1. Bệnh nhiễm giun kim
Giun kim (Pinworm) là loại ký sinh trùng nhỏ xíu, tên khoa học Enterobius Vermicularis, giống như những sợi chỉ trắng, dài khoảng vài milimet, sống nhiều trong thành ruột, làm cho trẻ luôn thức giấc vào ban đêm vì ngứa hậu môn, chuyên môn gọi là bệnh nhiễm giun kim.
Giun kim trưởng thành sống trong ruột từ 20-30 ngày rồi chết. Trước khi chết giun cái thường chui ra ngoài hậu môn đẻ từ 4.000-25.000 trứng, nhất là khi trẻ ngủ.
Quá trình lây nhiễm giun kim không liên quan đến điều kiện thời tiết, khí hậu mà phụ thuộc vào ý thức vệ sinh cá nhân của con người, vì vậy trẻ nhỏ là nhóm dễ bị mắc bệnh nhất.
Gãi ngứa hậu môn khi giun đẻ trứng là phản xạ tự nhiên và cũng là nguyên nhân lây nhiễm, làm cho trứng giun dính vào tay, đưa vào miệng và theo đó nó lại đi vào ruột.
Vì lý do này mà trước khi ăn uống, sau khi trẻ đi vệ sinh, chơi bời, người ta phải vệ sinh chân tay sạch sẽ cho chúng. Khi bị nhiễm bệnh giun kim, trẻ thường đau bụng, ăn uống kém, khó tiêu. Ngoài ra bệnh còn gây viêm nhiễm các bộ phận khác như âm đạo, niệu đạo.
Nhiễm giun kim là căn bệnh thường gặp, khó chữa trị dứt điểm nên việc phòng ngừa đóng vai trò quan trọng.
Trường hợp trẻ ngứa ngáy nhiều có thể dán vào hậu môn trẻ miếng băng dính sau đó đưa đi kiểm tra trên kính hiển vi, nếu có nhiều giun, bác sĩ có thể kê đơn dùng thuốc tẩy giun. Thuốc tẩy thường phải uống 2 liều, cách nhau 2 tuần mới hết được giun.
Tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vệ sinh hậu môn mỗi khi trẻ ngủ dậy vào buổi sáng hoặc sau khi đi vệ sinh. Nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thực hiện phương châm ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, điều này không chỉ áp dụng cho trẻ nhỏ mà cho tất cả mọi thành viên trong gia đình.
2. Bệnh chấy rận
Trong những năm gần đây kinh tế phát triển, căn bệnh chấy rận ở con người, nhất là trẻ nhỏ đã từng bước được thanh toán, tuy nhiên ở nhiều vùng, nhất là những nơi khó khăn căn bệnh này vẫn phát triển.
Chấy rận là những loại côn trùng nhỏ, mỏng dẹt, không cánh, sống ký sinh trên da đầu, trong quần áo để hút máu.
Triệu chứng thường gặp là ngứa da đầu, xuất hiện các nốt đỏ li ti. Chấy rận là những côn trùng nhỏ nên khó phát hiện bằng mắt thường, thường đẻ trứng trên tóc, trong khe quần áo.
Trẻ nhỏ thường rất dễ mắc phải căn bệnh này do tiếp xúc trực tiếp, ngủ chung giường, sử dụng chung đồ vật như lược chải đầu, quần áo hay nón mũ với người mắc bệnh.
Chấy rận có thể sống ở ngoài cơ thể con người vì vậy những vật dụng cá nhân là nơi lan truyền bệnh rất tiềm ẩn.
Bệnh chấy rận không cần phải đưa đi khám bác sĩ mà có thể dùng dầu gội trị chấy, ngoài ra nên giữ vệ sinh sạch sẽ, mọi người trong gia đình nếu mắc bệnh thì phải cùng giữ vệ sinh chung để chấy rận không có điều kiện phát triển.
Nếu điều trị một lần không khỏi thì điều trị nhiều lần. Tránh dùng các vật dụng chung với các bạn mắc bệnh và nên sử dụng kem chống chấy cho trẻ nếu phải đi nhà trẻ hoặc ngủ chung với các bạn cùng lớp.
3. Bệnh nấm da
Bệnh nấm da (Ringworm) là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, có mảng vàng hình bầu dục hoặc tròn, viêm và gây ngứa. Đây là loại nấm ưa môi trường ấm, ẩm ướt thường xuất hiện trên đầu, trên da và rất dễ lây.
Lây trực tiếp từ người sang người, từ vật sang người hoặc từ môi trường xung quanh. Ví dụ như dùng chung đồ đạc, quần áo, dùng chung thảm khăn.
Trường hợp bệnh nặng thường tróc vảy gây rụng tóc, viêm ngứa và có chứa mủ. Ngoài xuất hiện trên đầu, bệnh nấm còn có ở trên người, trên mặt.
Bác sĩ thường kê đơn dùng kem bôi hoặc dùng dung dịch chống nấm. Riêng nấm tổ ong có thể phải dùng kháng sinh nhưng phải theo đơn của bác sĩ.
Bệnh nấm chân thường gặp vào mùa hè đối với nhóm trẻ hay mang giày thể thao, gây ngứa ngón chân, nhất là khe chân. Nên vệ sinh sạch sẽ, lau khô, bôi thuốc chống nấm vào kẽ chân ngày 2 lần, tất giầy cũng cần vệ sinh và rắc thuốc chống nấm để phòng bệnh.
4. Bệnh ghẻ
Ghẻ (Scabies) là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ do ký sinh trùng gây ra, thường lây truyền qua vật dụng gia đình như chăn màn, giường chiếu, quần áo.
Xuất hiện ở dưới da, trong các khe tay, lòng bàn tay bàn chân dẫn đến eczema hóa. Bệnh do ký sinh trùng ghẻ sống dưới da gây nên, làm cho trẻ ngứa ngáy khó chịu, nhất là vào ban đêm khi ký sinh trùng hoạt động mạnh.
Để hạn chế, nên duy trì vệ sinh sạch sẽ, nhất là vệ sinh quần áo, chăn màn, nên giặt sạch, phơi khô ngoài nắng. Nếu gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh nên điều trị cùng một lúc và phối hợp vệ sinh sạch toàn bộ gia đình.
Công tác vệ sinh nên duy trì thường xuyên và đều đặn. Cũng có thể giặt quần áo phơi khô cho vào tủ để sau 7 ngày (không dùng) lại giặt tiếp và phơi lần hai, như vậy ghẻ sẽ chết.
Về điều trị nên dùng thuốc dịch DEP, thuốc Eurax (không dùng cho trẻ dưới 3 tuổi), thuốc xịt Spregal hay Permethrin.
Trường hợp có nguy cơ bị eczema thì dùng thêm thuốc bôi Corticoid có tác dụng nhẹ như Eumovar và Locotop. Chú ý dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ nhất là ở nhóm trẻ nhỏ tuổi.
Khắc Nam
Theo Net/PP- 2009