Những ngộ nhận tai hại trong giảm cân

Theo bác sĩ Đào Thị Yến Phi, công tác tại Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TP.HCM, trong khi theo đuổi một số phương pháp giảm cân hay điều trị béo phì bằng cách tạo ra một cân bằng năng lượng gồm ăn kiêng, hoạt động thể lực, điều trị thuốc và phẫu thuật..., người ta thường có nhiều ngộ nhận trong lựa chọn và đeo đuổi một biện pháp giảm cân, dinh dưỡng, vận động, can thiệp thẩm mỹ và dùng thuốc giảm cân nào đó.

Nhiều người biết mình thừa cân xoay qua kiêng cữ, mua máy móc dụng cụ giảm mỡ... song cuối cùng cũng than: sao cứ tăng cân! Có quá nhiều ngộ nhận phát phiền vì phát phì...

Những ngộ nhận trong vấn đề dinh dưỡng xảy ra do nhiều người quan niệm để giảm cân nên ăn dầu, không ăn mỡ. Họ quên mất rằng cái chính cần giảm là chất béo nói chung chứ không phải là dầu hay mỡ. Để giảm tích lũy mỡ trong cơ thể không chỉ kiêng ăn mỡ là được mà còn cảnh giác cả trước các chất bột đường, chất đạm... vì nếu dư thừa sẽ được gan chuyển thành mỡ.

Thực phẩm trên nhãn ghi “không có chất cholesterol” cũng không an toàn cho người bị tăng cholesterol trong máu, bởi thành phần có nguồn gốc thực vật mà chứa nhiều acid béo no sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra cholesterol béo no không có lợi cho sức khỏe.

Có người than “ăn bưởi hết trái này sang trái khác mà sao cứ mập?!”. Nếu dùng trái cây nhiều như thơm, bưởi sau bữa ăn thì vẫn làm tăng cân, do chúng chỉ có tác dụng làm giảm cân khi ta dùng nó để thay thế một phần hay cho bữa ăn chính. Còn nếu vẫn ăn uống thoải mái cuối bữa lại thêm trái bưởi thì chính là tăng calo.

Khi thừa cân nên uống sữa. Nghe thì có vẻ nghịch lý nhưng mỗi ly sữa 200ml = 1/2 chén cơm nhưng lại cung cấp đầy đủ các vitamin, khoáng chất, đạm... cần thiết cho cơ thể, có thể thay bữa sáng...

Người khác than “ngày ăn có một bữa tối mà sao cứ mập?”. Ăn càng ít bữa thì không làm giảm cân so với ăn nhiều bữa. Vấn đề ở chỗ: tổng năng lượng nạp vào trong ngày sẽ quyết định sự tăng hay giảm cân chứ không phải số bữa ăn.

Nhiều người cứ mập ra, ốm đi, mập ra... lần sau mập hơn lần trước. Sau khi đã giảm cân, đừng nên ăn uống bình thường như trước trở lại. Cần nhớ tăng cân lần hai dễ hơn tăng lần một và giảm cân lần hai khó hơn giảm cân lần một.

Những ngộ nhận trong vấn đề vận động cũng cần lưu ý. Đó là tập thể dục tay không hiệu quả hơn máy tập đa năng dăm ba phút. Chính cường độ hoạt động của cơ thể và thời gian tập luyện mới đốt cháy năng lượng trong cơ thể chứ không phải cái máy. Càng không thể ngồi yên cho máy chạy mà giảm cân! Không có chuyện muốn giảm mỡ ở bộ phận nào thì tập nhiều ở bộ phận đó. Tập thể dục cũng không được ăn thoải mái vì tăng cân là do ăn dư thừa hơn nhu cầu năng lượng của cơ thể. Và tuy nhịn ăn dễ hơn tập luyện, nhưng tập luyện thì tốt cho sức khỏe so với nhịn ăn.

Một ngộ nhận nữa là dùng can thiệp thẩm mỹ để làm giảm cân như massage, tắm ốm, quấn nóng, kem tan mỡ, xông hơi, nịt bụng, làm nóng với nhiệt độ cao để làm tan mỡ và hút mỡ bụng... Tất cả không có tác dụng làm giảm cân mà chỉ có tác dụng kích thích hệ tuần hoàn tại chỗ tăng hoạt động hoặc làm mất nước trong cơ thể mà thôi.

Ngộ nhận cuối cùng là dùng thuốc giảm cân có thể ăn uống thoải mái là sai lầm, vì chỉ dùng thuốc khi nào đã sử dụng hết hoặc song song với các biện pháp giảm cân khác mà không có kết quả. Lưu ý các thuốc giảm cân nhanh thường là giảm... nước, bởi giảm mỡ không thể nhanh trong một sớm một chiều và các tế bào mỡ rất nhanh tái tạo.

Hiện nay, cuộc chiến chống thừa cân béo phì đang là cuộc chiến toàn cầu và cả ở VN. Những nguy cơ bệnh tật có thể dẫn đến tử vong bất cứ lúc nào từ nó luôn ẩn hiện.

NGỌC THÚY

(Báo Tuổi Trẻ)

Bài liên quan

Giảm béo
Chứng đau cổ họng
Bệnh cảm
©2002-2024. Copyright by Sức Khỏe Cộng Đồng. Quản trị nội dung: BSCK2 Phạm Xuân Hậu.
Template by JoomShaper