ít khi bám vào hút máu người. Nhưng chuyện này vẫn có thể xảy ra nếu bạn thường tiếp xúc với loài vật, hoặc những côn trùng này theo chó mèo vào nhà rồi ở lại trên thảm, quần áo v.v...

Những chỗ đi cắm trại có nhiều cỏ rậm rạp cũng là môi trường sinh sống của côn trùng loại này hoặc những loài tương tự nhưng chỉ chuyên sống trong cỏ. Bạn nên nhớ rằng chúng không biết phân biệt đâu là chó mèo hay người. Khi những con vật này bị đói, chúng sẽ bám vào bất cứ động vật gì có thể hút máu được. Khi bị những côn trùng này cắn, bạn nên:

Lấy chúng ra

Các côn trùng hút máu nhỏ này có hàm răng rất cứng bấu vào da thịt rất bền bỉ. Khi bạn nắm chúng kéo ra, thường chỉ bứt được thân hình của chúng, hàm răng vẫn còn bấu chặt vào da thịt của bạn. Hàm răng này dĩ nhiên không còn hút máu bạn được nữa, nhưng nó có thể gây ra sự nhiễm trùng hoặc những biến chứng tai hại khác. Vì thế, khi bọ chét hay rận, rệp cắn, bạn nên nắm kéo chúng thật từ từ ra khỏi vết cắn. Làm như thế chúng có thì giờ nhả vết cắn ra.

Lửa có tác dụng hữu hiệu nhất trong việc bắt các côn trùng này phải nhả ra. Dùng một cây nhang, một điếu thuốc cháy dở hơ vào chúng, cẩn thận kẻo bị phỏng. Sức nóng sẽ buộc chúng nhả ra và rơi xuống đất.

Bạn cũng có thể dùng các chất như alcol, xăng, dầu nóng... nhỏ một giọt vào chúng, chúng sẽ tự động nhả ra.

Những chất này có tác dụng chậm hơn lửa, và thường cần khoảng 5 phút.

Rửa và sát trùng

Sau khi con vật được lấy ra, hãy rửa chỗ bị cắn bằng xà bông, rồi xức alcol hoặc dầu sát trùng vào chỗ bị cắn.

Bị rận hay rệp cắn cũng gây ngứa hoặc nổi mận như muỗi cắn, có thể dùng những phương pháp chống ngứa và nổi mận trình bày ở phần vết chích ruồi muỗi.

Những biện pháp phòng ngừa

Các loại bọ chét, rận rệp thường hoạt động mạnh vào mùa hè, nhất là khoảng tháng sáu, tháng bảy. Khi bạn đi vào những khu cỏ rậm, cây cối nhiều, nên cẩn thận về chúng.

Một cách rất thực tiễn để thử xem trong một vùng cỏ rậm rạp có bọ chét hay không. Dùng một miếng vải trắng cột vào đầu một sợi dây và kéo miếng vải này qua vùng cỏ bạn nghĩ là có bọ chét. Khi vùng cỏ hay bụi rậm này có sự hiện diện của chúng, chúng sẽ bám vào mảnh vải trắng này. Đây là một trong những phương pháp rất hay để chọn chỗ cắm trại của bạn.

Khi phải sinh hoạt trong một vùng có nhiều bọ chét, dĩ nhiên nên mặc y phục càng kín càng tốt để tránh bị chúng tấn công. Những côn trùng này có hàm răng ngắn nên không thể cắn xuyên qua quần áo như muỗi được. Ngoài ra các mẹo vặt chống côn trùng nói ở phần ruồi muỗi cũng có thể được sử dụng hiệu quả đối với bọ chét và các côn trùng khác.

Lưu ý: Vết cắn của bọ chét rừng nhiều lúc có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như bệnh Ly me, hoặc chứng Rocky Mountain Spotted Fever. Nếu chung quanh vết cắn của bọ chét, rân, rệp... bạn thấy có hiện lên nhiều chấm, mụn nhỏ có khuynh hướng lan rộng ra, hoặc một vòng tròn chung quanh vết cắn. Nên lập tức sát trùng tối đa, và khám bác sĩ ngay sau cuộc cắm trại đó.

Bài liên quan

Chứng đau cổ họng
Bệnh cảm
©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper