Đau bụng vì tổn thương tâm lý: Khi bé đau bụng mà kèm theo các biểu hiện như vẻ mặt không vui, tâm trạng bất ổn, hay kêu đau đầu, chóng mặt, thường xuyên gặp ác mộng (hét to lúc nửa đêm) hoặc đái dầm khi ngủ phải nghĩ ngay đến việc bé bị tổn thương tâm lý.
Lúc này, bố mẹ cần nhỏ nhẹ tâm sự cùng bé, giúp bé giải toả được lo lắng bằng những lời động viên tích cực. Tuyệt đối không được chế giễu bé, ngay cả việc lấy tấm gương của các bạn hoặc anh chị em trong nhà để so sánh cũng không nên.
Đau bụng vì ngộ độc thức ăn: Là khi kèm theo biểu hiện nôn và đi ngoài. Một số trường hợp có xuất hiện cảm giác choáng váng. Khi đó cần gọi bác sĩ thăm khám hoặc đưa bé vào cơ sở y tế gần nhất.
Đau bụng do bệnh đại tràng: Nếu thấy bé đau âm ỉ vùng bụng dưới nhiều tuần liền kèm biểu hiện trướng bụng, ăn không tiêu; lúc đầu bị tiêu chảy, sau chuyển thành táo bón hãy đưa bé đến với bác sĩ chuyên khoa để có đơn thuốc điều trị dứt điểm.
Đau bụng do viêm ruột thừa: Nếu bé đau quanh vùng rốn và đau dữ dội lan sang phía bên phải phần bụng dưới, cần nghĩ ngay đến bệnh viêm ruột thừa cấp. Một vài biểu hiện kèm theo đáng lưu ý khi trẻ bị đau ruột thừa là bỏ ăn, đi ngoài nhiều lần hoặc táo bón.
Đau bụng vì táo bón: Trẻ trên 18 tháng hay gặp chứng đau bụng do táo bón. Nguyên nhân là khẩu phần ăn quá ít chất xơ kết hợp với việc đại tiện không điều độ. Khi thấy bé kêu đau bụng kèm theo biểu hiện bụng cứng lên hãy chườm ấm vùng bụng quanh rốn, sau đó dùng cả bàn tay xoa vòng tròn quanh bụng theo chiều kim đồng hồ để kích thích đại tiện.
Muốn hạn chế hiện tượng táo bón cho trẻ, hàng ngày ngoài việc chú ý tăng lượng rau xanh, hoa quả trong khẩu phần ăn cần tập cho trẻ thói quen đi đại tiện đều đặn, sau bữa ăn sáng là tốt nhất.
Đau bụng do đau nhức người: Khi trẻ bị cảm, sốt hay đau nhức mình mẩy cũng thường xuất hiện hiện tượng đau bụng. Những lúc như vậy, bạn chỉ nên tập trung vào việc giúp bé giảm bớt việc đau nhức người mà thôi.
Đau bụng do tiêu hóa kém: Trẻ có thể không đau tập trung vào một thời điểm mà thỉnh thoảng mới xuất hiện cơn đau kèm sôi bụng âm ỉ. Nếu thấy trẻ chậm tăng cân, thỉnh thoảng sốt, đi ngoài, và hay nôn trớ chắc chắn hệ tiêu hóa đã bị gặp rắc rối.
Để chính xác, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ, không nên sử dụng men tiêu hóa bừa bãi, cho dù đó là loại thuốc bác sĩ chắc chắn sẽ kê đơn cho con bạn.
Hương Quỳnh
Orginal Source Khi trẻ đau bụng